Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công đã hoàn thành nhiệm vụ ở giai đoạn 1. Những kết quả được công bố mới đây thật sự ý nghĩa, khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Đây cũng sẽ là cơ sở để các bên liên quan quyết tâm giải quyết những trường hợp tồn đọng trong năm 2015.
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm và chúc Tết thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TH)
|
Nói đi đôi với làm
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, các chính sách đối với bảy nhóm đối tượng người có công là liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã được tổ chức rà soát toàn diện, cụ thể, công khai và minh bạch từ cấp xã/phường/thị trấn với sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Kết quả rà soát cho thấy, đã rà soát 2.070.151 đối tượng người có công, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người (chiếm tỷ lệ 95.75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỷ lệ 4,16%); số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (chiếm tỷ lệ 0.09%). Trong đó, số đối tượng hưởng sai chính sách ở nhiều dạng khác nhau như: Thương binh từ trần không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ nhưng Sở vẫn giải quyết tuất liệt sĩ cho thân nhân; con liệt sĩ trên 18 tuổi không bị khuyết tật từ nhỏ, không tiếp tục đi học nhưng không cắt trợ cấp; liệt sĩ có thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng nhưng vẫn giải quyết chế độ thờ cúng…
Qua rà soát, kết quả đã tìm ra các địa phương có tỷ lệ hưởng đúng và không có người hưởng thiếu là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bình Dương. Địa phương có tỷ lệ hưởng chưa đầy đủ chính sách cao nhất là Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… Địa phương có số người hưởng sai chính sách cao nhất là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, QuảngNam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Địa phương có kế hoạch xử lý các vấn đề sau tổng rà soát sớm nhất là QuảngNamvà Kiên Giang.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, có được kết quả nêu trên là do đợt Tổng rà soát đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, hành động nói luôn đi đôi với làm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố đã chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo đúng quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc ghi phiếu, phân loại và tổng hợp đối tượng cụ thể, chu đáo, đảm bảo tính chính xác của công tác rà soát. Việc triển khai thực hiện rà soát tại cộng đồng dân cư được thực hiện nghiêm túc có sự kiểm tra, giám sát kịp thời của Ban rà soát cấp huyện và xã, phường, thị trấn. Việc niêm yết danh sách cơ bản đảm bảo thời gian theo quy định, thể hiện tính công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ: Kết quả này khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công; và việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời về thời gian. Số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương là 63.543 trường hợp. Các trường hợp trên số đông là do chính sách bổ sung, do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc… Việc xử lý hồ sơ tồn đọng, sớm xác nhận người có công cho những người có đủ điều kiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành cũng là vấn đề đặt ra sau đợt tổng rà soát này.
Cần có hướng dẫn cụ thể đối với những tồn đọng
Trong 63 tỉnh, thành phố thực hiện việc Tổng rà soát, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm sáng tạo và quyết liệt. Đây là địa phương đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo Tổng rà soát. Hà Nội còn thành lập hai đường dây nóng và tự trích ngân sách thay vì chờ đợi kinh phí từ Trung ương. Sự quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã khiến người dân Thủ đô đồng lòng chung sức. Nhờ vậy, Hà Nội không còn đơn thư nặc danh, người dân chuyển từ nghi ngờ sang kiến nghị, hiến kế cho cơ quan chức năng giải quyết các chính sách cho người có công... Do đó, toàn thành phố đã tiến hành rà soát 145.739 đối tượng, trong đó có 145.626 đối tượng hưởng đúng; 64 trường hợp hưởng chưa đầy đủ; 49 trường hợp hưởng sai và 1.624 trường hợp đề nghị xác nhận.
Từ thực tiễn thực hiện tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có quy định tạo điều kiện cho gia đình có người hy sinh trong kháng chiến không lưu giữ được hồ sơ gốc được giải quyết chế độ chính sách của nhà nước. Cùng với đó, Chính phủ quan tâm giải quyết đến các đối tượng là thanh niên xung phong không có giấy tờ gốc được xem xét giải quyết theo Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam Lê Sáu cho biết, việc tổng rà soát này Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Toàn tỉnh đã tiến hành rà soát hơn 94.114 đối tượng người có công, trong đó có 87.322 đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách; 6.677 đối tượng hưởng chưa đầy đủ; 145 trường hợp hưởng sai và 1.480 trường hợp đề nghị xác nhận.
Ông Lê Sáu cho biết, đối với 1.480 trường hợp đề nghị xác nhận, vướng mắc lớn nhất chính là việc xem xét hồ sơ gốc, vì đa phần các trường hợp này đã thất lạc và không đủ giấy tờ hồ sơ. Tỉnh QuảngNamđề nghị các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể để giải quyết những trường hợp này.
