11/03/2014 23:40

Chính sách giảm nghèo sẽ tập trung cho đồng bào dân tộc, miền núi

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, chính sách về giảm nghèo sẽ tập trung cho đối tượng là đồng bào dân tộc, miền núi. Chính sách phải phù hợp với từng nhóm dân tộc và khuyến khích người nghèo vươn lên.

Các chính sách giảm nghèo nhiều nhưng phân tán, khó lồng ghép
 (Ảnh minh họa: Kim Thanh) 


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thời gian qua, việc thực hiện chính sách về giảm nghèo đã mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào nghèo trên cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 7,8% trong 8 năm qua. Bình quân số hộ nghèo giảm 2% mỗi năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân khoảng 4-5%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chính sách về giảm nghèo còn bộc lộ những hạn chế như: Chính sách quá nhiều, phân tán, khó lồng ghép; chưa khuyến khích người nghèo vươn lên, vô hình trung tạo cho người nghèo tính thụ động, ỷ lại. Trong chỉ đạo thực hiện, cơ chế phân cấp trao quyền cho địa phương và cơ sở cũng cần phải tiếp tục chấn chỉnh.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, giai đoạn 2016-2020 tới, chúng ta sẽ phải đánh giá, rà soát một loạt các chính sách để thiết kế lại cho gọn, tránh trùng lắp, chồng chéo, cào bằng. Hơn nữa, chính sách về giảm nghèo tới đây cần tập trung cho vùng khó khăn nhất, vùng nghèo nhất là đồng bào dân tộc, miền núi. Chính sách phải phù hợp với từng nhóm dân tộc và khuyến khích được người nghèo vươn lên. “Chúng ta sẽ làm chính sách trên cơ sở tiếp cận người nghèo đa chiều, xây dựng chính sách để người nghèo tự đối chiếu xem mình thiếu hụt cái gì để cần hỗ trợ. Nếu chúng ta cứ làm theo cơ chế hành chính hóa tất cả mọi thứ, vừa cào bằng, vừa không phản ánh được nhu cầu thiết yếu của từng người, từng hộ và không hiệu quả. Chính sách có, nhưng để thực hiện một cách hiệu quả các chính sách thì hệ thống đánh giá giám sát cũng cần phải rõ ràng, minh bạch hơn”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Trước thông tin giai đoạn 2011-2013, Việt Nam chi cho xóa đói, giảm nghèo 120.000 tỷ đồng/năm (5,5 tỷ USD), tương đương giá trị 77 sân vận động Mỹ Đình, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã khẳng định thông tin về nguồn lực dành cho giảm nghèo nêu trên là không chính xác.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, số liệu, con số cụ thể phải do Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội và được chuẩn y mới là chính xác. Nguồn kinh phí dành cho giảm nghèo hàng năm chưa bao giờ đạt được như vậy. Mặc dù giảm nghèo là một trong những chương trình trọng điểm được ưu tiên đảm bảo kinh phí để thực hiện, nhưng cả nước còn nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển khác nên không thể và chưa thể bố trí một khoản kinh phí lớn như vậy, nhất là trong bối cảnh thu chi ngân sách khó khăn như hiện nay.

Cũng liên quan đến thông tin kinh phí chi cho bộ máy điều hành giảm nghèo ở các cấp quá nhiều, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm giải thích, Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 đã quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành; lĩnh vực của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó thực hiện hướng dẫn, kiểm tra đánh giá. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc xét duyệt, ưu tiên cho đối tượng nào đi học, giảm học phí. Bộ Y tế chịu trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu. Bộ LĐ-TB&XH vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, vừa thực hiện một số chính sách như: Ưu tiên cho người nghèo vay vốn tạo việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động… Các Bộ, ngành cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương. Như vậy, tất cả cán bộ làm công tác giảm nghèo đều là kiêm nhiệm.

“Không có ngân sách riêng cho hoạt động này mà đây là kinh phí thường xuyên của bộ máy hành chính hiện có. Nói là có nguồn kinh phí lớn nuôi bộ máy điều hành giảm nghèo là hoàn toàn không đúng, đi ngược lại với những ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo, sớm hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ trước hàng chục năm”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định./.

Nguồn: ĐCSVN,11/03/2014, Kim Thanh