11/04/2014 21:13

Để trí thức trẻ cống hiến hết mình cho những vùng đất khó

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, 580 đội viên của Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã đã bắt đầu những “mùa xuân” ở những miền gian khó của đất nước. Tuy nhiên, để những trí thức trẻ mang hết tài năng, sức sáng tạo của mình cống hiến cho những vùng “đất khó”, cần sự đồng hành, nhập cuộc của không chỉ các đội viên.

 Các trí thức trẻ tình nguyện lao động cùng người dân tỉnh Quảng Nam.
(nguồn: Báo QĐND) .


“Thử lửa” tại những vùng “đất khó”

580 đội viên của Dự án 600 Phó Chủ tịch về xã đã có 2 năm để cống hiến và “thử lửa” ở những vùng “đất khó” trên khắp cả nước. Mặc dù ở mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng những việc làm cụ thể để thể hiện “bản lĩnh” của người trẻ, các tân Phó Chủ tịch xã bước đầu đã tạo sức bật cho những vùng nông thôn nghèo khó.

Là “bóng hồng” duy nhất tình nguyện gắn bó với đại ngàn Trường Sơn, Đỗ Thị Thanh Bình, sinh năm 1982, Phó Chủ tịch xã Hướng Hiệp, huyện miền núi Đắkrông (Quảng Trị) cho biết: "Nhận quyết định về vị trí mới, lúc đầu mình lo lắng lắm. Kinh nghiệm cũng chưa được bao nhiêu, tuổi đời lại quá trẻ, trong khi mình vừa chân ướt chân ráo về một vùng đất lạ, chưa am hiểu lắm về văn hóa, phong tục của bà con. Nhiều đêm thức trắng...!". Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn nhập cuộc, Bình đã không ngần ngại xắn quần lội ruộng cùng bà con trồng lúa nước; lên rẫy trồng sắn và kể cả “lăn xả” cùng bà con làm chuồng chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường... Hơn 1 năm trên cương vị Phó Chủ tịch xã, Đỗ Thị Thanh Bình đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của một xã nghèo bậc nhất, nhì vùng cao: Số hộ nghèo giảm 5%; thu ngân sách tăng hơn 50% so với cùng kì năm trước...

Là người sở tại, am hiểu những khó khăn của địa phương, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Phó Chủ tịch UBND xã Sập Xa, huyện Phù Yên (Sơn La) Đinh Văn Lim đã chủ động xuống các bản để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; từ đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo triển khai đúng, trúng các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; vận động bà con làm đường giao thông nông thôn, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng nhiều hoạt động thiết thực khác. Sau 2 năm “thử lửa”, hiện anh được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tin tưởng, quý mến.

Để lấy lòng tin của người dân trong xã, những ngày đầu về công tác trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn - một xã nội địa còn rất khó khăn của tỉnh Nghệ An, với 100% dân tộc Khơ Mú, Phạm Quang Hòa đã vận động, phối hợp cùng 1 hộ dân trong xã trồng 1.500 gốc xoan, làm chuồng nuôi bò nhốt vỗ béo. Với cách tuyên truyền hợp lý và phương châm "cầm tay chỉ việc", đến nay, đã có nhiều hộ dân tin tưởng, làm theo cách làm của Phó Chủ tịch xã.

Với những kiến thức đã được học, tập huấn, các đội viên của Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã được phân về các xã của huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã bắt đầu công việc với tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến cao, vì vậy đã tạo được sự đổi thay rõ rệt ở từng địa phương. Điển hình như: Phó Chủ tịch xã Xà Hồ Mùa A Ninh, Phó Chủ tịch xã Tà Xi Láng Mùa A Lâu đã vận động được 30 hộ gia đình không cho con tảo hôn, 27 hộ gia đình cho con đi lấy chồng không thách cưới cao, 13 hộ gia đình có người chết đưa vào quan tài... Ở các xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng, Xà Hồ, Bản Công…, các Phó Chủ tịch xã đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động thành công người Mông vùng cao trồng ngô 2 vụ...

Bà Hà Thị Kim Thư - Trưởng phòng Nội vụ, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng các đội viên trí thức trẻ dù ở các địa phương khác đến, nhưng đã tham mưu đắc lực trên tất cả các lĩnh vực từ: Cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.... Đây chính là cơ hội để đem “lửa thử vàng”, kiểm nghiệm năng lực, trình độ của đội ngũ trí thức trẻ, qua đó để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đánh giá về hoạt động của các đội viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận xét: Một điểm nổi bật của Dự án 600 trí thức trẻ sau 2 năm thực hiện là, tất cả các trí thức trẻ rất quyết tâm trụ lại ở những vùng sâu, vùng xa với điều kiện còn nhiều khó khăn. Đến nay, với phân loại theo điều tra của các tỉnh, huyện, xã thì có tới 96% trí thức trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ và khoảng 4% hoàn thành nhiệm vụ. Rất nhiều đội viên Dự án đã đưa ra những đề xuất, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiều dự án đang được triển khai tốt...

