25/02/2014 22:58

Điện về Mường Lý

Những ngày này, trên các bản làng của xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) luôn tràn ngập tiếng cười, tiếng khèn của chàng trai Mông, giọng khặp của cô gái Thái. Ngày xuân trên bản làng vùng cao càng vui hơn trong ánh sáng của nguồn điện lưới quốc gia. Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã mang đến cho bà con nhân dân xã Mường Lý niềm vui mới. Mường Lý cũng là xã cuối cùng của tỉnh Thanh Hóa có điện lưới quốc gia. 

Cắt băng khánh thành công trình cung cấp điện cho xã Mường Lý.

Xã "3 không"

 

Từ trung tâm huyện Mường Lát, phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vào đến trung tâm xã Mường Lý. Con đường vào xã Mường Lý một bên là vách núi, một bên là vực sâu và những ổ gà, ổ voi, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội. Con đường vào các bản như Sài Khao, Trung Thắng, Trung Tiến… như thách thức những tay lái cừ khôi mỗi khi lên nơi này. Không có đường giao thông thuận lợi nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân cũng không phát triển. Để bán một sản phẩm do mình làm ra, bà con phải chở bằng xe máy ra đến đường cái của xã; muốn mua thực phẩm hằng ngày, cũng phải chờ các thương lái chở hàng vào bản. Mường Lý là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, nằm biệt lập so với các xã khác trên địa bàn huyện Mường Lát, dân cư phần lớn là dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Mông chiếm tới 60%. Trước đây, 16 thôn bản với gần 4.600 nhân khẩu trên địa bàn xã Mường Lý luôn phải sống trong cảnh không điện, không đường giao thông và không chợ. Những cái "không" đó khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây càng gian nan hơn.


Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: "Việc không có điện đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của bà con dân bản. Muốn có điện dùng, mỗi hộ dân phải đầu tư mua máy thủy điện nhỏ, nhưng không phải gia đình nào cũng có tiền để mua. Vì thế, những đứa trẻ tìm con chữ dưới những bóng đèn không khác gì lọ đom đóm. Mọi sản xuất, sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng vì không có điện. Mỗi khi Ủy ban xã có công việc quan trọng thì phải dùng đến máy nổ chạy bằng xăng hoặc dầu...".

Còn thầy giáo Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Mường Lý cho biết: "Không có điện, giáo viên trong nhà trường phải soạn giáo án viết tay trước mỗi giờ lên lớp, không đưa công nghệ thông tin vào công tác và giảng dạy được. Vào mùa mưa, lớp học  tối om, thầy và trò lại "mò mẫm trong bóng tối" để dạy và học".


Khó mà nói hết những cái khó khăn, thiếu thốn của bà con nhân dân xã Mường Lý. Nhưng một niềm vui mới đã hiện hữu trên mỗi bản làng, mỗi gia đình trong ánh sáng của nguồn điện lưới quốc gia.


Đưa điện về với xã nghèo


Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Thanh Hóa cho biết: "Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa triển khai thực hiện Dự án đưa điện lưới quốc gia về xã Mường Lý. Dự án có tổng kinh phí 17,8 tỷ đồng sẽ góp phần cung cấp điện cho 16 bản trên địa bàn của xã. Ban đầu đưa vào hoạt động, công trình sẽ cung cấp điện cho 127 hộ dân ở các bản Chiềng Nưa, Muống 2, Nàng và khu trung tâm xã Mường Lý".


Năm nay, vừa tròn 80 tuổi, cụ Vi Thị Yên, ở bản Nàng, xã Mường Lý đã không giấu được niềm xúc động, khi lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng điện lưới quốc gia: "Giờ có điện rồi, người dân trong bản mừng lắm. Từ giờ, già được xem cái thời sự và phim trên ti vi rồi. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn BĐBP…".

Cán bộ và bà con nhân dân xã Mường Lý vui múa hát trong ánh điện lưới quốc gia.


Dự án đưa điện lưới quốc gia về xã Mường Lý đã góp phần hiện thực hóa mơ ước bao đời nay của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Phút giây tất cả các bóng điện đều bật sáng cũng là lúc mỗi người dân xã Mường Lý reo vui, cất lên giọng khặp Thái dịu ngọt, tiếng khèn Mông say đắm. Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý phấn khởi: "Đây là mơ ước từ bao đời nay đối với bà con đồng bào các dân  tộc xã Mường Lý. Và giờ, mơ ước đó đã trở thành hiện thực. Nguồn điện lưới quốc gia sẽ tạo được điều kiện, cơ hội cho bà con nhân dân có động lực vươn lên, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo".


Ngôi nhà sàn của chị Phạm Thị Oanh cũng như nhiều ngôi nhà sàn khác ở bản Nàng, tối đến đã trở nên ấm cúng hơn và đông vui hơn. Họ quây quần bên nhau để xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, được biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi của đồng bào cả nước, từ đó áp dụng vào sản xuất của gia đình mình. Điều này trước đây nằm mơ cũng không thấy.

Nguồn: Bienphong.com.vn/19/2/2014/ Linh Nga - Hồ Thủy