09/08/2015 00:49

Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức

Mưa lũ là điều không hiếm gặp ở Việt Nam. Hầu như năm nào cũng có những trận lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thế nhưng, trận lũ lịch sử xảy ra trên vùng đất vàng đen của Tổ quốc những ngày qua khiến ngươi dân chưa hết bàng hoàng về những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Điều này cho thấy thời tiết đang ngày càng cực đoan và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không chỉ còn là thách thức.

 

 
Thành phố Uông Bí ngập sâu trong trận lũ. Ảnh: Trọng Đức.

 

Tại Quảng Ninh, từ ngày 25 đến 30-7, trận mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong 40 năm qua đã tàn phá tỉnh này một cách khủng khiếp. Thống kê toàn tỉnh có 18 người chết, 6 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Không chỉ dừng ở đó, mưa lũ đã lan rộng sang các địa phương khác như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Định… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chắc chắn, thiệt hại chưa dừng lại, bởi nhiều tỉnh khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục phải hứng chịu hậu quả nghiệt ngã của thiên tai.

Với hàng loạt hiện tượng thiên tai trên, một câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng thảm họa từ thiên nhiên đang là sự cảnh báo trước những tác động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên, môi trường ?

Trận mưa lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua tại Quảng Ninh, cũng như các trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở các tỉnh miền Trung; tình trạng lũ lụt, nước biển xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long... là bất khả kháng, là tai họa từ trên trời rơi xuống. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà khoa học, đây không phải là một tai họa bất ngờ, mà nó được cảnh báo trước, khi con người có những tác động tiêu cực vào sự BĐKH và chính con người phải gánh chịu hậu quả của hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan.

Qua đây cũng có thể dễ dàng nhận thấy, BĐKH đã có những tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Các công trình nghiên cứu cũng khẳng định, BĐKH không còn là dự báo mà đang xảy ra, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có mức độ rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính hàng năm chiếm khoảng 1,5% GDP. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Nhìn lại trận mưa lũ vừa qua ở Quảng Ninh cũng như đợt mưa ngập đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Bắc cho thấy còn nhiều vấn đề đáng phải suy nghĩ và bàn tới.

Trước hết, trận mưa lụt khủng khiếp cùng những thảm họa mà nó gây ra không phải là điều gì quá bất ngờ. Mặc dù là thiên tai là thảm họa do thiên nhiên gây ra, nhưng rõ ràng những thiệt hại to lớn của trận mưa lũ này không hẳn là "chuyện của ông trời", mà sẽ phần nào được hạn chế, nếu như con người, cụ thể là những người có trách nhiệm ở các cấp, ngành nhận thức được rõ hơn ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Và nếu như có những quyết sách mang tính chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chắc chắn sẽ không có tình trạng khai thác rừng theo kiểu tận diệt; khai thác than thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm… Hậu quả là những hầm lò ngang dọc trong lòng núi, những bãi chứa xỉ than "treo" lơ lửng phía trên các khu dân cư mỗi khi mưa lớn kéo dài để rồi phút chốc trở thành những “túi nước khổng lồ” ập xuống đầu người dân.

Một điều nữa đáng phải bàn là nếu công tác quy hoạch, quản lý đô thị được làm tốt sẽ bảo đảm dòng chảy thoát nước, chắc chắn hạn chế được tình trạng úng ngập…

Xét một cách sâu xa thì thiên tai là bất khả kháng thế nhưng nếu như tất cả chúng ta từ cấp có thẩm quyền ở địa phương cho đến doanh nghiệp, người dân trước khi quyết định bất cứ một việc gì đều có tấm lòng, hành động vì lợi ích cộng đồng, chắc hẳn hạn chế được những thảm họa do "nhân tai" gây ra.

Cuối cùng cần ý thức rằng, thiên tai không trừ một ai và hậu quả sẽ thật khủng khiếp nếu công tác phòng chống thiên tai không có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng./.

Nguồn: ĐCSVN/Bích Liên