08/09/2014 05:20

Vượt lên thương tật làm giàu

Thương binh nhưng luôn vượt lên khó khăn để lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tự xóa nghèo là điều dễ nhận thấy từ nhiều đại biểu tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2014, tổ chức tại Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày 18/7 vừa qua…

“Mất nửa” cơ thể vẫn lao động

Thương binh 1/4 Lê Anh Tuấn bị mất một chân, một con mắt trong trận chiến đấu với giặc Mỹ, sau đó bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An cho đến ngày quê hương giải phóng. Ông làm Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hội An đến năm 1992 thì nghỉ hưu. Dáng người bé nhỏ, sức khỏe yếu, ông phải nuôi mẹ già và hai con đang tuổi ăn tuổi học. Mảnh đất Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) quá cằn cỗi, để có thể phát triển sản xuất, ông thực sự đứng trước thử thách. Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa tạo động lực giúp ông vươn lên. Nhận thấy vùng quê dừa nước thích nghi với con tôm, ông xin chính quyền cấp giấy phép sản xuất thức ăn nuôi tôm. Với số vốn ít ỏi ban đầu, ông trồng lúa, làm vườn và buôn bán lặt vặt. Ngày đầu bước chân vào thương trường, ông gặp không ít khó khăn. Người khỏe mạnh bình thường làm kinh doanh còn khó, huống hồ ông chỉ có một chân lành, một chân giả, mắt cũng chỉ nhìn được một bên, nhiều khi chở thức ăn nuôi tôm bằng xe máy đến các hồ thì cả người và xe đều ngã kềnh. Không nản chí, ông kiên trì tiếp tục công việc, lấy chữ tín làm đầu. Đến nay, có hơn 100 khách hàng thường xuyên đến mua thức ăn nuôi tôm của gia đình ông. Doanh số bán hàng đạt cả tỉ đồng/năm; nộp ngân sách Nhà nước hàng chục triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đời sống gia đình ông ngày càng cải thiện. Hai con ông tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Ông còn hay giúp đỡ các gia đình chính sách có khó khăn bằng cây con giống và vốn vay. Vừa kinh doanh giỏi, ông vừa làm tốt cương vị Bí thư Chi bộ khối An Mỹ, Chi bộ nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của phường. Gần đây ông chuyển sang làm Tổ trưởng tổ dân cư, đôi chân không lành lặn của người Tổ trưởng hơn 70 tuổi này lại liên tục đi về giúp người dân trong tổ khu phố hòa giải mâu thuẫn, vận động quyên góp, giữ vệ sinh chung, giúp đỡ những trường hợp đơn côi, không nơi nương tựa ở địa phương.


Cựu chiến binh Vũ Xuân Túy được đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng,
Tổng Biên tập Báo Nhân dân,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa.

Thương hiệu cói nổi tiếng

Thương binh 4/4 Vũ Xuân Túy xuất ngũ sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở mặt trận, về quê xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định sinh sống. Năm 1980, ông đứng ra thu mua bao manh đan bằng cói, khâu thành bao bán cho Công ty Muối, Công ty Xuất nhập khẩu… Công việc đang thuận lợi thì năm 1989, do ảnh hưởng khối Đông Âu tan rã, mặt hàng bao bì tạm ngưng xuất khẩu. Ông Túy trăn trở rất nhiều và quyết tâm lập lại nghề truyền thống của cha ông; đi tìm hiểu thị trường; cùng vợ con sáng tạo nhiều mẫu mã cói ép đẹp, đa dạng và chào hàng với giá thấp nhất. Hàng của ông được Công ty Xuất khẩu Baratex Nam Định chấp nhận bao tiêu. Quá vui mừng, ông về thu mua nguyên liệu, vận động bà con tham gia sản xuất, hướng dẫn kĩ thuật làm mặt hàng chiếu cói chất lượng. Đợt hàng xuất khẩu đầu tiên (năm 1990) thành công hơn dự định. Hàng cói ép không chẻ của Nghĩa Lợi đã bén duyên trên thị trường nước ngoài. 35 năm nay ông gắn bó thăng trầm cùng hàng cói; doanh nghiệp xuất nhập khẩu Ánh Túy của gia đình ông đã đứng vững trên thị trường, làm cói trở thành nghề mũi nhọn của xã Nghĩa Lợi; có vốn cố định hơn 5 tỉ đồng, không phải vay vốn của Nhà nước; tạo việc làm cho hơn 800 lao động, thu nhập ổn định.

Doanh nghiệp Ánh Túy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; trung bình hằng năm gia đình ông ủng hộ đối tượng chính sách hơn 80 triệu đồng; dạy nghề và hỗ trợ 20 cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội CCB, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tặng ông nhiều Bằng khen.

 Bài và ảnh Hồng Vân
(Nguồn: Báo Người cao tuổi)