Giáp Tết Ất Mùi, đoàn cán bộ, đoàn viên, thanh niên thuộc Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân trở lại huyện Mường Khương (Lào Cai) phối hợp với Đồn Biên phòng Pha Long tổ chức bàn giao 4 phòng học bán trú tặng Trường THCS Tả Ngài Chồ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương.
Trong cái lạnh thấu xương, nhìn gương mặt rạng rỡ của thầy và trò nhà trường, chúng tôi quên đi cái giá lạnh của miền biên viễn.
Từ thị trấn Mường Khương lên xã Tả Ngài Chồ, đoàn chúng tôi phải qua những con dốc quanh co, những bản làng vùng cao nên phần nào cảm nhận được cuộc sống khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc nơi vùng núi biên giới. Theo thống kê của huyện Mường Khương, tính đến hết năm 2014, huyện Mường Khương vẫn còn gần 4000 hộ nghèo, chiếm 31,4% và 22% hộ cận nghèo. Tại một số xã của huyện như: Pha Long, Tả Ngài Chồ… tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở vật chất cho giáo dục vẫn còn phổ biến. Được biết, từ nhiều năm nay, thầy và trò các xã vùng biên giới huyện Mường Khương vẫn trong cảnh nhà tranh, vách nứa. Chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn ở nơi đây, chúng tôi hiểu sự nghiệp “gieo, gặt con chữ” thật gian nan.
|
Cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long cùng các thành viên đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân tặng áo ấm cho học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ. Ảnh: qdnd.vn
|
Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Mường Khương, đồng chí Phùng Khánh Toàn tâm sự: “Huyện Mường Khương là một trong ba huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Thời tiết ở các xã như: Dìn Chin, Tả Gia Khâu và Tả Thàng rất khắc nghiệt. Chính vì vậy, việc sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo có xã lên tới hơn 60% và người dân quanh năm phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt hằng ngày”.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại huyện Mường Khương là Trường THCS Tả Ngài Chồ. Trung tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, cùng một số cán bộ, chiến sĩ trong đồn đã đứng chờ chúng tôi trước cổng trường. Sau vài câu thăm hỏi, Trung tá Phan Đức Mạnh đưa chúng tôi vào khu phòng bán trú mà Báo Quân đội nhân dân cùng các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng. 4 phòng bán trú với tổng trị giá 250 triệu đồng do tuổi trẻ Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân kết nối và các đơn vị tham gia đầu tư là: Khối Vận hành, Hội Phụ nữ Hội sở, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và các công ty thành viên; Công ty CP Chứng khoán MB-MBS; Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản MB-MB AMC; Công ty CP Quản lý Quỹ MB-MB Capital tài trợ, thông qua Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân và Đồn Biên phòng Pha Long tổ chức thực hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và chờ đoàn lên làm lễ bàn giao. Mùa đông biên giới rất lạnh. Chứng kiến cảnh các cháu không có dép đi, chân trần nứt nẻ, da tím tái mà chúng tôi thấy xót xa. Lúc này, chúng tôi cảm thấy rằng, 200 áo ấm mùa đông, 200 đôi ủng đi mưa mà đoàn dành tặng các cháu học sinh của Trường THCS Tả Ngài Chồ là quá ít ỏi.
Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ, đồng chí Giàng Trá Diu không giấu được niềm vui: “Cảm ơn Báo Quân đội nhân dân và các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng 4 phòng học bán trú cho Trường THCS Tả Ngài Chồ. Đảng bộ và nhân dân địa phương xin ghi nhận và hứa sẽ đưa vào hoạt động có hiệu quả, góp phần giúp thầy và trò nhà trường yên tâm dạy tốt, học tốt. Món quà này rất có ý nghĩa, đã động viên tinh thần chúng tôi rất lớn”.
Rời xã Tả Ngài Chồ, đoàn chúng tôi lại tìm đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pha Long, Mường Khương-nơi hầu hết học sinh của trường là người dân tộc Mông. Do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên Ban giám hiệu nhà trường đã chọn những em ở thôn, bản xa nhất được ở bán trú, còn lại các em học sinh vẫn phải đi gần chục cây số đến trường. Tại đây, đại diện Chi đoàn cơ sở Báo Quân đội nhân dân đã trao 240 áo ấm mùa đông tặng học sinh nhà trường.
Chuyến công tác của chúng tôi đã hoàn thành, các thành viên trong đoàn trở về Đồn Biên phòng Pha Long. Dọc đường đi, Trung tá Phan Đức Mạnh chia sẻ: Cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong huyện còn rất khó khăn, vất vả. Đảng ủy, chỉ huy đồn luôn xác định, muốn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây sớm thoát khỏi cuộc sống đói nghèo thì cán bộ, chiến sĩ trong đồn phải thấu hiểu được cuộc sống sinh hoạt của họ. Vì vậy, chúng tôi luôn bố trí cán bộ xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Tuy nhiên, sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ trong đồn cũng còn hạn chế. Rất mong các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa tới đồng bào các dân tộc nơi biên giới Mường Khương, để cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước ổn định và phát triển, góp phần cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.
Nguồn: ĐCSVN/ Hoàng Nhưỡng/qdnd.com.vn