08/08/2014 07:41

Chúng ta cần những con số thật

Đó là thông điệp mạnh mẽ nhất của Thủ tướng khi chỉ đạo về phương pháp tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2016-2020


(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư (ngày 7 và 9/8) đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Nhiều nội dung có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã và đang được bàn thảo như: Quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; thảo luận về phương pháp tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố và phổ biến 2 luật quan trọng là Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu sửa đổi. Trong đó, một nội dung đặc biệt gây sự chú ý của đông đảo báo giới và các tầng lớp nhân dân, đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thay đổi cách tính tăng trưởng tổng sản phẩm của các địa phương.


Thực tế cho thấy trong thời gian qua, hầu hết tỉnh/thành trong cả nước khi hoàn thiện báo cáo đều có những con số “đẹp như mơ”, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm từ 10-14% một năm. Vậy nhưng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước chỉ bằng một nửa. Sự bất hợp lý về cách tính GDP “không giống ai” đã từng được nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia tài chính của các tổ chức quốc tế băn khoăn, được báo chí phản ánh.


Đến nay, theo Thủ tướng Chính phủ là “cần phải thay đổi, dù đây là chuyện nhạy cảm vì liên quan đến việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của địa phương”. Sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước ta ngay lập tức nhận được sự đồng tình của đông đảo tầng lớp nhân dân.


Nhân dân đồng tình bởi lẽ, lâu nay “căn bệnh thành tích” vẫn tồn tại. Câu chuyện về một gia đình nông dân gia tăng được một đàn gia cầm, thì đàn gia cầm đó sẽ được nhân lên từ 2 đến 3, bởi các ngành, các tổ chức đoàn thể sẽ “thống kê” vào thành tích của mình. Tương tự như vậy, ở một địa phương nào đó có các cửa khẩu quốc tế, hàng năm giá trị kim ngạch xuất khẩu lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thì số tiền đó sẽ “vô tư” được tính vào thành tích của địa phương mình, cho dù đó là thành quả của nhiều bộ, ngành, địa phương khác.


“Thay vì để các địa phương tự tính GDP như từ trước, đến nay, Tổng Cục Thống kê sẽ thực hiện công việc này. Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế… chúng ta cần những con số thật”- Chỉ đạo của Thủ tướng đã quá rõ ràng, vấn đề là các địa phương quyết tâm triển khai thực hiện ra sao?


Chắc rằng sẽ có những lãnh đạo ở địa phương nào đó nuối tiếc, nhưng vấn đề là không thể không thay đổi. Bởi, GDP là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng, miền, địa phương, bảo đảm cân đối chung trong chính sách vĩ mô của cả nước.

Và, điều cuối cùng chúng ta đều biết, đó là: Sự cất cánh của một quốc gia, sự phát triển của một dân tộc rất cần nền tảng từ “những con số thật”.

Nguồn: ĐCSVN/8/8/2014, Hạnh Nguyên