Sáng 27/3/2014, trong khuôn khổ lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Ngoại giao. Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các cơ quan báo chí xung quanh hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ với báo chí về sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (Ảnh: KS) |
Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông cho biết những kỳ vọng của Ban sáng lập khi ra đời Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trong thời gian qua, Biển Đông đã trở thành một vấn đề trung tâm của giới nghiên cứu không những ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế. Chính vì vậy, kỳ vọng của chúng tôi trong việc lập Quỹ chính là thúc đẩy tiến trình nghiên cứu này. Qua đó, chúng ta sẽ kết hợp được những nghiên cứu trong nước và các học giả trên thế giới từ đó làm sáng rõ thêm những vấn đề còn tranh cãi trên Biển Đông, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn rằng sự ra đời của Quỹ sẽ góp phần nâng tầm quy mô cũng như chất lượng của các nghiên cứu trong nước, đồng thời cùng với những nghiên cứu trên thế giới, chúng ta sẽ xây dựng một ngân hàng dữ liệu về Biển Đông. Từ đó làm cho thế giới hiểu hơn về lập trường của Việt Nam cũng như hỗ trợ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
PV : Thưa ông, để những nghiên cứu của Việt Nam về Biển Đông có thể phát huy hiệu quả thì sắp tới Quỹ sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào để đưa các nghiên cứu vào thực tiễn?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Theo tôi, để các nghiên cứu đạt được hiệu quả, góp phần vào củng cố chứng cứ và đề ra những phương pháp giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thì vấn đề ở đây là làm sao kết nối được nghiên cứu với thực tiễn. Trong 2 năm qua, chúng ta đã có được một số nghiên cứu về Biển Đông có giá trị thực tiễn cao. Ví dụ như công trình “Vấn đề Biển Đông trong học đường” chúng tôi sẽ chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để xem xét đưa vào chương trình học. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ xem xét và tận dụng những ý tưởng tốt trong số 13 nghiên cứu đạt giải trong năm 2013 để phối hợp cùng Viện nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao để phát huy tối đa hiệu quả mà các đề tài đem lại.
PV: Vậy trong tương lai, Quỹ có ý định thu hút nghiên cứu của các học giả nước ngoài hay không và nếu có thì chúng ta sẽ làm thế nào?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Cho đến thời điểm này, Học viện Ngoại giao nói chung và Viện Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện nói riêng cùng những cơ quan của Bộ Ngoại giao đã tranh thủ được rất nhiều tiếng nói của các chuyên gia nước ngoài. Và thực tế, nếu chúng ta không có những tiếng nói ấy thì tiếng vang trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc sẽ rất hạn chế. Trong thời gian qua, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo cũng như tham gia các hội thảo quốc tế về Biển Đông nên chuyện chúng ta tranh thủ sự ủng hộ của các học giả nước ngoài là một điều rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng cần nhấn mạnh rằng, với vai trò của mình, Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông chỉ là đầu mối để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác đó, và tiếp tục phát triển những gì chúng ta đã có. Tuy nhiên Quỹ cũng sẽ phát huy tính chủ động tích cực của mình để tham mưu và đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền điều phối các hoạt động để việc nghiên cứu Biển Đông đem lại hiệu quả tốt hơn.
PV: Để thu hút được các nguồn lực cho Quỹ, Ban sáng lập đã có những dự định như thế nào?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Trong thời gian tới, Quỹ sẽ mở rộng các đối tượng tài trợ chứ không gói gọn trong các cơ quan Nhà nước. Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ kêu gọi sự đồng lòng chung sức của toàn xã hội với những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tôi cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp liên quan đến biển sẽ thấy được lợi ích của họ trong vấn đề này và tăng cường ủng hộ chúng ta. Ngoài ra, các tỉnh, địa phương liên quan đến biển cũng rất nhiều và đây chính là nguồn hỗ trợ rất lớn cho hoạt động của Quỹ. Bên cạnh đó, các cá nhân quan tâm đến vấn đề biển đảo cũng là những đối tượng mà Quỹ hướng tới vì hiện nay có rất nhiều người có nhu cầu đóng góp một phần của mình cho cuộc đấu tranh chung bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: ĐCSVN, 28/3/2014, Kim Sơn.