01/05/2014 16:54

Kỷ niệm 128 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Trí thức hóa giai cấp công nhân

Để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, trước hết từng công nhân lao động (CNLĐ) cần nỗ lực vươn tới mục tiêu làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao.

Hiện nay số CNLĐ đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 10,5 triệu người. Đây chính là lực lượng làm ra của cải vật chất, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước và giữ vai trò tiên phong trong các phong trào hành động cách mạng. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống, nhưng đội ngũ CNLĐ đã và đang không ngừng phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước…

Hiện nay số CNLĐ đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp
ở nước ta có khoảng 10,5 triệu người. (Ảnh: TH)


Tạo niềm tin, cùng người lao động vượt khó

Kinh tế suy thoái, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, năm 2013, có khoảng 60.737 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9% so với năm năm 2012. 3 tháng đầu năm 2014, khoảng 16.700 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ phải giải thể, ngừng hoạt động, khiến hàng ngàn CNLĐ bị mất hoặc thiếu việc làm.

Hệ lụy kéo theo là thu nhập, tiền lương, thưởng của CNLĐ bị giảm sút. Theo báo cáo từ cuộc khảo sát năm 2013 của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam) tại 68 doanh nghiệp với gần 2.000 phiếu điều tra, cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay là thấp. Tiền lương trung bình của người lao động tham gia khảo sát đạt 3,667 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của người lao động ở Hà Nội chỉ đáp ứng 54% - 62% mức số tối thiểu tùy theo vùng. Công nhân chỉ dám tiêu cho việc ăn uống 27% thu nhập, tương ứng khoảng 700.000 đồng/tháng.

Theo thống kê mới nhất, tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm đã lên tới hơn 10.659 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội lên tới 7.193 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012; nợ bảo hiểm y tế là 2.912 tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp là 552 tỷ đồng... Hiện cả nước có khoảng 1,9 triệu CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện tại, các khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 7 - 10%, trên 90% số lao động còn lại vẫn phải thuê nhà trọ của các hộ dân...

Đó là “bức tranh” mới nhất về tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ. Tuy đại bộ phận CNLĐ băn khoăn, lo lắng về đời sống, việc làm, thu nhập nhưng không vì thế mà tinh thần giai cấp của họ bị giảm sút. Đa số công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các giải pháp điều hành nhằm đưa kinh tế - xã hội đất nước từng bước vượt qua khó khăn của Chính phủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, CNVCLĐ cả nước rất phấn khởi tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong đó Điều 10 quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam được giữ lại và có sự phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí của tổ chức duy nhất đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. CNVCLĐ cả nước mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp giải quyết việc làm, nhà ở, tăng thu nhập, có sự quan tâm về y tế, giáo dục...

CNLĐ cả nước vẫn ngày đêm ra sức thi đua lao động sản xuất, vượt khó, vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 100.000 lượt CNLĐ có đề tài nghiên cứu, sáng kiến sáng tạo hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi và tiết kiệm khoảng 2.000 tỷ đồng. Các phong trào thi đua khơi dậy sức mạnh của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng đất nước giai đoạn hiện nay với một số mô hình tiêu biểu, hiệu quả như các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... Qua các phong trào này không chỉ giúp thúc đẩy sản xuất, mà còn có tác dụng khích lệ tinh thần rèn luyện ý chí, nghị lực, giúp CNLĐ yêu nghề, gắn bó với nghề...

Những kết quả trên là nhờ có sự cố gắng, chăm lo của các cấp công đoàn. Công đoàn đã lựa chọn một số nội dung trọng tâm, thiết thực với người lao động và hoạt động công đoàn, tổ chức làm việc với các cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... để trao đổi, phối hợp và làm rõ một số giải pháp trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Lãnh đạo công đoàn các cấp đã chủ động cử cán bộ bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phối hợp với người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị chính đáng của người lao động. Công đoàn cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình quỹ tiền lương, tiền thưởng và các quy định trong thỏa ước lao động tập thể, kịp thời phát hiện các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết phù hợp.

