Ngày 14/3/2014, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga khẳng định: Cùng với hệ thống các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công lập, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong 20 năm qua đã góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH, CĐ, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đồng thời, đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao cho các địa phương, vùng, miền, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Ảnh: VA |
Tính đến nay, cả nước có 90 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, trong đó có 61 trường ĐH, 29 trường CĐ, chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH, CĐ toàn quốc. Cùng với đó, khối ĐH, CĐ ngoài công lập đang đào tạo 1.143 ngành/chuyên ngành, gồm: 582 ngành đào tạo trình độ ĐH; 522 ngành đào tạo trình độ CĐ; 36 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (của 17 trường ĐH) và 3 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (của 2 trường ĐH).
Khi mới thành lập, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chủ yếu tập trung đào tạo các ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Kế toán… thì hiện nay, nhiều trường đã chuyển hướng sang đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ.
Theo thống kê năm học 2012-2013, số ngành/chuyên đào tạo thuộc khối Kỹ thuật – Công nghệ đã tăng lên 422 ngành, chiếm 37% và đứng thứ hai trong số 8 khối ngành đang được triển khai đào tạo tại các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đây là những ngành, chuyên ngành đào tạo đang có nhu cầu nhân lực cao trong những năm gần đây và cần có sự đầu tư lớn của các trường.
Đề cập đến những khó khăn của các trường ngoài công lập, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thẳng thắn chỉ ra: Hiện nay, trong nhận thức chung của xã hội, các trường ngoài công lập vẫn chưa được coi trọng, chưa được đánh giá một cách công bằng. Người dân vẫn có tâm lý “chuộng” trường công, có bề dày phát triển, được Nhà nước đầu tư và hỗ trợ chi phí đào tạo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các trường ngoài công lập.
Bên cạnh một số trường đã có thương hiệu, phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chưa khẳng định được vị thế của mình, nên khó khăn trong công tác tuyển sinh, không thu hút được những học sinh tốt vào học tại trường. Gần đây, một số địa phương, một số nhà tuyển dụng lao động đưa ra một số tiêu chí bất lợi, không công bằng cho sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập, khiến cho việc thu hút người học vào các trường này càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng chỉ ra những hạn chế như: Số lượng trường ngoài công lập và quy mô đào tạo tăng nhanh, nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng; mô hình quản lý, quản trị đại học chưa rõ ràng, minh bạch; mâu thuẫn nội bộ trong một số trường ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, uy tín của các trường ngoài công lập; không ít trường còn vi phạm quy chế tuyển sinh và đào tạo, không thực hiện hoặc chậm thực hiện cam kết thành lập trường...
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tổng kết Hội nghị. Ảnh: VA |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao hệ thống giáo dục và đào tạo của các trường ngoài công lập trong những năm qua đã góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị: Trong thời gian tới, những khó khăn, không hợp lý trong phát triển khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhất định phải được tháo gỡ. Đặc biệt, tinh thần chung là phải thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến những chính sách vĩ mô, không có sự phân biệt giữa các trường công lập và ngoài công lập; những vấn đề thuộc về trách nhiệm của ngành Giáo dục thì Bộ GD&ĐT phải tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề trách nhiệm trong giáo dục - đào tạo. Nếu điểm sàn của các trường ngoài công lập thấp hơn các trường ĐH công lập, thì bằng cách nào đó, các trường ngoài công lập đào tạo phải nghiêm hơn các trường công lập.
Đề cập chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Thủ tướng gợi ý: Thay vì tăng chỉ tiêu cho các trường ĐH công lập, có thể khuyến khích trường công lập hợp tác với trường tư thục, tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Cần giải quyết dứt điểm việc chuyển các trường từ dân lập, bán công sang tư thục; đồng thời, đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập giúp các cơ quan quản lý rà soát, tổng hợp những bất cập về cơ chế, chính sách; giao Bộ GD&ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, nếu còn những gì bất bình đẳng đối với sinh viên trong quá trình học, cần giải quyết ngay./.
Nguồn: ĐCSVN, 14/3/2014, Mỹ Anh