26/12/2016 01:29

Tính quyết liệt và sức sáng tạo của Chủ tịch Hội Nguyễn Tấn Trịnh

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực (năm 2010) trao Huân chương Sao Vàng cho Hội NCT Việt Nam (đông chí Nguyễn Tấn Trịnh đại diện lãnh đạo Trung ương Hội đón nhận)


Trước khi về Hội Người cao tuổi Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Trịnh từng là Bộ trưởng Bộ Thủy sản 16 năm liên tục, Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V,VI, VII và VIII, Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII và là Phó trưởng ban thường trực ban Kinh tế Trung ương (Khóa IX), Bí thư Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương. Nghỉ hưu ở tuổi 70, sau đó ông được Đại hội Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam lần thứ III bầu làm Chủ tịch Hội, tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011). Đồng thời, ông còn là Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học- Kĩ thuật biển Việt Nam.

Là người con ưu tú của tỉnh QuảngNamanh hùng, quê hương giàu truyền thống cách mạng, người cha là liệt sĩ, ông lại được đào tạo cơ bản ở trong nước, nước ngoài tạo cho nguồn nội sinh quý giá và một nhân cách khá đặc biệt. Ở tuổi 42, ông được bổ nhiệm chức Thứ trưởng và 2 năm sau (1980) giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Như vậy, ông Nguyễn Tấn Trịnh là một trong số rất ít Bộ trưởng nhận chức lúc khá trẻ và có thời gian làm Bộ trưởng lâu nhất ở một ngành. Những năm ở Bộ Thủy sản, ông Trịnh có nhiều cống hiến cho lĩnh vực khai thác hải sản biển, thủy sản nội địa, nhất là phát triển nuôi tôm, cá da trơn vùng đồng bằng sông Cửu Long; đặt nền móng xuất khẩu thủy sản ra thị trường thế giới. Ông còn là nhà khoa học tham gia hoạch định chính sách, chiến lược Biển Đông…

Làm Chủ tịch Hội NCT Việt Nam một nhiệm kì, hoạt động của ông có nhiều đột phá, để lại cho tầng lớp “cây cao bóng cả” nhiều di sản quý báu, những dấu ấn khó phai mờ.

Di sản lớn nhất ông kiến tạo thành công là sự quyết liệt trong việc đầu tư trí tuệ xây dựng Luật NCT. Với vai trò đứng đầu Hội, đại diện cho gần 10 triệu người cao tuổi, lại là Đại biểu Quốc hội khóa XII, ông nỗ lực thuyết phục Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho ra đời Luật NCT. Ông đề nghị Chính phủ cho phép Hội soạn thảo dự án luật với tinh thần nhanh, tiết kiệm nhất cho ngân sách.

Trong thời gian ấy, đi tiếp xúc cử tri, về địa phương chỉ đạo công tác hội, ông lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NCT để chắt lọc; đồng thời trực tiếp điều hành ban soạn thảo, cân nhắc từng câu chữ, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội, của Bộ Tư pháp, của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và các chuyên gia nhằm đưa vào luật những quy định có hàm lượng thông tin thiết thực, cụ thể, dễ hiểu và chuẩn mực. Khi Quốc hội thảo luận có những đại biểu băn khoăn, nhất là về ngân sách chi cho đối tượng theo quy định của luật, thậm chí có đại biểu lớn tiếng cho rằng “Luật này kiếp sau trình cũng được”…

Tại diễn đàn Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Trịnh giải trình có tính thuyết phục cùng những nội dung của dự án Luật phù hợp với nhu cầu cuộc sống đặt ra nên hầu hết các đại biểu đồng tình. Tại Kì họp thứ 6 (Quốc hội khóa XII) ngày 23/11/2009 với 437/440 đại biểu (có mặt) đã biểu quyết thông qua. Ngày 4/12/2016, Chủ tịch nước công bố Lệnh số 16/2009/L - CTN ban hành Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2010.

Từ đó, NCT nước nhà có hệ thống pháp luật, chính sách cũng như quyền, lợi ích hợp pháp trên nhiều lĩnh vực được bảo đảm từ nhà nước và xã hội mà trước đó chưa có. Hơn 6 năm qua, Luật NCT thực sự đi vào cuộc sống; vị thế của NCT và Hội NCT ViệtNamđược nâng cao trong cộng đồng và trên trường quốc tế.