Đặc biệt, vì quyền lợi của người lao động, trong các năm qua và 3 tháng đầu năm 2014, công đoàn nhiều nơi đã có những hành động cụ thể. Điển hình như trong 3 tháng đầu năm 2014, các cấp công đoàn Hà Nội triển khai hướng dẫn lập dự án, thẩm định 177 dự án cho 2.377 lao động vay hơn 32,7 tỉ đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức và người lao động nghèo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành các thủ tục cho 2.702 lượt người vay với tổng số tiền 17,279 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Quỹ CEP chi nhánh Tiền Giang đã giải quyết cho 2.464 trường hợp vay hơn 19 tỉ đồng. Các cấp công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động 474 doanh nghiệp hỗ trợ vé xe cho 28.371 công nhân về quê với tổng số tiền 37,4 tỉ đồng và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thăm, tặng quà Tết cho 545.147 công nhân với tổng số tiền 348 tỉ đồng, tổ chức họp mặt gần 46.000 công nhân với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Các cấp công đoàn tỉnh Đồng Nai tặng 292.375 phần quà và 719 vé xe cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết với tổng số tiền gần 89 tỷ đồng...

Vươn lên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đều xác định nhiệm vụ: “Nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp” cho giai cấp công nhân nói chung, cho CNLĐ nói riêng. Nghị quyết 20 cuả Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 28/1/2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” cũng nêu rõ: “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hoá giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân”. Điều 10, Hiến pháp năm 2013 của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam: “là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động…; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với ý nghĩa đó, đây là nhiệm vụ quan trọng đặt ra với tổ chức công đoàn.

Xác định được nhiệm vụ của mình, những năm qua, tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua theo dõi, tổng hợp và báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, ngành, đến hết tháng 12/2012 các cấp công đoàn đã tổ chức được hơn 16.408 lớp cho hơn 4 triệu lượt CNVCLĐ học tập, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, hơn 500 nghìn CNLĐ được học lý thuyết, thi tay nghề hằng năm.

Từ kết quả trên, hằng năm có hàng vạn CNLĐ đạt danh hiệu thợ giỏi cấp cơ sở, danh hiệu bàn tay vàng cấp thành phố, cấp ngành Trung ương. Nhiều CNVCLĐ, nhất là cán bộ công nhân trẻ có từ 1 đến 2 bằng đại học vẫn tích cực học ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều địa phương như Bình Thuận đầu tư gần 77,8 tỷ đồng cho các hoạt động dạy nghề; đã đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 41.555 người, vượt gần 7,4% kế hoạch, góp phần nâng cao tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo nghề từ 10,2% năm 2008 tăng lên 14,46% năm 2012; Hải Dương có 225.018 lượt CNVCLĐ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đạt tỷ lệ 90%; Công đoàn Than - Khoáng sản phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị thành viên tổ chức gần 2.000 lớp học cho gần 60 nghìn CNVCLĐ học tập, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề…

Trong 5 năm qua, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm trong hệ thống công đoàn đã đào tạo nghề cho gần 500 nghìn lượt người. Trong đó, dạy nghề 93.891 người, giới thiệu việc làm 53.376 người... Những con số này là tín hiệu đáng mừng, song so sánh thì còn thấp so với tổng số CNLĐ. Nguyên nhân được xác định do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức ý thức tự giác, tích cực học tập, nâng cao học vấn, tay nghề cho công nhân lao động trực tiếp rõ ràng còn hạn chế...

Một trong những mục tiêu cụ thể mà Chiến lược Việc làm giai đoạn 2011 – 2020 hướng tới là nâng cao chất lượng lao động (nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55% theo định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội ...). Để đạt mục tiêu này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hai Đề án đó là: “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của công đoàn giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 có sự hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước”. “Nhân rộng mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ trợ vốn cho người lao động vay tự tạo việc làm (từ quỹ CEP). Ngoài ra, Tổng Liên đoàn xác định sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng trên mọi lĩnh vực hoạt động của tổ chức công đoàn…

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động công đoàn trong những năm tới sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước. Vấn đề giải quyết việc làm, tiền lương, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động vẫn là yêu cầu hết sức bức thiết; quan hệ lao động ở doanh nghiệp sẽ còn diễn biến phức tạp; sự phân hoá giàu nghèo, khoảng cách về thu nhập và đời sống trong nội bộ người lao động vẫn còn nhiều...

Tình hình trên đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải nắm vững tình hình thực tế, xuất phát từ vị trí, vai trò và chức năng của mình đề ra những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thích hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” thời gian tới...

Tuy nhiên, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, trước hết từng CNLĐ cần nỗ lực vươn tới mục tiêu làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao. Muốn vậy, từng CNLĐ cần tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập về từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với điều kiện sống, yêu cầu của quá trình sản xuất, công tác ở đơn vị, doanh nghiệp.../.

Nguồn: ĐCSVN, 01/05/2014, Thu Hà