16/06/2015 07:27

Hướng đi mới cho việc sử dụng nguồn lực dự trữ Quốc gia

Đưa ra hướng đi mới vừa để phát huy vai trò dự trữ quốc gia (DTQG) trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa để sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực là cách mà ngành DTQG đã và đang tích cực thực hiện trong những năm qua. Bằng việc chủ động tiếp cận các chính sách, nhu cầu các địa phương, Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) đã tham mưu, đề xuất việc sử dụng nguồn lực DTQG tham gia vào các chương trình an sinh xã hội và đảm đương nhiệm vụ mới.

 


Ảnh minh họa: Hồng Sâm

Tham gia vào các chương trình an sinh xã hội

Để ngày càng phát huy vai trò DTQG trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với tình hình mới, ngoài việc đáp ứng yêu cầu cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, phục vụ quốc phòng, an ninh, trong những năm gần đây, Tổng cục DTNN đã không ngừng tìm hướng đi mới cho việc sử dụng nguồn lực DTQG như: kho tàng, hàng hóa và nhân lực DTQG… một cách có hiệu quả.

Nguồn lực DTQG đã thực hiện tốt mục tiêu của Luật DTQG thông qua việc hỗ trợ cho các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, thời điểm giáp hạt và khắc phục hậu quả mưa bão; hỗ trợ các địa phương khống chế dịch bệnh. Công việc này luôn được Tổng cục DTNN thực hiện kịp thời, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” sẻ chia của Chính phủ với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt, bị dịch bệnh hoành hành…

Bên cạnh việc thực hiện tốt mục tiêu của Luật DTQG, trong sáu năm qua, thực hiện Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ, các Cục DTNN khu vực đã tổ chức xuất kho, vận chuyển hàng trăm chuyến hàng với hàng nghìn tấn gạo DTQG về với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng tại 68 xã thuộc 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2008-2015. Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng, ngành lại tiếp tục thực hiện Quyết định số 552/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gần 3.000 tấn gạo/năm với thời gian là 6 năm từ nguồn DTQG cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát (không bao gồm các hộ nghèo đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2013-2018.

Việc hỗ trợ này đã giúp bà con có lương thực đủ ăn, làm thay đổi tập quán của họ từ trước tới nay chỉ biết dựa vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, củi phục vụ nhu cầu đời sống, đến nay đã biết trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên; đồng thời thu hút được các hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, giảm tình trạng di cư tự do gây mất trật tự tại một số địa phương vùng biên giới.

Ngoài ra, ngành DTQG cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg. Tuy mới thực hiện trong 2 năm học 2013-2014 và 2014-2015, nhưng đến nay đã có gần 50 vạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của 49 tỉnh, thành trên mọi miền Tổ quốc được hỗ trợ của Chính phủ để cắp sách đến trường. Bằng lòng tâm huyết cùng sự quyết tâm của toàn ngành, nhiệm vụ này đã được thực hiện tốt với những chuyến hàng luôn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và kịp thời. Rất nhiều em tâm sự: “Từ ngày có gạo của Đảng, Nhà nước cái bụng của em luôn ấm khi đến trường. Em sẽ cố gắng học tốt để mai này xây dựng bản làng”… Việc hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, dân tộc thiểu số có lương thực đủ ăn trong thời gian theo học là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Chính phủ, là một trong những yếu tố quan trọng, tạo điều kiện giúp các em tập trung thời gian, nâng cao chất lượng học tập, và tạo nguồn cung cấp nhân lực tại chỗ cho địa phương, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Tận dụng nhân lực, vật lực thực hiện nhiệm vụ mới

Luôn sẵn sàng chủ động tiếp cận các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, nhu cầu các địa phương như đã nêu ở trên … chính là hướng đi mới của ngành DTQG đề ra trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực DTQG

Đứng trước nhu cầu cần bảo quản tốt các loại tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản tồn đọng tại các cảng biển, cảng hàng không ...do các cơ quan nhà nước (công an, hải quan, quản lý thị trường...) đã tịch thu sung quỹ nhà nước nhưng không được phép kinh doanh vì mục đích thương mại thì ngành DTQG có thể đảm đương được nhiệm vụ này.

Đến nay, hệ thống kho DTQG đã được hình thành đồng bộ và có quy mô lớn, được đặt ở những vị trí trọng yếu. Ngoài hệ thống kho hiện có thì việc triển khai đầu tư, xây dựng hệ thống kho DTQG theo quy hoạch chi tiết do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt đang được thực hiện khẩn trương. Với quy mô và tiêu chuẩn kho DTQG tại 3 miền Bắc,Trung,Namcó thể bảo đảm điều kiện an ninh, kỹ thuật để bảo quản tài sản do các cơ quan nhà nước đã tịch thu sung quỹ nhà nước nhưng không được phép kinh doanh vì mục đích thương mại.

Khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao nhiệm vụ bảo quản, Tổng cục DTNN sẽ lựa chọn, cải tạo và bố trí lại kho để đảm bảo yếu tố an toàn trong bảo quản nhưng tiện trong tiếp nhận, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn về bảo quản cho phù hợp với các loại tài sản này. Tổng cục DTNN sẽ sử dụng bộ máy, con người hiện có (lựa chọn các cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn tốt thực hiện việc bảo quản tài sản, đồng thời cử cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ) để thực hiện bảo quản các tài sản được giao mà không hình thành tổ chức bộ máy mới.

Với những thành quả đã đạt được, việc chủ động tiếp cận các chính sách, các chương trình, các nhiệm vụ mới là hướng đi phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành DTQG, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của đất nước và đưa Luật DTQG đi vào cuộc sống. Để hướng đi mới này tiếp tục được phát huy có hiệu quả trong thời gian tới, Tổng cục DTNN đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản, Tổng cục Hải quan, Cục KHTC...) chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực DTQG (kho tàng, nhân lực...) theo hướng để vừa phục vụ mục tiêu mà Luật DTQG quy định, phục vụ các chương trình an sinh xã hội và vừa có khả năng thực hiện nhiệm vụ mới khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao./.

Nguồn: ĐCSVN/(TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước)