19/10/2015 00:26

Sống lại phút giây ban đầu

Một lễ cưới vàng, bạc tôn vinh 5 cặp đôi ông bà điển hình tiên tiến sống thọ - song toàn – hạnh phúc – thủy chung – mẫu mực – con cháu hiếu thảo do Hội NCT phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, chi hội NCT Ngũ Xã vừa được tổ chức.

Lễ cưới thật xứng đáng là một “hôn lễ” tưng bừng, rôm rả của đời sống mới hôm nay. Chú rể, cô dâu không phải là chàng trai, cô gái trẻ trung, xinh đẹp; họ hàng, bạn bè không phải là bậc tôn trưởng cha mẹ, nam thanh nữ tú, âm nhạc linh đình, mà đó là những cụ ông cụ bà rất đẹp lão năm nay ở vào độ tuổi “Thất thập cổ lai hi” sống thủy chung son sắt; gắn bó trọn cuộc đời; bạn bè cũng là những ông bà từng sống qua thời vất vả; là người con, người cháu thuận thảo, hiếu đễ, thành đạt. Hội trường của lễ cưới là một phòng lớn, giản dị mà trang nhã. Tất cả họ đang sống lại giây phút yêu đương ban đầu, như tình yêu không có tuổi tác, như chuyện tình vượt thời gian.

 

 Các cặp đôi cụ ông cụ bà được tôn vinh trong lễ cưới vàng, bạc.

Gần 200 đại biểu nam, nữ, phụ, ấu, não đã về dự. Lễ cưới là hình ảnh gia đình Việt Nam đẹp hơn bao giờ hết. Đó là cặp đôi cụ ông Võ Trọng Hốt (78 tuổi), cụ bà Đào Thị Mộng Thảo (77 tuổi). Cụ Hốt và cụ Thảo gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ vào năm 1958 tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi đến nay đã 57 năm. Đó là cặp đôi cụ Vũ Kim Luân (74 tuổi), cụ bà Nguyễn Thị Nguyệt (71 tuổi), đám cưới của hai cụ được tổ chức năm 1970 đến nay 45 năm. Đó là cặp đôi cụ Đinh Văn Dung, cụ bà Trần Thị Minh, hai cụ nên duyên chồng vợ vào năm 1964. Đó là cặp đôi cụ Nguyễn Văn Tuấn (78 tuổi), cụ bà Phạm Thị Thường (76 tuổi), hai cụ tổ chức đám cưới cũng cách đây 56 năm. Và cuối cùng là cặp đôi cụ  ông Lê Trung, cụ bà Nguyễn Thị Minh Châu, hai cụ cũng kết hơn cách đây 52 năm. Đám cưới hôm nay của các cụ thể hiện tình cảm vợ chồng gắn bó keo sơn, tiếp nối đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có cụ từng giáo sư gắn bó cuộc đời mình với Viện nghiên cứu Chăn nuôi. Có cụ là giáo viên đi gieo mầm xanh cho tương lai đất nước. Có cụ là cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn tên lửa phòng không anh hùng. Có cụ nghỉ hưu vẫn tiếp tục đem trí và lực để cống hiến cho cộng đồng xã hội. Có cụ luôn trăn trở tìm cách góp phần giữ nghề truyền thống quê hương. Mỗi cặp ông bà là biểu hiện một gia đình hạnh phúc, con cháu thuận hòa, thủy chung, mẫu mực và luôn là tấm gương về nhân cách sống để con cháu noi theo.

