21/03/2014 23:12

Bệnh viện công - tư "bắt tay" giảm tải

Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đang ngày càng tăng thì việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi các bệnh viện công đang quá tải thì bệnh viện tư nhân lại hoạt động chưa hết công suất giường bệnh.

Đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu

Tại hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại nhiều cơ sở y tế công lập, tình trạng quá tải bệnh viện (BV) đang diễn ra rất trầm trọng, 1 giường bệnh vẫn có tới 2-3 bệnh nhân nằm ghép. Ngay cả những khoa điều trị theo yêu cầu, khu dịch vụ của BV công cũng luôn quá tải. Trong khi đó, phần lớn các BV tư nhân hiện nay có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao thì lại vắng bệnh nhân.


Khi bệnh viện công - tư tăng cường hợp tác, tình trạng quá tải sẽ giảm bớt.
(Ảnh: ĐT)

Minh chứng cho điều này, báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, 10 năm qua, số bệnh viện tư nhân đã tăng gấp 4 lần (từ 40 bệnh viện năm 2004 lên 170 bệnh viện năm 2014). So với bệnh viện công, các bệnh viện tư được tổ chức hiện đại, bài bản, khang trang, sạch đẹp hơn nhưng vì chi phí khám chữa bệnh cao hơn nên lượng bệnh nhân ít. Trong khi các bệnh viện công lập đều quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh trung bình trên 110% thì ở khối bệnh viện tư nhân mới chỉ sử dụng được khoảng hơn 50%. Nếu như quá tải ở bệnh viện công khiến chất lượng điều trị giảm thì bệnh viện tư đang phải tìm mọi cách để cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Phân tích về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Bệnh viện Hợp Lực (Bệnh viện tư nhân ở Thanh Hóa), Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn lý giải: Vì sao trong khi bệnh viện tư thì thừa giường nhưng bệnh viện công, dù quá tải, vẫn không muốn chuyển người bệnh sang là do quyền lợi nhóm. Các bệnh viện công luôn muốn giữ người bệnh vì nó gắn với quyền lợi, cho nên rất khó có chuyện chuyển người bệnh cho bệnh viện tư điều trị. Thậm chí, nhiều bệnh viện công còn đang muốn quá tải để có lý do xin đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị.

“Nguyên nhân của tình trạng quá tải ở bệnh viện công không phải là do khối bệnh viện tư yếu kém, không phải bệnh nhân không có yêu cầu chuyển đến bệnh viện tư và luật cũng không cấm việc chuyển tuyến mà là do có sự chỉ đạo ngầm từ phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế địa phương, sự ràng buộc của giấy chuyển tuyến, sự chậm chễ trong việc xếp hạng khối bệnh viện tư” - ông Nguyễn Văn Đệ bày tỏ.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Thế Hùng, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Tràng An (Hà Nội) cho rằng: Bệnh viện tư đang không được đối xử công bằng với bệnh viện công khiến cho việc thu hút bệnh nhân vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Ông Hùng phân tích: Trong khi bệnh nhân đến bệnh viện công được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) lên tới 80% thì các bệnh viện tư nhân chỉ được thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT với mức 30%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, muốn thu hút bệnh nhân trước hết BV phải lấy được niềm tin của người bệnh. Bệnh nhân vào BV là để chữa bệnh chứ không phải vào để được nằm điều hòa, máy lạnh. Tất nhiên có thì tốt, nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả điều trị. Do đó, nếu có các chuyên gia đầu ngành làm việc tại các BV tư thì các BV tư sẽ thu hút rất đông bệnh nhân, đó là do nhân lực thu hút bệnh nhân.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, sở dĩ lâu nay, bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải một phần là do giá tiền khám chữa bệnh ở đây luôn thấp hơn so với bệnh viện tư. Liệu rằng, người bệnh có chấp nhận chuyển từ bệnh viện chi phí thấp sang bệnh viện chi phí cao, trong khi chất lượng chưa chắc đã cao hơn?

