Ngày 19/4/2014, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) diễn ra Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ sáu và các nước đối thoại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời trao danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN” cho Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhận danh hiệu
TP Huế “Thành phố Văn hóa ASEAN”.
Huế - Thành phố văn hóa ASEAN
Sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã cam kết sẽ xây dựng một kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để giới thiệu hình ảnh cộng đồng ASEAN đến với nhân dân Việt Nam nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng; tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu nỗ lực không ngừng để quảng bá hình ảnh một cộng đồng ASEAN hòa bình, văn minh, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, thiên nhiên thơ mộng, xinh đẹp; nơi còn bảo lưu những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc; trong đó, Quần thể Di tích cố đô Huế và Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Lăng Cô - Phú Lộc được vinh danh là một trong những vịnh biển đẹp nhất của thế giới...
Thời gian qua, việc tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, thể thao có quy mô quốc gia và quốc tế mà nổi bật là Festival Huế diễn ra định kỳ hai năm một lần đã quảng bá có hiệu quả hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế; mở rộng giao lưu, hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh tế với thế giới, góp phần khẳng định Thừa Thiên - Huế là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, là thành phố di sản, thành phố du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Trong quá trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh cộng đồng ASEAN, Thừa Thiên – Huế sẽ có các hoạt động để gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Cố đô trong giai đoạn hội nhập và phát triển; đồng thời, tăng cường trao đổi, hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng cộng đồng ASEAN và trong khu vực thông qua liên kết hợp tác phát triển du lịch, tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa, lễ hội, liên hoan, trưng bày, triển lãm... vì một ASEAN thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu của các quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Cao cũng bày tỏ sự cám ơn đến Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao Việt Nam, các nước trong cộng đồng ASEAN và bạn bè quốc tế đã hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của cộng đồng ASEAN để văn hóa thật sự là cầu nối đưa các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau vì mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, để Huế thực sự là nơi giao lưu, trao đổi văn hóa, qua đó thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”.
Như vậy, Huế là thành phố thứ ba, sau Cebu của Philippines và Singapore trở thành Thành phố Văn hóa của ASEAN. Trong nhiệm kỳ hai năm, Huế sẽ phải đóng vai trò tăng cường giao lưu, hợp tác các nền văn hóa, văn minh trong ASEAN. Từ đó, tạo ra ý thức rõ ràng hơn về những giá trị bản sắc của ASEAN cho cộng đồng và người dân trong khu vực.
Xây dựng bản sắc văn hóa ASEAN
Với chủ đề “Nâng cao vai trò văn hóa đối với sự phát triển bền vững cộng đồng ASEAN”, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN lần thứ sáu tập trung bàn và cụ thể hóa các cam kết hợp tác nêu trong tuyên bố về thống nhất ASEAN trong đa dạng văn hóa, hướng tới tăng cường cộng đồng ASEAN; tích cực chuẩn bị chiến lược phát triển văn hóa, nghệ thuật của Hiệp hội giai đoạn 2015, trong đó chú trọng nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người dân; thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước đối thoại nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển văn hóa nghệ thuật.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Sau 47 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã có những bước tiến rất xa trong quá trình xây dựng cộng đồng trên ba trụ cột chính là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Từ chỗ là một khu vực có nhiều bất ổn về an ninh, tồn tại nhiều nghi kỵ và khác biệt, chúng ta đã xây dựng một tổ chức đoàn kết, gắn bó, chia sẻ những giá trị hợp tác chung, cùng đưa ASEAN thành một nhân tố tích cực, hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.
Thành công chung đó có sự đóng góp quan trọng về lĩnh vực văn hóa – xã hội mà các vị bộ trưởng phụ trách. Thông qua cơ chế hợp tác hiện có, các bộ trưởng đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược về văn hóa - nghệ thuật, góp phần bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa ASEAN; từ đó, tăng cường hiểu biết của những người dân về nền văn hóa đa dạng, đa sắc của ASEAN. Nhiều dự án văn hóa – nghệ thuật quan trọng của ASEAN như chương trình biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, hòa nhạc ASEAN, thành phố văn hóa ASEAN… Thông các hoạt động đã từng bước hình thành ý thức cộng đồng ASEAN và bản sắc ASEAN, những nhân tố quan trọng đối với việc xây dựng một ngôi nhà chung, một cộng đồng ASEAN bền vững của tất cả chúng ta. Trong những năm gần đây, hợp tác văn hóa – nghệ thuật ASEAN còn mở rộng ngoài khuôn khổ ASEAN, đặc biệt là các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thông qua cơ chế hợp tác hiện có, các bộ trưởng đã đưa ra nhiều quyết sách, chiến lược về văn hóa, nghệ thuật, góp phần bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa ASEAN, từ đó tăng cường hiểu biết của người dân về nền văn hoá đa dạng, đặc sắc ASEAN. Trong đó, phải kể đến nhiều dự án văn hóa - nghệ thuật quan trọng của ASEAN như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật hay nhất của ASEAN, Liên hoan phim, Hòa nhạc ASEAN, Thành phố Văn hóa ASEAN…
Đề cập vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN còn là đề cập đến việc tận dụng vai trò của tri thức, khoa học công nghệ và các hình thức nghệ thuật vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ASEAN, hướng tới cộng đồng "cùng phát triển, cùng thịnh vượng".
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã lưu ý trong thời gian tới, các Bộ trưởng Văn hóa - Nghệ thuật cần cần tập trung bàn biện pháp cụ thể hóa các cam kết hợp tác nêu trong Tuyên bố về thống nhất ASEAN trong đa dạng văn hóa: hướng tới tăng cường Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, hội nghị cần đưa ra các quyết sách và sáng kiến cụ thể để thúc đẩy việc xây dựng bản sắc ASEAN, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, khai thác hợp lý các di sản văn hóa phục vụ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong khu vực.
Bên cạnh đó, cần tích cực chuẩn bị chiến lược phát triển văn hóa - nghệ thuật của Hiệp hội giai đoạn sau năm 2015, trong đó chú trọng nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa - nghệ thuật của nhân dân, phát huy vai trò của văn hóa trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển văn hóa - nghệ thuật; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các nước đối tác khác trong và ngoài khu vực.
NDĐT, 19/4/2014, Công Hậu.