Là người đứng đầu tổ chức Hội với hơn 8 triệu hội viên, Chủ tịch Nguyễn Tấn Trịnh chỉ đạo công việc khá quyết liệt, đôi lúc tỏ ra gay gắt nhằm đạt mục tiêu. Ông cùng tập thể Ban Thường vụ bàn thảo, quyết định nhiều chương trình táo bạo Đi tới thành công. Cấp phó của ông đều là cựu Ủy viên Trung ương, hàm Bộ trưởng và tương đương như các ông, bà Cao Sĩ kiêm, Đỗ Nguyên Phương, Cù Thị Hậu, Phạm Thị Sơn, Đinh Văn Tư. Các trưởng ban phần lớn là cựu Thứ trưởng và tương đương. Họ là những vị lãnh đạo trí tuệ, giàu kinh nghiệm, có uy tín. Vì thế, các chủ trương công tác được thực hiện suôn sẻ, thành công.

Cùng với việc thực hiện dự án Luật NCT, ông tham gia với Phó Chủ tịch Cao Sĩ Kiêm xây dựng đề án thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi được phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phê duyệt, quyết định cho ra đời.  Quỹ này không chỉ duy trì ở Trung ương Hội mà còn phát triển rộng rãi về đến cơ sở (xã, phường, thị trấn) trong cả nước. Nhờ có quỹ, hoạt động của các cấp hội ngày một tốt lên.

Thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ III, ông Nguyễn Tấn Trịnh chỉ đạo khá quyết liệt nhằm tổ chức thành ông Hội nghị toàn quốc Người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ II (18,19/9/2008) và lần đầu tiên truyền hình trực tiếp lễ trao cúp Diên Hồng cho 128 doanh nhân tiêu biểu do Báo Người cao tuổi thực hiện tại Hà Nội gây ấn tượng sâu sắc cho người cao tuổi cả nước.

Trong nhiệm kì của mình, một số việc lớn không có trong nghị quyết Đại hội nhưng với tinh thần sáng tạo, ông Trịnh lựa chọn đầu việc, nêu sáng kiến, bàn bạc trong Thường vụ, quyết định triển khai rất hiệu quả,  như sau:

Phát động phong trào “Một triệu áo ấm cho người cao tuổi nghèo” được các cấp hội trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ thông qua vận động nguồn lực, nhiều tổ chức, cá nhân mua hàng triệu áo, chăn, khăn ấm trao tận tay NCT nghèo vùng sâu, vùng xa, miền núi thể hiện tính nhân văn cao cả.

Bằng uy tín của mình, ông gặp trực tiếp, trao đổi với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, triển khai tổ chức hội nghị “Già làng tiêu biểu Tây Nguyên” tại Binh đoàn 15 ở tỉnh Gia Lai (tháng 3/2009). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào dự, đánh giá cao sáng kiến, việc làm rất có ý nghĩa của Hội NCT ViệtNam. Các già làng tiêu biểu về dự hết sức cảm kích, trở về buôn làng tuyên truyền cho bà con các dân tộc chăm lo sản xuất, xây dựng đời sống, không nghe theo bọn xấu xúi giục, lôi kéo.

Ông cũng có sáng kiến độc đáo mua hàng chục cây đa giống Tân Trào (Tuyên Quang) bởi cây đa là biểu tượng của NCT. Nhiều lần, ông cùng cơ quan Trung ương Hội đem cây đa giống về trồng ở một số thành phố lớn, khu di tích lịch sử từ Đền Hùng đến Khu di tích Kim Liên quê Bác Hồ, một số công viên, nhà bảo tàng, khu lưu niệm lãnh tụ… để lại kỉ niệm và ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân. Giờ đây, những cây đa ở đâu cũng lớn nhanh, sum suê cành lá …

Trong mọi công việc, ông Nguyễn Tấn Trịnh biết dựa vào tập thể và cấp dưới. Những chủ trương công tác và sáng kiến của ông luôn nhận được sự hưởng ứng, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan và cộng sự dưới quyền. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm chỉ đạo, sử dụng Báo Người cao tuổi làm công cụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, công tác hội rất hiệu quả.

Mọi người tin yêu, trân trọng ông về cái tâm, cái đức, cái tài, tính quyết đoán, sức sáng tạo của người đứng đầu Hội. Vì lẽ đó, cơ quan Hội và các địa phương, các thành viên kính trọng, hết lòng vì NCT, không quản ngại khó khăn, tận tâm cống hiến theo phương châm “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” mà ông Nguyễn Tấn Trịnh là một điển hình “Tuổi cao - Gương sáng” tiêu biểu của thế hệ Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh./.