Năm 2012 và 2013 là khoảng thời gian mà chính sách ưu đãi người có công với cách mạng có nhiều thay đổi lớn. Đặc biệt, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện quy định về các chế độ ưu đãi bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và triển khai tổng rà soát các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015.
|
Những năm qua, chính sách với người có công không ngừng được hoàn thiện (Ảnh: Thế Dương) |
Nhiều thay đổi lớn trong chính sách
Chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong những năm qua, chính sách với người có công không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt năm 2012 và 2013 là khoảng thời gian mà chính sách ưu đãi người có công với cách mạng có nhiều thay đổi lớn. Trong đó, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện quy định về các chế độ ưu đãi bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và triển khai tổng rà soát các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015.
Theo Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái, hiện nay người có công được Đảng, Nhà nước dành quan tâm, chăm sóc bằng nhiều ưu đãi khác nhau. Người có công được hỗ trợ về tài chính thông qua nhiều kênh, trong đó quan trọng nhất là thông qua hình thức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp, phụ cấp được tính theo mức chuẩn căn cứ mức chi tiêu bình quân toàn xã hội và thực hiện theo quy định của Chính phủ. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được xác định và điều chỉnh tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội có tính đến chỉ số trượt giá và tỷ lệ (%) mức tăng trưởng kinh tế (phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước).
Từ tháng 1/2008 đến nay, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, từ 470.000 đồng/tháng (năm 2007) lên mức hiện nay 1.220.000 đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu chung là 1.150.000 đồng/tháng).
Bên cạnh ưu đãi về trợ cấp, phụ cấp, hàng năm nhà nước còn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ về nhà ở, chi trả các khoản ưu đãi về y tế, giáo dục, cho vay phát triển kinh tế, tạo việc làm... đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Mặt khác, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương. Đến cuối năm 2013, 96% số xã, phường cả nước được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Tăng cường kiểm tra để chính sách đến đúng người
Để chăm lo tốt hơn nữa cho người có công, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2014 sẽ tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phối hợp với Bộ Xây dựng phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng.
Bộ cũng sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công. Nghiên cứu bổ sung chính sách đối với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công đặc biệt với đối tượng liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra rà soát hồ sơ các đối tượng người có công để bảo đảm chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến đúng người và đúng chính sách; xử lý nghiêm những trường hợp đã có kết luận sai phạm và trách nhiệm của người gây ra những sai phạm đó.
Mặt khác, quy hoạch, sắp xếp và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình – phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng cho người có công; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo ổn định, lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.
Để chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cho người có công, ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết, theo quyết định 12/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, sẽ có hơn 2,5 triệu người có công được tặng các phần quà Tết trị giá từ 200.000-400.000 đồng. Tổng kinh phí tặng quà cho các đối tượng người có công là khoảng 350 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng huy động nguồn xã hội hóa để đảm bảo 100% đối tượng chính sách ăn Tết vui vẻ. |
Kim Thanh (ĐCSVN, 28/1/2014)