19/10/2016 07:39

Sống vui khỏe nhờ đàn hát

Ông Đình Bà Tiệc đang so dây (Ảnh: Xuân Lộc)


Nhâm nhi chén trà, hít hà hương hoa sữa và nghe những bản nhạc cổ vào những ngày cuối thu quả là thật tuyệt. Tuyệt vời hơn nữa khi lại được trò chuyện, chia sẻ về chuyện đời, chuyện đam mê đàn hát với những “nghệ sỹ già ẩn danh” trong chính ngôi nhà của họ chứ không phải trên sân khấu hay sàn diễn. Đó là câu chuyện về cụ ông Lê Văn Đình và cụ bà Nguyễn Thị Tiệc năm nay đã trên dưới 80 ở thôn 4, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngõ hẻm chính là con đường dẫn vào nhà hai cụ, tôi ghé nhà hai cụ vào đúng lúc cụ ông đang ngồi cặm cụi đan rổ rá tre, còn cụ bà thì đang tỉ mẩn vuốt nan. Mới gặp lần đầu mà như đã quen từ lâu, hai cụ rất vui mừng đon đả, coi tôi như con cháu trong nhà, mọi khoảng cách như xóa nhòa, mệt mỏi được xua tan. Trong thời chiến, hai cụ thường tham gia các hội diễn văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” của địa phương. Giờ đây cụ bà đã 79 tuổi 79, cụ ông 83 tuổi nhưng hầu như ngày nào cũng có tiếng đàn hát trong nhà.

“Hầu như ngày nào hai cụ cũng chơi đàn, cứ rỗi rãi là hòa tấu vài bản, nghiện mất rồi cháu ạ, nếu vắng đàn thì chúng tôi buồn lắm. Ai yêu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng nghỉ việc phục vụ ngay, từ đám cưới, mừng nhà mới, mừng thọ, mừng sinh nhật bọn trẻ, đến cả phục vụ cho hội nghị, đại hội của xã... Nói thật với cháu, họ còn đưa phong bì trả công nhưng chúng tôi không nhận, chỉ cần được mọi người hưởng ứng là vui rồi” - cụ Tiệc tâm sự. Dứt lời hai cụ vội vàng lấy hai cây đàn xuống so dây. Cụ ông ôm cây đàn ghi ta, cụ bà cây thập lục. Hai cụ hòa tấu rất nhịp nhàng, ăn khớp, tình cảm những câu vọng cổ, ngâm kiều, lẩy kiều; hay bản cải lương khúc ca hoa chúc.

Hai cụ có 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Ba con trai thì lại rất khó khăn, thiếu thốn, một người đi nam làm thuê, hai người ở nhà làm ruộng nuôi con ăn học nên các cụ  phải tự xoay xở cho cuộc sống của mình. Hàng ngày cụ bà vuốt nan, cụ ông bện vài cái rổ rá tre. Ngoài ra, nuôi mấy con gà lấy trứng, trong vườn hai cụ chăm chút ít rau xanh, vài bụi chuối vậy là cũng có cái đi chợ bán, hàng tháng có thêm tiền phụ cấp NCT nên “với chúng tôi thế là cũng lo được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, khéo vun vén thì cũng xong hết cô ạ” – cụ Tiệc trải lòng. Nhìn thân hình gầy guộc của hai cụ nhưng luôn toát lên vẻ vui tươi, sự minh mẫn, nhanh nhẹn, tôi thấy thật thán phục. Những “nghệ sỹ vô danh” ấy không hề mảy may vụ lợi, họ cam chịu sống cảnh vật chất rất đạm bạc, nghèo túng miễn sao là được thỏa niềm đam mê đàn hát, để mang lại niềm vui cho bản thân và cuộc đời.

Tôi ngắm nghía thật kĩ 3 cây đàn cũ, một cây thập lục và hai ghi ta phím lõm treo bên cạnh tấm Huân chương Kháng chiến, những giấy khen, những bài thơ xuân bạn bè, con cháu tặng các cụ. Những cây đàn ấy dù đã được nhuốm màu thời gian 60 năm nay, nhưng không dây đàn nào bị gỉ và hẵng còn căng đét, đủ biết hai cụ chăm chút giữ gìn, yêu quý chúng đến nhường nào.           

Nhấp ngụm trà ấm nóng, cụ ông lại thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình lãng mạn của hai cụ hồi còn trẻ, nó cũng gắn liền với những lời ca, cây đàn này đây: “Chúng tôi đến với nhau cũng từ cái duyên đàn hát, bà ấy chỉ ra một điều kiện rằng, nếu tôi đánh đàn thạo 6 câu vọng cổ thì bà sẽ đồng ý lấy tôi làm chồng. Đó là năm 1957, tôi lao vào học đàn, học hát. Dạo ấy, đêm nào tôi cũng qua nhà bà Tiệc, không phải là để tán tỉnh, mà để kiên nhẫn học đàn hát. Hai năm tôi đã chơi tốt được 6 câu vọng cổ, và còn nhiều bản khác, thế là năm 1959, năm vợ chồng tôi cưới nhau.”

Niềm cổ vũ, động viên lớn của hai cụ chính là sự đam mê, yêu thích ca hát của con cháu trong nhà cũng như bà con trong vùng, mấy đứa cháu đến chơi thường đòi hai cụ đàn hát để chúng hát theo, hàng xóm thì nhiều người lúc rỗi rãi là sang nghe. Ngày nay, ở xã hội chúng ta nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được Nhà nước công nhận, vinh danh, song còn nhiều người đã và đang cống hiến suốt đời cho văn hóa văn nghệ dân tộc một cách thầm lặng để cuộc sống thêm vui, nhưng họ không mảy may màng danh lợi. Thật đáng trân trọng!