14/02/2014 23:10

Đảm bảo quyền lợi của dân trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Ngày 14/2/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định qui định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại hội thảo, các vấn đề về điều chỉnh khung giá, bảng giá đất, làm rõ giá bồi thường và giá hỗ trợ… là một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang
phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BL

Điều chỉnh khung giá, bảng giá đất nếu có biến động trên 20%

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị định qui định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có một số điểm mới so với những quy định trước đây. Đó là: Quy định rõ ràng, tách bạch về khung giá đất, các trường hợp bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư và trường hợp bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng tiền (chỉ được xem xét bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất)…

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam, nếu bị thu hồi đất ở thì được bồi thường như đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước. Cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có đủ điều kiện được bồi thường nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

Dự thảo Nghị định cũng quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở được xác định theo giá thị trường; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về đất đai…

Đặc biệt, việc điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ nguyên tắc phương pháp định giá đất, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành khung giá đất chặt chẽ.

Theo đó, khung giá đất sẽ do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm/lần và công bố công khai vào ngày 1/7 của năm trước liền kề năm UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất. Khung giá được xây dựng gồm mức giá tối đa, tối thiểu chi tiết đến 7 vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng, miền núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long), 6 loại đô thị (đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, 2, 3, 4, 5) với 11 loại đất, trong đó tách riêng khung giá đất thương mại, dịch vụ ra khỏi khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (do thực tế giá đất này của loại này bằng hoặc cao hơn giá đất ở).

Trên cơ sở của khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kì 5 năm/lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kì (năm đầu kì ban hành bảng giá là 1-1-2015). Khi giá đất biến động tăng 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm 20% trở lên so với giá tối thiểu trong 180 ngày trở lên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải điều chỉnh khung giá đất, trình Chính phủ phê duyệt.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề nghị, khi xây dựng khung giá đất ở các tỉnh cần có sự tham gia của người dân bởi, thứ nhất đảm bảo tính minh bạch, công bằng, thứ hai là người dân cũng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ với Nhà nước, nhất là trong vấn đề đóng thuế chứ như hiện nay người dân đóng thuế đất cho Nhà nước với giá đất rất thấp, tuy nhiên khi bị thu hồi lại đòi hỏi được đền bù cao là không hợp lý.

Cần làm rõ giá bồi thường và giá hỗ trợ

Về vấn đề giá bồi thường, hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: “Mức bồi thường, hỗ trợ được xây dựng trong dự thảo Nghị định phải thỏa đáng bởi thực tế các vụ khiếu kiện thời gian qua chủ yếu là do người dân không chấp nhận mức giá bồi thường. Có nơi qui định mức hỗ trợ cao hơn bồi thường, như thế có phù hợp không? Quan điểm của Bộ là phải làm rõ đâu là bồi thường, đâu là hỗ trợ, bồi thường phải là chính, hỗ trợ chỉ là phụ. Nếu thu hồi đất mới bồi thường, còn nếu vì lí do thiên tai thì Nhà nước chỉ hỗ trợ”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết: “Khung giá trước đây đã rất lạc hậu do thị trường biến đổi quá nhanh. Mức bồi thường theo khung giá cũ quá thấp, mức chênh lệch giữa giá đất tối đa và tối thiểu quá lớn. Có loại đất khi thu hồi chỉ bồi thường 1000 đồng/m2, như thế làm sao dân chịu. Phải nâng mức giá bồi thường lên cao hơn và giảm chênh lệch giữa giá đất tối đa và tối thiểu.

Hơn nữa, vấn đề thu hồi đất nông nghiệp cần phải cân nhắc kĩ lưỡng, bởi 70% dân số vẫn đang sống bằng nông nghiệp. Nếu thu hồi tràn lan mà đền bù không thỏa đáng sẽ gây ra vấn đề xã hội.

Về mức giá đền bù cho đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Đát – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng, mức giá đền bù cho đất nông nghiệp theo khung giá của Chính phủ hiện nay rất thấp, trong khi đó địa phương muốn tăng giá đền bù cũng rất khó. Đền bù thấp quá, người dân không đồng ý. Khung giá nên điều chỉnh theo hướng tăng giá đền bù cho đất nông nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Đát cũng cho biết, tăng giá đất nông nghiệp rất khó. Bởi vậy, cần phải điều chỉnh tăng khung giá. Đất nông nghiệp chuyển sang đất ở mới xác định được giá trị, nếu chuyển nhượng cùng mục đích rất khó xác định. Bồi thường thấp quá, người dân không đồng ý.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, vấn đề bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng và giá đất luôn được đông đảo người dân quan tâm do nó có ảnh hướng nhiều tới quyền lợi, lợi ích của họ. Trên thực tế, các vụ khiếu kiện của người dân thường tập trung về các vấn đề này. Do đó, cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn một cách chi tiết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân là hết sức cần thiết./.

Bích Liên, ĐCSVN, 14/2/2014.