Tương tự, đến nay, Gia Lai đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân cho 15.200 người. Ngoài việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định, những gia đình thuộc diện chính sách đều được hưởng lợi nhiều từ sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội trên địa bàn, nhất là những hộ còn nhiều khó khăn và những hộ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong tổng số đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thì có 145 trường hợp đang hưởng chế độ chưa đầy đủ (chiếm 0,95%), có 133 trường hợp đang hưởng chế độ sai (chiếm 0,88%). Ngoài ra, toàn tỉnh còn đến 334 trường hợp chưa được xem xét xác nhận.
Ông K'Pă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với những trường hợp đang hưởng trợ cấp sai, đồng thời chỉ đạo cho các huyện, thị xã, thành phố sớm tiến hành phân loại, hướng dẫn các đối tượng chưa được xem xét xác nhận người có công đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Ông K'Pă Thuyên cũng kiến nghị với Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về một số vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công như mở rộng và rõ ràng cụ thể các danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí cho các đối tượng thanh niên xung phong; cấp kinh phí kịp thời cho các địa phương để triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng người có công...
Cũng như các địa phương khác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát hơn 64 nghìn đối tượng với số lượng hưởng đúng đạt 94%, hưởng chưa đầy đủ 5,72% và hưởng sai là 0,02%. Vướng mắc lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là hồ sơ gốc. Hiện có 227 trường hợp còn tồn đọng đề nghị xác nhận, trong đó đa phần các đối tượng là thanh niên xung phong.
|
Chương trình “Màu hoa đỏ” là hoạt động thường niên của Báo điện tử ĐCSVN nhằm tri ân các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước. (Ảnh: KS)
|
Kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ
Từ ý kiến thực tiễn của các địa phương, chúng ta thấy rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện chế độ đối với những người có công chính là hồ sơ gốc. Đây cũng là lý do chính của 63.551 trường hợp hồ sơ kê khai còn tồn đọng ở các địa phương. Vì vậy, việc xử lý hồ sơ tồn đọng, sớm xác nhận người có công cho những người đủ điều kiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành đang là vấn đề đặt ra.
Theo đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hơn 63 ngàn trường hợp còn tồn đọng chính là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung chủ đạo giải quyết dứt điểm những trường hợp đối tượng chính sách còn hưởng chưa đầy đủ, chậm nhất trong tháng 3/2015 phải giải quyết xong. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương cần hướng dẫn thủ tục hồ sơ. Đặc biệt đối với những trường hợp hưởng sai chế độ chính sách cần xem xét thận trọng từng trường hợp trước khi giải quyết. Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo các địa phương để đến 27/7/2015 các trường hợp này cơ bản phải được giải quyết xong.
Với tinh thần “kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công và hoàn thiện chính sách người có công theo các đối tượng khác nhau”, phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng diễn ra mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong thời gian tới cần tiếp tục giám sát danh sách những đối tượng hưởng chưa đủ, hưởng sai và những người đề nghị xem xét, cũng như giám sát việc xử lý giải quyết. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục tiếp nhận, lắng nghe thông tin, kiến nghị của người dân để có thông tin bổ sung về chương trình Tổng rà soát. Mục tiêu đến ngày 30/6/2015, cơ bản kết thúc việc tổng rà soát và trong thời gian này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên thành lập các đoàn kiểm tra tập trung vào 21 tỉnh, thành phố lớn có số lượng đối tượng chính sách đông để đánh giá việc giải quyết của các tỉnh, thành.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Các bộ, ngành Trung ương, các đoàn thể tiếp tục hoàn thiện việc hưởng chính sách của những người chưa được hưởng đủ, làm sao hưởng đúng chính sách; đưa ra khỏi diện hưởng chính sách người có công với những người không đủ tiêu chuẩn; tập trung hướng dẫn hỗ trợ để đăng ký hồ sơ, xem xét những người có nguyện vọng được xem xét người có công để đến tháng 9/2015 có báo cáo chính thức với Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước về việc thực hiện Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.
Có thể nói, mục đích quan trọng nhất của việc Tổng rà soát chính sách cho người có công là việc không được phép bỏ sót một đối tượng nào. Đó không chỉ là kỳ vọng của người dân từ cuộc tổng rà soát này, mà còn là trách nhiệm của những người thực hiện. Cho dù việc Tổng rà soát mới được thực hiện trong hai năm 2014 - 2015, cho dù còn rất nhiều trường hợp chưa có tên trong diện rà soát thì những nỗ lực trong năm 2014 - giai đoạn 1 chắc chắn sẽ là tiền đề cơ bản cho những năm tiếp theo./.
Nguồn: ĐCSVN/ Thu Hà