06/06/2015 23:54

‘Bà đỡ’ cho hộ nghèo

 

Người dân giao dịch tại Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Đàn (Nghệ An) Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã thật sự trở thành công cụ trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo hiện nay trên quê hương Bác Hồ.

Anh Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1968, ở xóm Quyết Tiến (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An) kết duyên với chị Nguyễn Thị Ngọ. Gia đình hai bên đều khó khăn, không có sự hỗ trợ cho hai vợ chồng sau ngày cưới. Họ không biết sẽ phải xoay xở ra sao để sinh sống, bởi hai vợ chồng ở riêng chỉ hai bàn tay trắng trong ngôi nhà tranh dột nát, anh Khoa lại bị dị tật, di chuyển đều phải dựa vào xe lăn. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh chị, thông qua Tổ ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH Hội Nông dân xóm Quyết Tiến, gia đình anh Khoa được hỗ trợ vay vốn theo chính sách hộ nghèo. Mua giống bò chăn nuôi sinh sản từ 35 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, sau gần ba năm chăm bẵm, bò cái đã đẻ bê con, anh trả được 15 triệu đồng, bò tiếp tục sinh lứa khác, dự kiến gia đình anh sẽ trả xong nợ vào cuối năm nay. Anh Khoa xúc động nói: "Từ cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhờ vay vốn ưu đãi hộ nghèo để phát triển kinh tế mà gia đình tui dần dà sửa sang lại được nhà cửa, tiếp tục mua giống đầu tư chăn nuôi gia cầm và nuôi đứa con trai ăn học hết cấp ba. Cảm ơn Nhà nước nhiều lắm!...". Còn gia đình ông Đinh Xuân Hùng, 59 tuổi, ở xóm Đông Sơn, xã Hùng Tiến, chỉ có mấy sào ruộng độc canh lúa, chỉ đủ trang trải lương thực, không biết tính cách nào khi bốn người con lần lượt thi đậu vào đại học. Ông Hùng là nạn nhân của bom Mỹ năm 1968, bị thương cụt một chân, công việc nặng nhọc đều trông cậy vào vợ. Ông cho biết, nếu không có chính sách cho vay đối tượng học sinh sinh viên (HSSV), chắc chắn các con ông sẽ bị thất học. Năm 2007, Ngân hàng CSXH có chính sách cho đối tượng HSSV vay vốn ưu đãi, gia đình ông đã lần lượt vay cho bốn người con ăn học xong đại học với tổng nguồn vốn hơn 100 triệu đồng. Các con ông hiện đã tìm được việc làm, cùng phụ giúp cha mẹ trả nợ, nay gia đình ông chỉ còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Tổ trưởng Tổ ủy thác vay vốn Hội Nông dân xóm Quyết Tiến, trong tổ có 34 thành viên được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH, trong đó dư nợ 12 hộ nghèo chiếm cao nhất, sau đó là HSSV, hộ cận nghèo. Các hộ nghèo đều dùng nguồn vốn đầu tư cho phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ nguồn vốn này nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, hộ có hai con học đại học được vay vốn đã học xong đại học, nay đã lần lượt trả hết nợ. Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH xã Hoàng Công Trung cho biết: Hùng Tiến là một trong những xã khó khăn của huyện Nam Đàn, kinh tế chỉ thuần nông. Nhờ được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, đến nay toàn xã có 903/2.400 hộ thuộc đối tượng đã được vay vốn với tổng dư nợ hơn 21 tỷ đồng; các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách được thụ hưởng đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Từ đó góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, từ 22% vào đầu nhiệm kỳ đại hội đảng bộ đến nay (cuối nhiệm kỳ) chỉ còn 4,9%; hộ cận nghèo còn 17,8%. Cũng từ nguồn vốn này đã góp phần hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.

Ông Đặng Văn Hà, xóm 8, xã Nam Thái, nhờ được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH theo chương trình giải quyết việc làm cũng đã được vay 100 triệu đồng đầu tư cải tạo 10 ha đất hoang khô cằn trở thành một khu kinh tế tổng hợp, tạo việc làm cho hơn 20 lao động.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn Hồ Văn Lý cho biết, để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, tập huấn nghiệp vụ tín dụng ủy thác cho cán bộ tổ chức hội và ban quản lý tổ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý tốt vốn vay,... Tổng nguồn vốn thực hiện đến giữa tháng 5 đạt hơn 295 tỷ đồng, bằng 94,94% kế hoạch năm. Tổng doanh số cho vay gần 31,6 tỷ đồng, với gần 1.500 lượt hộ vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo 7,442 tỷ đồng (223 lượt hộ vay); cho vay HSSV hơn 2,6 tỷ đồng (485 lượt hộ vay). Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện còn cho vay thực hiện các chương trình khác như giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động,... Chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát tốt với nợ quá hạn chiếm tỷ lệ chỉ 0,19%.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước thật sự đã trở thành công cụ trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo hiện nay trên quê hương Bác Hồ. Đặc biệt, sau bốn năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nam Đàn đã có bốn xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có thêm sáu xã đạt chuẩn, đến năm 2020 có từ 19 - 20 xã đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM.Kết quả từ chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn tín dụng ưu đãi để Nam Đàn phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Minh Thư/ (nhandan.com.vn)