Ông Nguyễn Quốc Anh đưa ra ví dụ, ngay trong hệ thống bệnh viện công ở Hà Nội cũng có những bệnh viện không có bệnh nhân, có bệnh viện phải nằm ghép 3-4 người/giường, nhưng bệnh nhân vẫn kiên quyết ký cam kết xin nhập viện. Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng: Mọi người bệnh khi vào bệnh viện thì chăm sóc sức khỏe, sinh mạng là số 1, điều kiện ăn ở sinh hoạt chỉ là phụ. Do đó, không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà yêu cầu chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tư được.

“Chúng tôi khẳng định không bao giờ chuyển bệnh nhân của chúng tôi về BV tư nhân, trừ BV Vinmec, vì chúng tôi đã có hợp tác toàn diện với BV này, trong đó có đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chuyển bệnh nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi mới chỉ chuyển bệnh nhân quốc tế. Còn bệnh nhân Việt Nam thì chưa, vì họ vẫn tin tưởng BV Bạch Mai hơn và cũng đỡ tốn kém hơn” - Giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Anh kiến nghị: Muốn phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư tốt hơn cần phải phối hợp đồng bộ từ việc xây dựng cơ chế hoạt động khám chữa bệnh, điều chỉnh hợp lý mức giá viện phí, cơ chế thanh toán BHYT phù hợp. Và quan trọng nhất là sự phối hợp này cần được nghiên cứu và thực hiện theo một cơ chế mà lợi ích của người bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K, cũng cho rằng BV sẵn sàng đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, nhưng vấn đề là các cơ sở tư nhân có tiếp nhận được hay không.

Sẽ phân hạng bệnh viện tư nhân dựa vào năng lực

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: Việc chuyển người bệnh từ hệ thống bệnh viện công sang bệnh viện tư không đơn giản. Bản thân đa số người bệnh cũng không muốn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư bởi rào cản rất lớn về chi phí. Thời điểm này, viện phí ở y tế công lập mới chỉ tính 3/7 yếu tố, chưa kể hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được bao cấp nên giá dịch vụ thấp, trong khi các bệnh viện tư nhân hoạt động theo luật doanh nghiệp và đương nhiên giá dịch vụ phải cao hơn. Thực tế hiện nay chỉ những người bệnh có điều kiện kinh tế khá trở lên mới đến điều trị tại bệnh viện tư.

Chính vì vậy, Bộ Y tế mong muốn hai khối BV này sẽ cùng “bắt tay” hợp tác để giảm tải bệnh viện, nhất là giảm tải cho các BV chuyên ngành, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê gợi ý: BV công lập có thầy thuốc giỏi thì chia sẻ với BV tư nhân về nhân lực, uy tín và chuyên môn. Còn BV tư nhân chia sẻ với BV công về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Theo đó, những BV công quá tải, sau giai đoạn cấp cứu sẽ chuyển bệnh nhân sang BV tư điều trị.

Ông Khuê cũng đề nghị: Các BV tư cần nâng cao uy tín bằng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tìm cách thu hút thầy thuốc giỏi để tạo được sự tin cậy từ chính những người bệnh.

Để có một cơ chế phát triển tốt hơn nữa cho hệ thống y tế công lập và tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tới đây, Bộ sẽ tiến hành phân hạng bệnh viện tư nhân dựa vào năng lực, những bệnh viện tư nhân đủ điều kiện có thể trở thành bệnh viện hạng đặc biệt. Bộ Y tế cũng sẽ xem xét để các bệnh viện công đầu ngành chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tư. Đặc biệt, một số bệnh viện công sẽ thí điểm viện phí tính đúng, tính đủ 100% như bệnh viện tư, tự trang trải các chi phí.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Y tế sẽ hoàn chỉnh hàng lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hệ thống bệnh viện công, tư phát triển đồng đều và bình đẳng. Đồng thời, Bộ sẽ đưa ra chính sách quyết liệt nhằm giảm tải BV công, xây dựng đề án hợp tác BV công - tư theo nguyên tắc đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu./.

Nguồn: ĐCSVN, 21/03/2014, Đỗ Thoa