18/02/2015 07:22

5 phong tục truyền thống không thể bỏ qua trong ngày mùng Một Tết

Năm mới Tết đến là lúc gia đình sum vầy, quây quần bên nhau. Với người dân Việt Nam, Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm và có rất nhiều phong tục liên quan đến ngày lễ lớn này. Đặc biệt, ngày đầu tiên của năm mới là thời điểm quan trọng trong những ngày Tết với những phong tục, tập quán mà qua đó người Việt thể hiện mong muốn một năm mới suôn sẻ, may mắn và thành công. Hãy cùng điểm lại những phong tục, tập quán tốt đẹp và ý nghĩa trong ngày mùng 1 Tết.

 

 
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có nhiều phong tục, tập quán
mang nhiều ý nghĩa quan trọng với người Việt. (Ảnh: TTXVN)

1. Cúng Giao thừa hay lễ Trừ tịch

Giao thừa là thời khắc đất trời giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt Nam, phút giao thừa thật thiêng liêng và trang trọng. Theo phong tục Việt Nam từ cổ xưa, mỗi gia đình đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà vào thời khắc giao thừa. Mâm lễ cũng thương có xôi gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước…

Người xưa tin rằng mỗi năm có một vị thần trông coi việc nhân gian. Hết năm thì vị thần năm cũ bàn giao công việc cho vị thần năm mới, cho nên ngoài cúng tổ tiên thì phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới.

Phong tục này còn có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Sau khi các nghi lễ cúng giao thừa đã hoàn tất, mọi người trong gia đình thường cùng nhau xum vầy đón Tết.

2. Xông đất

Người xông đất là người đầu tiên bước chân vào nhà của người nào đó sau thời khắc giao thừa. Người ta tin rằng tuổi tác của người khách đầu tiên có ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà. Vì thế, từ trước Tết, chủ nhà thường chọn người quen biết nào thành đạt và có tuổi hợp với mình theo sách tử vi để mời họ đến xông đất cho mình.

Một số nơi, người ta cho rằng người thân trong gia đìnhh xông đất sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình.

3. Mừng tuổi

 

 
Mừng tuổi cho trẻ nhỏ nhân dịp năm mới. (Ảnh: TTXVN)

Đây là một phong tục rất đẹp, mỗi khi Tết đến xuân về người lớn thường tặng trẻ em tiền tiêu Tết, được gói trong một bao giấy hồng kèm theo là những lời chúc mừng trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi.

Mừng tuổi còn bao gồm cả việc người trẻ tặng phong bao và chúc mừng người già sống lâu trăm tuổi, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu.

4. Xuất hành và chúc Tết

Sáng mùng Một Tết, còn gọi là ngày Chính đán, người Việt thường tổ chức tụ họp đông đủ con cháu để cúng tổ tiên và chúc Tết ông bà. Theo quan niệm của người xưa, cứ năm mới tới mỗi người tăng lên một tuổi bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu chúc thọ ông bà và người cao tuổi trong gia đình.

Những lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công… Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau hướng về sự tốt lành.

Sau khi chúc Tết trong gia đình, cả nhà sẽ xuất hành đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm, bạn bè. Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Vì vậy, trước khi xuất hành, một số người chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý nhân, tài thần, hỉ thần…

5. Mua muối 

 

 
Người dân Hà Nội thường mua muối vào ngày mùng Một Tết.
(Ảnh: TTXVN
)

Dân gian có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Việc mua muối đầu năm của mỗi gia đình thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết.

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó được cho rằng sẽ mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái./.

Nguồn: ĐCSVN/ Hồng Kiều/TTXVN