23/02/2014 09:38

Sao xanh tỏa sáng miền biên giới

Những ngày này, không khí ngày hội "Biên phòng toàn dân" đang lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Với người dân ở các khu vực biên giới, bờ biển và hải đảo, đây cũng là dịp để ôn lại truyền thống, đánh giá những việc đã làm cho biên giới quê hương và tôn vinh những tấm gương điển hình trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, để có thêm nhiều những "ngôi sao xanh" tỏa sáng trên bầu trời biên giới…

 

Nữ già làng Ksor Blâm và Thượng tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng Đồn BPCK Quốc tế Lệ Thanh trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

Nữ già làng Krông - "Sao xanh" không quân phục:


"Ngôi sao xanh Biên phòng" này không mang quân phục. Nói đúng hơn, bà đã giã từ màu xanh áo lính để khoác lên mình bộ đồ thổ cẩm truyền thống của người dân tộc thiểu số (DTTS) Jrai cách đây đã hơn hai thập kỷ. Ấy vậy mà, cái màu xanh áo lính ấy vẫn luôn gần gũi và là thứ tài sản quí giá nhất trong trái tim của nữ già làng Krông - cựu chiến binh Ksor Blâm (Ksor H'Lâm).


Người dân làng Krông nói riêng, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai nói chung vẫn còn nhớ cái thời đường sá giao thông cách trở, dân số của xã chỉ gói gọn trong 4 ngôi làng và 1 đồn biên phòng. Quanh năm suốt tháng, họ chẳng buồn cuốc bộ hơn một ngày đường để ra đến phố huyện. Trở về quê hương sau một thời gian dài phục vụ trong quân ngũ, Ksor Blâm trăn trở nhiều lắm. Bà nghĩ, nếu người dân cứ mỗi năm lại vào rừng khai phá đất đai chỉ để làm một vụ lúa rẫy thì không bao giờ thoát khỏi đói nghèo mà cần phải hướng bà con tập trung vào sản xuất hàng hóa. Nhưng làm bằng cách nào và làm từ đâu? Những lần khó nghĩ như thế bà lại nhớ đến Đồn BP Ia Mơr và y như rằng nhận được ngay sự hợp sức. Đất cằn, thiếu nước thì trồng cây điều vì loại này vừa dễ làm lại chịu được nắng hạn, kết hợp nuôi thêm ít con bò, con heo, thả thêm đàn gà quanh bếp, quanh vườn là chắc chắn chẳng bao giờ sợ đói. Vậy là "dự án" đưa cây điều từ miền xuôi lên miền ngược đã được nữ già làng Krông và Đội công tác địa bàn Đồn BP Ia Mơr triển khai thí điểm. Thiếu tá Nguyễn Hồng Tươi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr (cán bộ tăng cường BĐBP) bồi hồi nhớ lại: "Đưa cây điều lên biên giới ngày ấy cũng gian nan giống như mang con chữ về với buôn làng vậy. Bà con chưa biết thì mình cầm tay chỉ việc, nhưng quả thực nếu không có sự đồng hành của nữ già làng Ksor Blâm thì không biết đến bao giờ cây điều bén rể được trên vùng đất khô cằn này...".


Cây điều ngày càng phát triển trên đất Ia Mơr không chỉ phá thế độc canh cây lúa nương một vụ, mở ra hướng làm ăn mới, mà còn làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con lúc bấy giờ. Các hủ tục lạc hậu tồn tại từ bao đời nay dần dần được xóa bỏ, phương thức làm ăn cũ kỹ được thay thế thông qua hàng loạt các chương trình hành động mang đậm dấu ấn của người chiến sĩ Biên phòng không mang quân phục - Ksor Blâm. Bà miệt mài trải nghiệm trên khắp các mặt trận mà mỗi câu chuyện là một bài học sâu sắc về tính nhân văn. Để giúp các hộ gia đình nghèo thiếu vốn phát triển chăn nuôi, bà hình thành "tiểu ngân hàng" bò cho mượn xoay vòng không tính lãi. Với những chị em thiếu vốn, thiếu tri thức trong cuộc sống, bà góp vốn rồi tổ chức những nhóm phụ nữ tương trợ, giúp đỡ nhau. Tiền của bà cho vay tuy không nhiều, không tính lãi nhưng phải sinh lời, như vậy mới mang đến lợi ích thiết thực cho chị em...

