Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 3,6 triệu là nữ, hơn 5 triệu người sống ở nông thôn và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Ngày 18/4 hằng năm được chọn là Ngày Người khuyết tật Việt Nam, là dịp toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật.
|
Người khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH Watabe Wedding Việt Nam. (Ảnh: baodongnai.com) |
Những năm qua, người khuyết tật luôn là một trong những đối tượng chính nằm trong sự quan tâm của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ bởi, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng những người khuyết tật bằng chính sách và chế độ cụ thể và thiết thực. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi), trong đó, Điều 59 quy định mở rộng đối tượng được Nhà nước trợ giúp, không phân biệt người khuyết tật có hay không có nơi nương tựa: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác“; Điều 61 quy định mở rộng đối tượng được tạo điều kiện học văn hóa và học nghề, không phân biệt người khuyết tật là trẻ em hay không phải là trẻ em: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề”.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân địa phương thường xuyên quan tâm, tạo thuận lợi để phát huy năng lực và hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, cùng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự sẻ chia, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.
Có thể khẳng định, cho đến nay, những chính sách trợ giúp cho người khuyết tật đã và đang đi vào cuộc sống. Theo thống kê, trong gần 2,5 triệu người hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng có khoảng 750 nghìn người khuyết tật nặng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, người khuyết tật được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế và được trợ giúp pháp lý. Việc tiếp cận với các công trình xây dựng, các hạ tầng về giao thông, văn hóa, thể thao, giáo dục, dạy nghề, công nghệ thông tin và nhiều ngành nghề khác của người khuyết tật cũng ngày càng được dễ dàng hơn.
Riêng trong năm 2013 được coi là năm có nhiều văn bản, chính sách pháp luật liên quan tới người khuyết tật đã và đang đi vào cuộc sống như: Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 (Đề án 1019)...
Bên cạnh đó, trong năm 2013, mặc dù kinh tế đất nước còn có nhiều khó khăn song bằng cách tuyên truyền, vận động có hiệu quả, tổng quỹ Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi cả nước đạt 409 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy toàn xã hội rất quan tâm, chia sẻ bằng những tấm lòng nhân ái, đùm bọc đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Từ số tiền nói trên, các cấp hội đã tổ chức phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 3.400 người khuyết tật; trợ giúp dạy nghề, giải quyết việc làm cho 2.900 người; xây mới, sửa chữa 775 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; trợ cấp thường xuyên cho 63 nghìn người...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác chăm lo cho người khuyết tật cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là vẫn tồn tại những định kiến nhất định cản trở sự hòa nhập và đóng góp cho xã hội của người khuyết tật. Một số phong trào, hoạt động trợ giúp người khuyết tật còn hình thức, thiếu bền vững. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ người khuyết tật từ trung ương đến địa phương chưa được thường xuyên, việc điều phối còn chưa kịp thời và kém hiệu quả. Chưa có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người khuyết tật...
Để chia sẻ, trợ giúp và bảo trợ người khuyết tật, tại Chương trình đi bộ từ thiện vì người khuyết tật được tổ chức ngày 6/4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về người khuyết tật. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp liên quan đến người khuyết tật, nhất là trong dạy nghề và việc làm, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe; gắn dạy nghề với tạo việc làm. Có chính sách hiệu quả khuyến khích người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động vì lợi ích của mỗi người, của doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Người khuyết tật. Tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận việc làm và hòa nhập cộng đồng xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật; thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế trong công tác trợ giúp người khuyết tật.
Trên khắp mọi miền đất nước, vẫn còn rất nhiều người khuyết tật cần sự trợ giúp về y tế, giáo dục, việc làm, sinh kế… để vơi bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Biết bao người khuyết tật, dù đã nỗ lực vượt khó, vẫn không thể tự mua được xe lăn, thiếu cơ hội học nghề, việc làm, từng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh... Những khó khăn ấy chỉ có thể được cải thiện bằng sự quan tâm của Nhà nước; sự ủng hộ, trợ giúp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tấm lòng yêu thương, đồng cảm, trách nhiệm, sẻ chia và sự cố gắng của người khuyết tật./.
Nguồn: ĐCSVN, 18/4/2014, Kim Thanh