Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến và phát huy tốt truyền thống, kinh nghiệm của nhà nông, hiện nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác của địa phương này đã đạt 90 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng lan trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao ở Bình Dương
(Ảnh: K.V)
Theo đó, từ năm 2012 đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định, bình quân 4%/năm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 3,8% trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn đạt đến hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Bình Dương đã có chương trình về “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với nông nghiệp chế biến giai đoạn 2011 - 2015”, từ đó việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương đã được phát triển sâu rộng.
Tính đến nay, diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ mới bao gồm nhà lưới kín, nhà lưới hở, hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động trong sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương là trên 375 ha của 92 tổ chức, cá nhân với các loại cây trồng có giá trị cao như rau, nấm, cây ăn quả, cây dược liệu, hoa lan, hoa cảnh.
Trong chăn nuôi, nhiều hộ đã sử dụng máng ăn, máng uống nước tự động, hệ thống làm mát chuồng trại, hầm biogas… Đến nay, có đến 83 trang trại, công ty đầu tư gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn 3,33 triệu con, chiếm 63% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh. Ngoài ra, có 41 trại nuôi lợn và 2 công ty nuôi lợn thịt, lợn giống năng suất cao với tổng đàn lên đến 117 nghìn con, chiếm 25% lượng lợn của toàn tỉnh.
Thời gian qua, các khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Dương đã đã đi vào hoạt động, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt trong hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, tỉnh Bình Dương đã có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái trên địa bàn huyện Phú Giáo, đây là mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển vượt bậc, trở thành điển hình cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đến tham quan, tìm hiểu học tập.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đã đạt được những thành công bước đầu, như phát triển 120 ha trồng rau, quả, cây cảnh… ứng dụng công nghệ cao. Trong những dự án công nghệ cao này, đã có nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương như cao su, mía… Điển hình là mô hình trồng dưa lưới và ớt chuông bên trong nhà kính, nhà lưới theo tiêu chuẩn Global GAP cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ, lãi 350 triệu đồng/vụ. Mô hình trồng cà tím cung ứng cho thị trường Nhật Bản theo tiêu chuẩn của Nhật Bản cũng có doanh thu 400 triệu đồng/ ha/vụ, lãi 250 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu đề ra.
Không chỉ đạt giá trị sản xuất tốt, cơ cấu kinh tế nông nghiệp Bình Dương tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Cây lâu năm, chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Bình Dương đã phát triển đến 139nghìn ha cây trồng lâu năm, trong đó cây cao su chiếm một diện tích khá lớn với sản lượng đạt 194 nghìn tấn mủ/năm. Tổng đàn gia súc của tỉnh Bình Dương cũng đã đạt 496 nghìn con và diện tích nuôi trồng thủy sản là 398 ha. Đặc biệt, sau 2 năm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, Bình Dương đã tăng 58% đàn gia cầm, lên đến 5,4 triệu con. /..
Nguồn: ĐCSVN, 5/4/2014, KV