Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Người cao tuổi đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục nội dung Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 8, Khoá XI, ra Nghị quyết về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trang thông tin điện tử tổng hợp Hội NCT Việt Nam trân trọng đăng lại nội dung cuộc phỏng vân nói trên.
PV: - Từng gắn bó và am hiểu nhiều về ngành Giáo dục, ông có thể cho biết vì sao tại thời điểm này ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới căn bản, toàn diện, đây có phải là cuộc cải cách giáo dục như các giai đoạn trước?
GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc: - Bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (1986) cùng với sự đổi mới của đất nước có nhiều thành phần kinh tế tham gia, ngành Giáo dục cũng có nhiều đổi mới. Theo đường lối của Đảng, từ đây những đổi mới của ngành Giáo dục không gọi là cải cách giáo dục như trước. Đến Hội Nghị BCH TW Đảng lần thứ 8 (Khóa XI), có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, về “Đổi mới Giáo dục và đào tạo”, một lần nữa thể hiện sự quan tâm chăm lo cho giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước ta. Đổi mới lần này là căn bản và toàn diện, nội dung cũng có ý nghĩa khác với những cuộc cải cách giáo dục trước đây.
PV: - Thưa ông, có thể học tập được những kinh nghiệm gì từ những cuộc cải cách giáo dục trước đây, để đổi mới giáo dục lần này thành công như kì vọng của toàn Đảng, toàn dân?
GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc: - Gần đây trên phương tiện truyền thông có những tin, bài về bạo lực nhà trường, cô nuôi dạy trẻ hành hung các cháu, một số trường đại học danh tiếng như Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Sư phạm Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) cả Đại học Quốc gia Hà Nội, v.v… có hiện tượng bè cánh, tham nhũng kinh tế, lợi ích nhóm, gian lận bằng cấp… làm ảnh hưởng môi trường giáo dục ở các trường này, ảnh hưởng đến sự tôn sư trọng đạo trong lĩnh vực giáo dục. Khi người thầy có vấn đề, nhà trường có vấn đề, thì không thể không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và học trò, vì quan hệ trong nhà trường không thể tách rời quan hệ thầy trò, quan hệ giữa người dạy và người học.
Thầy giáo là những người có nhân cách, được nhân dân kính trọng, tôn là thầy, học trò cũng phải giữ được đạo làm trò. Xưa kia trong nhà trường thường có khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” để thấy rằng, đạo lí nhân cách của thầy và trò được đặt lên hàng đầu, rồi mới đến kiến thức.
Thế nên “Đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản” không thể không bắt đầu từ yếu tố con người, vì đó là khâu đột phá. Có con người tốt sẽ có xã hội tốt. Có thầy giáo giỏi, uyên thâm kiến thức, sẽ có học trò giỏi. Mặt khác, tư tưởng và nhận thức của các thế hệ có thể khác nhau, sự chuyển giao thế hệ trong đổi mới của xã hội sẽ nảy sinh một số biểu hiện trong và ngoài nhà trường, tác động đến môi trường giáo dục.
Chỉ một số tiêu cực trong một số nhà trường nhưng không giải quyết triệt để, sẽ làm ảnh hưởng chung tới uy tín của ngành Giáo dục, của người thầy giáo. Những “con sâu làm rầu nồi canh”, phải chỉ ra là một con sâu hay cả bầy sâu. Đọc những thông tin này, người trong và ngoài ngành Giáo dục đều buồn, còn bạn bè quốc tế nghĩ sao? Đành rằng đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là khó khăn, chống tiêu cực trong giáo dục còn khó khăn hơn, nhưng nếu không làm quyết liệt, sẽ giảm lòng tin của nhân dân với ngành Giáo dục, sẽ làm tổn thương uy tín danh dự của người thầy với các thế hệ học trò. Nhưng ai là người chỉ ra, ai là người giải quyết? Tôi nghĩ trách nhiệm không ai khác là lãnh đạo các trường. Khi lãnh đạo trường có vấn đề, thì người giải quyết trực tiếp phải là ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước đây ngành Giáo dục có phong trào “Chim đầu đàn”, có tác động tốt tới phong trào thi đua cũng như chống tiêu cực. Giờ đây ngành Giáo dục đang cần những “Chim đầu đàn” như thế!
PV: - Trân trọng cảm ơn ông!
Nghiêm Thị Hằng (thực hiện)
(Nguồn: Báo Người cao tuổi, 12/2/2014).