31/03/2014 08:49

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời về chính sách người có công

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để chăm sóc người có công, tạo điều kiện cho đại bộ phận người có công có cuộc sống tốt hơn. Cả nước có trên 8 triệu người có công, trong đó 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có những người có công chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách; bên cạnh đó cũng có một số đối tượng hưởng sai chính sách.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đây là đợt tổng rà soát đầu tiên trên diện rộng, với 7 đối tượng: Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong. Đợt tổng rà soát thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công, nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách; đồng thời xử lý những đối tượng không đúng là người có công, nhưng khai man để hưởng chế độ chính sách.

Huy động toàn xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Để thực hiện cuộc tổng rà soát này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động lực lượng toàn xã hội tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong cùng tham gia thực hiện.

 Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để chăm sóc người có công, tạo
điều kiện cho đại bộ phận người có công có cuộc sống tốt hơn.
Ảnh minh hoạ: Thế Dương


Ban chỉ đạo rà soát đã phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong rà soát đối tượng cựu thanh niên xung phong; Hội Cựu chiến binh Việt Nam rà soát đối tượng thương bệnh binh... Cách phân công này sẽ tạo thuận lợi cho việc tổng hợp, thực hiện chính sách đối với người có công. Đây là việc làm khó nhưng với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, sẽ thành công bởi tất cả các đối tượng đều ở trong nhân dân. Cuộc rà soát huy động được sự tham gia của người dân thông qua đoàn thể của mình, mức độ chính xác sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, để việc rà soát có kết quả, thì cần hướng dẫn, tập huấn cho những người làm công tác rà soát và phải có lộ trình, kế hoạch rất rõ.

Nhấn mạnh đến sự tham gia giám sát của người dân đối với cuộc tổng rà soát là hết sức cần thiết, nhằm tránh quan liêu, cảm tính, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện thành viên trong đoàn giám sát làm chưa đúng, người dân có quyền phản ánh đến Mặt trận Tổ quốc các cấp, ngành lao động, thương binh và xã hội từ cơ sở đến huyện, tỉnh. Căn cứ vào phản ánh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo xem xét. 

Năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết chính sách đối với người có công.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc tổng rà soát hướng tới mục tiêu: Đến hết năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết các trường hợp người có công chưa được hưởng hoặc được hưởng chưa đầy đủ các chế độ chính sách. Với tinh thần tích cực nhất, chậm nhất là tháng 10/2014, việc tổng rà soát các đối tượng người có công phải được phản ánh chung trong phạm vi một huyện, một tỉnh. Trong đó, sẽ biết được các đối tượng được hưởng chính sách, đối tượng hưởng còn thiếu và các đối tượng hưởng sai chính sách... Trên cơ sở đó, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ tổng hợp báo cáo chính quyền, cấp ủy địa phương từng trường hợp cụ thể để chỉ đạo và giải quyết kịp thời. Theo đó, các trường hợp bị mất hồ sơ sẽ được giải quyết theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP. Trường hợp nạn nhân chất độc da cam sẽ thực hiện theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc lập các hồ sơ và Thông tư liên tịch 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Các đối tượng chưa được hưởng sẽ tiếp tục lập hồ sơ theo quy định; trên cơ sở tổng hợp các hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải quyết. Như vậy, tất cả đối tượng người có công khi phát hiện chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ đều được xem xét quyết định trên cơ sở hồ sơ có đủ điều kiện. Ngược lại, những trường hợp hưởng sai thì phải cắt ngay.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Thanh niên xung phong là một trong những đối tượng người có công trong cuộc tổng rà soát này. Đến nay, 6.000 trường hợp thanh niên xung phong được công nhận là liệt sỹ, 55.000 người được hưởng chính sách như thương binh. Tuy nhiên, thủ tục chính sách, điều kiện, hồ sơ gốc của nhiều đối tượng là thanh niên xung phong không đầy đủ, vì vậy Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng giải quyết. Hội Cựu thanh niên xung phong cùng đối tượng thanh niên xung phong lập hồ sơ trách nhiệm. Bộ Nội vụ chỉ đạo các Sở Nội vụ địa phương trên cơ sở đó lập danh sách báo cáo với các tỉnh để tỉnh công nhận và chuyển hồ sơ cho ngành lao động, thương binh và xã hội thực hiện./. 

Nguồn: Phúc Hằng/TTXVN, ĐCSVN, 30/3/2014.