16/05/2014 13:04

Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung tận tuỵ, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2014), ngày 15/5/2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng: Nhà tư tưởng - lý luận của Đảng ta”.

Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; cùng đông đảo các nhà lãnh đạo, lý luận, tư tưởng lão thành; các nhà khoa học trong cả nước.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi Tọa đàm. (Ảnh: K.T)

Báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đồng chí Đào Duy Tùng là một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, trưởng thành từ phong trào quần chúng ở cơ sở, có nhiều đóng góp xuất sắc cho cách mạng trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác tư tưởng - lý luận của Đảng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến cấp lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở đồng chí, niềm tin yêu lý tưởng cách mạng có cái gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của lý tưởng.

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tuỵ, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, đồng chí Đào Duy Tùng còn là một nhà lãnh đạo có uy tín và tài năng của Ban Tuyên huấn Trung ương trước đây (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Thông qua buổi Tọa đàm khoa học này, chúng ta tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những cống hiến xuất sắc của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác lý luận, công tác tư tưởng của Đảng. Cuộc Tọa đàm này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, công tác tuyên giáo hiện nay để ôn lại truyền thống, học tập những di sản và kinh nghiệm quý báu của đồng chí Đào Duy Tùng để lại, nhằm phát huy và thực hiện có hiệu quả hơn công tác lý luận, công tác tuyên giáo trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học, lãnh đạo, lý luận, tư tưởng lão thành đã trình bày nhiều tham luận, thể thiện tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với đồng chí Đào Duy Tùng. Đặc biệt, nhiều tham luận đã tập trung khẳng định những phẩm chất quý báu; làm rõ hơn thân thế và sự nghiệp của đồng chí Đào Duy Tùng; đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng và công tác tư tưởng - lý luận; công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản…

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, lý luận, tư tưởng
lão thành; các nhà khoa học trong cả nước. (Ảnh: K.T)

PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Lãnh tụ của Đảng cho biết: Sinh ra tại quê hương giàu truyền thống cách mạng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, trong một gia đình nhà nho yêu nước, đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm tham gia cách mạng và trưởng thành từ phong trào cách mạng quần chúng ở cơ sở và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản trong những ngày tháng lịch sử Cách mạng tháng Tám. Năm 21 tuổi đồng chí đã lãnh đạo phong trào Việt Minh tại xã. Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí đã cùng với các đồng chí địa phương lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền. Tháng 9/1945 đồng chí là cán bộ huyện được cử đi thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện Đông Anh. Cũng trong tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí từng giữ các trọng trách như: Bí thư Huyện ủy Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (1946); Phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, tỉnh Phúc Yên (2-1947); Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên (7-1949); Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng (2-1950); Phó Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng (9-1951).

Sau khi đi học trường lý luận Mác - Lênin ở nước ngoài về, đồng chí tiếp tục giữ các vị trí: Phó vụ trưởng, Vụ trưởng vụ Huấn học (1956-1962); Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (1962-1982); Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (1980-1982); Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (1982-1986); Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư (1988-1994).

Với những công lao và thành tích xuất sắc trong hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác tư tưởng - lý luận; tuyên truyền, báo chí, xuất bản, GS.NGND Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Gần 40 năm gắn bó với công tác đảng, công tác tư tưởng, lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng đã giành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hình thành các Nghị quyết Đại hội III, IV, V, VI, VII, VIII. Đồng chí cũng đã chỉ đạo các hoạt động giáo dục lý luận chính trị: chỉ đạo biên soạn các giáo trình lý luận chính trị từ cơ sở, trung cấp đến cao cấp. Từ năm 1992-1995 với cương vị Chủ tịch Hội đồng Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối chính sách qua các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II, III, IV, V, VI, VII. Từ năm 1962-1982, với cương vị là Tổng biên tập Tạp chí Học tập, cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, đồng chí là một nhà báo thực thụ của báo chí cách mạng, với hàng trăm bài báo chính luận sắc sảo có tính giáo dục, thuyết phục và truyền bá sâu rộng.

Đánh giá riêng về những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khẳng định: Đồng chí Đào Duy Tùng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước lúc bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể,các đồng chí lãnh đạo, khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc những cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối đổi mới của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương. Đồng chí là cây bút xuất sắc của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho biết thêm: Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng.

Đồng chí Hà Đăng cũng khẳng định: Đồng chí Đào Duy Tùng là một chiến sĩ xông xáo, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng - lý luận. Đồng chí đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”…

Bàn về giá trị của những cuốn sách cũng như tư tưởng, lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Những nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần làm sáng tỏ lý luận của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được sử dụng phục vụ tổng kết 20 năm đổi mới (1986-2006) và hiện nay phục vụ cho tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016). Kết quả nghiên cứu của đồng chí còn có ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là góp phần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, phát triển và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng trong những năm sắp tới trong bối cảnh mới của tình hình với nhiều thời cơ và thách thức to lớn, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong đó có công tác tư tưởng và lý luận của Đảng. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí không chỉ là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn là một Nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới./.

Nguồn: ĐCSVN, 15/5/2014, KT.