Nhớ lại ngày cưới buổi đầu ấy, cụ bà Đào Thị Mộng Thảo tâm sự: “Đám cưới của chúng tôi hồi đó do Đoàn thanh niên tổ chức ngay tại trường Đại học Nông nghiệp. Hôm ấy, bác sĩ, Viện trưởng Phan Đình Đỗ làm chủ hôn, ông đọc tặng đôi bạn mấy câu thơ trong ngày lễ vu quy mà suốt đời tôi không bao giờ quên: “Đào Võ kết hôn/Hốt trọn cỏ thơm se chỉ thắm/ Sắc cầm hòa điệu/Thảo tìm nét đẹp chuyên lành. Bây giờ, nhìn lại, tôi thấy thật may mắn vì có được những vị thầy đáng kính, một mái trường tình nghĩa và một gia đình hạnh phúc. Tôi cho rằng gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì vợ chồng phải nhường nhịn nhau, như các cụ thường bảo “Chồng tiến thì vợ lùi/Cơm sôi lửa tắt thì nồi đỡ khê”. Đặc biệt lòng hiếu thảo được nâng niu như nâng niu ngọn lửa. Cuộc đời không mất lửa. Ở trong mỗi gia đình, chữ hiếu luôn như lửa, không mất. Giữ được chữ hiếu trong chúng ta như giữ ấm ngọn lửa sáng, đó chính là đạo hiếu của một đời người”.

Lễ cuới diễn ra thật trẻ trung, hoàng tráng, con cháu dâng những bó hoa tươi thắm cùng chúc ông bà, bố mẹ sống lâu sức khỏe, trẻ mãi không già, yêu thương thuận hòa, cửa nhà sung túc. Không khí thân mật, đầm ấm, nhiều lúc cảm động, thiêng liêng nữa, vì đây là lần cưới thứ hai trong đời đầy đủ chồng vợ. Dù ở tuổi nào chăng nữa, tình yêu đối với các cụ dường như vẫn là một điều thiêng liêng và quý giá. Cụ ông nắm tay cụ bà gọi nhau bằng hai chữ “Anh em” thân thương, cứ như tình yêu tuổi trẻ ở đâu đây gần lắm. Cũng phải thôi, chừng ấy thời gian với bao biến cố cuộc đời thì làm sao tình yêu lại không trẻ lại, đằm sâu, không thủy chung son sắt cho được.

Cụ ông Đinh Văn Dung nhớ như in cái ngày đi đón “cô dâu” Trần Thị Minh: “Hồi chúng tôi lấy nhau lễ cưới tuyền đi bằng xe đạp. Đi từ 7h sáng đến mãi 10h đêm mới đến nơi nhà cô dâu, nóng ruột lắm. Khó khăn vất vả nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau đi trọn cuộc đời, cùng nhau vượt qua sóng gió, dạy bảo con cháu trưởng thành, đó là cái phúc, cái đức, cái lộc trời của ông bà tổ tiên. Cuộc sống chúng tôi khác xa các bạn trẻ nhiều lắm. Dù cuộc sống có quá nhiều áp lực, công việc bận bịu nhưng tôi mong các bạn trẻ hãy luôn dành thời gian chăm sóc gia đình, quan tâm con cái, vợ chồng nhường nhịn nhau trong lời ăn tiếng nói, để giữ cho gia đình trong ấm, ngoài êm”.

Các cặp đôi cụ ông cụ bà sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

 

Ông Phan Nguyên Cương, ủy viên BCH Hội NCT phường Trúc Bạch, chi Hội trưởng NCT số 3 Ngũ Xã cho biết: “Lễ cưới vàng, bạc là nét đẹp văn hóa có ý nghĩa sâu sắc để khơi dậy truyền thống văn hóa sống thủy chung, mẫu mực giáo dục con cháu hiếu thảo của NCT. Các cặp đôi ông bà được tôn vinh hôm nay là thể hiện những gì tốt đẹp của truyền thống gia đình, của tình làng nghĩa xóm và sức cống hiến cho cộng đồng, xã hội mạnh mẽ.

Lễ cưới đã khép lại. Gặp nhau ở “Lễ cưới vàng, bạc” rồi, mỗi thành viên đều sớm quay lại với cuộc sống của mình, khi mà trong họ vẫn vẹn nguyên niềm xúc động và những kí ức tuyệt về cuộc sống thủy chung ân nghĩa và sự thương mến. Để rồi, sự tôn vinh xứng đáng của Hội NCT, của cả cộng đồng hôm nay sẽ là động lực để họ tiếp tục có ý nghĩa, viết tiếp “Bài ca người cao tuổi Việt Nam”.