41 tỉnh, thành đã có báo cáo về kết quả giám sát giảm nghèo

Sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo. 

Việt Nam hiện được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc giảm nghèo, nhờ giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 58% xuống còn khoảng 7,8% trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững. Với vai trò của mình, Quốc hội đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo trên toàn quốc, giai đoạn 2005-2012 nhằm đánh giá các kết quả giảm nghèo đã đạt được và tìm ra phương hướng cho các mục tiêu giảm nghèo thời gian tới.

Ông Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo đề cương báo cáo
kết quả giám sát giảm nghèo giai đoạn 2005-2012

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát về nội dung này.

 PV:  Thưa ông, việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã được Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành đến đâu?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh ở vùng miền núi khó khăn. Đặc biệt, đoàn giám sát đã tiếp cận với khoảng trên 500 hộ nghèo trong đợt giám sát này.

Đoàn giám sát cũng đã làm việc với Chính phủ và 6 bộ ngành có trách nhiệm tổng hợp và tham mưu tổ chức chỉ đạo chính trong việc giảm nghèo; đồng thời cũng tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành những văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn lại tổ chức giám sát. Đến nay, chúng tôi đã nhận được báo cáo kết quả giám sát của 41 tỉnh, thành phố. Chúng tôi tiếp tục đôn đốc 7 tỉnh còn lại nhanh chóng có báo cáo giám sát.

Qua bước đầu giám sát, chúng tôi đánh giá giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội cũng như đã huy động được nguồn lực rất lớn. Tỷ lệ nghèo của chúng ta đã giảm đáng kể. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 14,2% thì đến 2013 còn 7,8%. Đây là kết quả rất đáng phẩn khởi và được Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức quốc tế, nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Tuy nhiên công tác giảm nghèo cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Thứ nhất, giảm nghèo của chúng ta chưa vững chắc bởi tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo còn khá cao. Thứ hai là hiện nay đang có tình trạng nghèo tập trung vào một số vùng dân cư, như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng hay bị thiên tai, thậm chí cả những vùng mà bị ảnh hưởng bởi những dự án phát triển kinh tế xã hội như thủy điện và khai thác khoảng sản. Có thể coi đây là những lõi nghèo cần phải có nỗ lực và cố gắng nhiều hơn.

Thứ ba là hệ thống chính sách của chúng ta còn có hiện tượng dàn trải, manh mún, chồng chéo, dẫn đến việc bố trí nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu giảm nghèo. Một hạn chế nữa là tuy chúng ta đã quan tâm đến các nguồn lực xã hội và xã hội hóa, nhưng nguồn lực cho giảm nghèo vẫn tập trung vào ngân sách Nhà nước (trên 90%). Còn nguồn từ xã hội hóa và nguồn chúng ta huy động được từ các tài trợ quốc tế và các nguồn khác cũng chưa được nhiều.

PV: Từ kết quả giám sát bước đầu, đâu là những việc chúng ta phải làm để chính sách giảm nghèo không chỉ phát huy vai trò của các bộ ngành, địa phương mà còn tạo điều kiện để người nghèo chủ động hơn, vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Qua kết quả giám sát chúng tôi muốn kiến nghị với Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo. Trong Nghị quyết này chúng tôi muốn tham mưu để Quốc hội có những định hướng lớn về giảm nghèo trong thời gian tới. Đặc biệt là chúng ta phải chuyển việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Ở đây chuẩn nghèo không chỉ tập trung vào vấn đề thu nhập mà còn là khả năng và mức độ tiếp cận sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Chúng tôi cũng muốn kiến nghị thời gian tới vẫn phải tập trung hơn nữa nguồn lực cho giảm nghèo, bởi không phải thấy tỷ lệ giảm nghèo nhanh, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay không ở mức cao lắm mà chúng ta thiếu quan tâm, bố trí nguồn lực và nguồn lực phải thiết kế theo chính sách trung hạn, tránh ăn đong. Hiện nay chúng ta đang có nhiều chính sách theo tư duy là cần đâu là lấp đấy, chưa có thiết kế tổng thể và dài hạn hơn.

Trong cơ chế điều hành, cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành ở địa phương, chúng tôi muốn nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền ở địa phương để phát huy được tính chủ động sáng tạo của địa phương nhiều hơn. Một điểm quan trọng nữa chúng tôi muốn kiến nghị là thiết kế chính sách phải phát huy được sự đồng thuận, đặc biệt là vai trò của người dân, đặc biệt là người nghèo trong việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách về giảm nghèo. Chính sách tới đây phải làm sao để người dân chủ động, tực giác và sáng tạo hơn nữa trong việc thực hiện giảm nghèo, để họ thấy rằng giảm nghèo là cho chính mình chứ không phải để đạt được chỉ tiêu chung của địa phương hoặc cho một danh hiệu nào đó.

PV: Theo kế hoạch, thời gian nào sẽ có Báo cáo chính thức về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Theo kế hoạch đoàn giám sát sẽ tổng hợp các nguồn thông tin từ báo cáo của chính phủ, của các bộ ngành rồi kết quả báo cáo giám sát thực tế tại 15 tỉnh, thành phố và kết quả báo cáo giám sát của 48 tỉnh, thành phố còn lại để xây dựng thành một dự thảo kết quả báo cáo giám sát.

Dự kiến, đoàn giám sát sẽ trình và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào đầu tháng 5/2014 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Sau đó, Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung để thành báo cáo chính thức trình với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ nghe thảo luận và tiến hành việc đánh giá rồi cho ý kiến và quyết định những chính sách cho giảm nghèo giai đoạn tới theo tinh thần mà Đoàn giám sát chúng tôi muốn tham mưu là Quốc hội sẽ ban hành một Nghị quyết về kết quả giám sát giảm nghèo.

PV: Xin cảm ông ông./.

Nguồn: Hà Nam-Kim Thanh/VOV 24/3/2014-Trung tâm Tin