Có thể nói, sau 2 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã, tuy thời gian còn quá ngắn để có thể đánh giá sâu sắc về những đóng góp của các đội viên trí thức trẻ đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, nhưng cũng đủ để nhận định về sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần xung kích, chủ động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc được giao của đội ngũ trí thức trẻ với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Cần sự đồng hành, nhập cuộc không chỉ của các đội viên

Tuy nhiên, đằng sau những thành công bước đầu ấy, 580 đội viên của Dự án 600 Phó Chủ tịch về xã cũng đã và đang gặp phải vô vàn những khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến, đó là do tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm thực tiễn phần lớn chưa có mà chủ yếu chỉ học hỏi qua sách vở, nên còn lúng túng trong việc chỉ đạo, điều hành; chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn.

Khó khăn còn đến từ việc làm quen với phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào địa phương. Dù có những trí thức trẻ cũng là người dân tộc thiểu số nhưng lại công tác ở vùng dân tộc khác dân tộc của mình, nên không thể giao tiếp được. Có những trí thức trẻ vẫn cần phải có phiên dịch khi đi cơ sở nên việc hòa nhập bước đầu còn khó khăn.

Bên cạnh đó, một số trí thức trẻ gặp khó khăn trong việc ăn, ở, đi lại, từ đó cũng gặp khó khăn trong việc phát huy năng lực, trình độ của đội ngũ trí thức trẻ khi về làm Phó Chủ tịch xã các huyện nghèo. Mặt khác, do nơi đến của các trí thức trẻ phần lớn người dân có trình độ dân trí thấp, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, phong tục tập quán còn lạc hậu nên các trí thức trẻ cũng bị lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội....

Đáng chú ý, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề vốn cho các đề án phát triển kinh tế - xã hội của các trí thức trẻ. Đề án phát triển du lịch cộng đồng của Phó Chủ tịch xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) Nguyễn Thị Huyền là một ví dụ điển hình. Bảo vệ thành công Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng” và được Ủy ban nhân dân huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phê duyệt, Nguyễn Thị Huyền, đội viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội hăng hái về nhận nhiệm vụ làm Phó chủ tịch xã Xuân Cẩm. Sau 2 năm, Huyền đã làm được một số việc góp phần phát triển mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội và được địa phương ghi nhận. Tuy nhiên, Đề án phát triển du lịch cộng đồng của Huyền vẫn chưa thể khởi động được do chưa có... vốn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Bắc Giang có 19 đội viên và đã xây dựng được 17 đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua 2 năm, một số đề án được triển khai đã mang lại hiệu quả rất tốt, như: Đề án "Trồng khoai tây” của đội viên Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động; Đề án "Nuôi thỏ hộ gia đình” và Đề án "Ứng dụng quá trình xử lý nước thải sinh hoạt” ở xã Quế Sơn của đội viên Trần Thị Trung … Các Đề án này đã được triển khai và mang lại kết quả rất tốt. Tuy nhiên, 12 đề án còn lại dù biết nếu áp dụng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn "nằm chờ”...  vì thiếu vốn.

Tương tự, Đề án về “Phát triển kinh tế trang trại trong chăn nuôi gà thả đồi kết hợp trồng các loại cây ăn quả giai đoạn 2012 – 2016” của Ngô Bá Doanh, Phó Chủ tịch xã Thắng Lợi, huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) đến nay cũng chưa được triển khai do không có kinh phí.

Liên quan đến vấn đề kinh phí để triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội của các trí thức trẻ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: Trong Dự án 600 Phó Chủ tịch về xã không cấp kinh phí riêng cho đội viên thực hiện các đề án, nên vấn đề kinh phí thực hiện là hết sức khó khăn. Kinh phí để triển khai các đề án của đội viên được lồng ghép vào các chương trình. Ví dụ, nếu đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì lấy nguồn từ các đề án nông nghiệp của đơn vị. Vốn phải theo tổng thể chung của đơn vị chứ không phải cứ có đề án là có vốn để triển khai.

Từ những khó khăn nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, để làm nên những thành công của các trí thức trẻ thì kiến thức được đào tạo bài bản, tinh thần không ngại khó, ngại khổ vì những miền quê nghèo trên cả nước vẫn chưa đủ. Để góp phần xóa đói, giảm nghèo ở những vùng “đất khó” rất cần có sự tạo điều kiện thuận lợi về chính sách của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ, chung tay của các tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp..../.

Nguồn: ĐCSVN, 11/4/2014, Thu Hà.