23/01/2014 14:41

Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ mạnh lên trong năm 2014

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu năm 2014 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, kinh tế toàn cầu dự tính sẽ mạnh lên trong năm nay. Trong đó, tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ đạt mức cao hơn; các nền kinh tế có thu nhập cao sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.


Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn)

Nhìn chung, đà tăng trưởng đang mạnh dần lên tại các nước đang phát triển, được hỗ trợ bởi tăng trưởng nhanh hơn tại các nước thu nhập cao và tăng trưởng tiếp tục mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng vẫn còn bị đe dọa bởi ảnh hưởng của lãi suất tăng cao trên toàn cầu và sự bất ổn tiềm tàng trong luồng chảy vốn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu giảm gói kích thích tiền tệ khổng lồ.

Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng có vẻ đang mạnh dần lên ngay cả ở các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển, nhưng vẫn tồn tại những rủi ro đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Các nước phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng và điều đó hỗ trợ tăng trưởng tại các nước đang phát triển trong những tháng tới. Tuy vậy, nếu muốn tăng tốc độ giảm nghèo thì các nước đang phát triển phải tiến hành cải cách cơ cấu để tạo việc làm, cải thiện hệ thống tài chính và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Theo báo cáo này, dự tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,4% năm 2013 lên 3,2% trong năm 2014 và ổn định ở mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016, chủ yếu do tăng trưởng mạnh tại các nước thu nhập cao. Tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ tăng từ mức 4,8% năm 2013 lên 5,3% năm 2014, thấp hơn một chút so với dự báo, 5,5% năm 2015 và 5,7% năm 2016. Tuy tốc độ tăng trưởng có kém 2,2 điểm phần trăm so với thời kỳ bùng nổ 2003-2007, nhưng đó không phải là điều đáng ngại. Mức khác biệt đó thể hiện sự giảm nhiệt quá trình tăng trưởng nóng và không bền vững thời kỳ trước khủng hoảng, không liên quan đến sụt giảm tiềm năng tăng trưởng tại các nước đang phát triển.

Đối với các nước thu nhập cao, tác động làm chậm tăng trưởng của việc thắt chặt tài chính và bất ổn chính sách sẽ giảm đi, giúp tăng trưởng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm 2014 và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016. Trong số các nền kinh tế thu nhập cao thì Hoa Kỳ phục hồi sớm nhất với GDP tăng trưởng liên tục 10 quý vừa qua. Nền kinh tế Hoa Kỳ dự tính sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3,0% năm 2016. Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro, sau hai năm sụt giảm, dự báo sẽ đạt 1,1% năm nay, và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016.

Ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, các chỉ số kinh tế toàn cầu đều cải thiện. Nhưng, vẫn có thể nhận thấy còn nhiều nguy cơ ẩn dưới bề mặt đó. Khu vực đồng Euro đã thoát khỏi suy thoái nhưng thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn đang giảm. Có thể kỳ vọng các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng trên 5% trong năm 2014, trong đó một số nước tăng trưởng mạnh như Angola 8%, Trung Quốc 7,7%, và Ấn Độ 6,2%. Nhưng, cần phải tránh tình trạng tê liệt chính sách để làm sao mầm xanh không bị biến thành gốc cây khô héo.

Các nước đang phát triển chịu tác động của các lực đối trọng từ các nước thu nhập cao. Kinh tế tại các nước thu nhập cao phát triển một mặt sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng mặt khác lại làm tăng lãi suất và làm giảm luồng vốn đầu tư. Báo cáo dự tính thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 3,1 % năm 2013 lên 4,6% năm nay và 5,1% năm 2015 và 2016.

Mặc dù vậy, giá hàng hóa thấp sẽ kéo theo sụt giảm nguồn thu từ thương mại. Nằm giữa thời kỳ cao điểm cuối năm 2011 và thời kỳ hạ thấp tháng 11/2013 giá thực tế nhiên liệu hiện nay đã giảm 9% và giá thực phẩm giảm 13%. Trong khi đó giá kim loại và khoáng chất giảm 30%. Áp lực hạ giá hàng hóa sẽ tiếp tục kéo dài, một phần cũng vì nguồn cung được bổ sung.

“Phục hồi kinh tế ngày càng mạnh tại các nước thu nhập cao là một điều đáng mừng, nhưng nó cũng mang theo rủi ro có thể làm gián đoạn quá trình này bởi chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt. Cho đến nay chính sách cắt giảm nới lỏng định lượng (QE) diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng nếu lãi suất tăng quá nhanh thì luồng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể bị giảm đến 50% hoặc hơn nữa trong giai đoạn vài tháng – kích thích khủng hoảng tại một vài nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.” - ông Andrew Burns, Quyền Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển và tác giả chính của bản báo cáo nhận định.

Luồng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển sẽ phụ thuộc vào điều kiện tài chính toàn cầu. Khi chính sách tiền tệ tại các nước thu nhập cao bình thường hóa trở lại nhờ vào tăng trưởng thì tỉ lệ lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng dần. Tác động của chính sách thắt chặt điều kiện tài chính có trật tự lên đầu tư vào các nước đang phát triển không đáng kể; theo đó lượng vốn chảy vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 4,6% GDP năm 2013 xuống còn 4,1% GDP năm 2016. Nhưng nếu điều đó không được thực hiện có trật tự, như khi mọi người phỏng đoán xem khi nào thì chính sách giảm lượng tiền mặt bắt đầu trong mùa hè năm 2013, thì lãi suất có khả năng tăng nhanh hơn nhiều. Tùy theo mức độ phản ứng của thị trường, dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể bị cắt giảm đến 50% hoặc hơn trong vòng vài tháng. Nếu điều đó xảy ra thì các nước bị thâm hụt cán cân thanh toán đáng kể hoặc nợ nước ngoài nhiều, hoặc các nước mở rộng tín dụng mạnh trong những năm gần đây sẽ là những nước bị ảnh hưởng nhất.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù những rủi ro lớn vốn đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm qua đã suy giảm nhưng các thách thức cơ bản vẫn còn đó. Thêm vào đó, tuy các nước đang phát triển phản ứng với khủng hoảng tài chính bằng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ nhưng qui mô các biện pháp đó cũng giảm đi và ngân sách chính phủ cũng như cán cân thanh toán hầu hết các nước đều đang thâm hụt.

Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ về phương án đối phó với chính sách thắt chặt tài chính toàn cầu. Các nước có vùng đệm chính sách hợp lý và giành được niềm tin của nhà đầu tư có thể dựa vào cơ chế thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô thoát khỏi chu kỳ kinh tế và các chính sách cẩn trọng khác nhằm khắc phục suy giảm nguồn vốn chảy vào. Trong các trường hợp khác, nếu không có nhiều dư địa hành động, các nước có thể bị buộc phải thắt chặt chính sách tài khóa nhằm giảm nhu cầu tài chính hoặc nâng lãi suất để thu hút vốn đầu tư. Nếu có dự trữ ngoại tệ thích hợp, có thể sử dụng làm chậm tốc độ tăng lãi suất hoặc cũng có thể nới lỏng qui chế thu hút vốn và khuyến khích FDI. Cuối cùng, nếu cải thiện được viễn cảnh dài hạn thì các chương trình cải cách đáng tin cậy sẽ có thể tạo được niềm tin của nhà đầu tư và thị trường về lâu dài. Qua đó sẽ kích hoạt một vòng lặp tăng cường đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, và tăng trưởng đầu ra trong kỳ trung hạn./.

Đặng Hiếu (ĐCSVN, 17/1/2014).