 

Ấn tượng nhất đối với tôi là câu chuyện nữ già làng Ksor Blâm cùng chiến sĩ Biên phòng cứu anh em sinh đôi Phót, Phét thoát khỏi lệ tục lạc hậu xảy ra cách đây hơn chục năm về trước. Hai anh em này vừa mới lọt lòng đã bị bố mẹ, người làng chối bỏ, vì "không ai được nuôi những đứa trẻ sinh đôi". Già làng lựa lời khuyên bảo suốt mấy ngày đêm liền, thậm chí mang cả uy tín, sinh mạng của mình ra để bảo lãnh thì người nhà mới chịu cho cả hai đứa cùng được sống. Giờ đây, Phót, Phét đã lớn khôn, ngày qua ngày cùng đám trẻ con trong làng tung tăng cắp sách đến trường, ai nhìn vào cũng thấy thương. Riêng với nữ già làng thì luôn coi đây là niềm vui lớn của cuộc đời bà.

 

Đồn trưởng và những mô hình giúp dân

Trong dịp sơ kết 5 năm Ngày Biên phòng toàn dân (giai đoạn 2009-2014) ở tỉnh Gia Lai, cùng với nữ già làng Ksor Blâm, Thượng tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng Đồn BPCK Quốc tế Lệ Thanh là hai cá nhân điển hình được đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen. Hai con người này khác nhau ở giọng nói, không cùng vị trí công tác nhưng có chung một "điểm đến", đó là tấm lòng luôn hướng về buôn làng biên giới. Có thể nói, biên giới từ lâu đã là quê hương, là máu thịt của người con xứ Kinh Bắc, chiến sĩ Biên phòng Phan Đình Thành. Gần 30 năm gắn bó với đất rừng biên giới Gia Lai, trải nghiệm với biết bao khó khăn thử thách, từ "vùng rốn" sốt rét Đức Cơ đến miền biên giới thẳm xa bên con sông Pô Cô của huyện Ia Grai và giờ đây trở lại với chính mảnh đất khởi đầu nghiệp lính, hơn ai hết, Thượng tá Phan Đình Thành thấu hiểu vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ Biên phòng đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi vùng biên giới. Chính vốn sống thực tế này đã gợi mở những cách làm hay trong công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn. Xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, địa bàn Đồn BPCK Quốc tế Lệ Thanh quản lý hiện có 8 thôn làng, trong đó có 6 làng của đồng bào DTTS Jrai sinh sống. Trong 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và triển khai nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo nên đời sống của bà con không ngừng được cải thiện nâng cao. Tuy nhiên, do tập quán canh tác, tư duy kinh tế của một số hộ gia đình đồng bào DTTS còn lạc hậu, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm, thế mạnh kinh tế vườn đồi và chăn nuôi chưa được phát huy đúng với tiềm năng hiện có nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức khá cao (14%). Tình trạng đất vườn bỏ hoang hóa nhưng lại vào rừng phát rẫy làm nương, khai thác lâm sản trái phép, trẻ em trong độ tuổi đến trường bỏ học hoặc đi học không đều vẫn còn xảy ra, an ninh nông thôn có những thời điểm diễn biến phức tạp chính là nỗi trăn trở của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương và đồn BP.


Trước những vấn đề nan giải nêu trên, Đảng ủy Ban Chỉ huy Đồn BPCK Quốc tế Lệ Thanh đã tập trung chỉ đạo đơn vị tăng cường bám nắm địa bàn, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ phụ trách từng thôn làng, kịp thời phát hiện, giải quyết tốt những vấn đề dân cần nhất. Trăn trở và đồng cảm trước những khó khăn của bà con nhân dân, Đồn trưởng Phan Đình Thành đã đi sâu tìm hiểu xác định rõ nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp trợ giúp hiệu quả nhất. Với tình trạng trẻ em trong độ tuổi bỏ học, anh cho rằng đấy hoàn toàn không phải do cơ sở giáo dục hay đội ngũ giáo viên thiếu mà phần lớn là do hoàn cảnh gia đình các em còn gặp nhiều khó khăn, xa trường lớp. Từ đánh giá sâu sát đó, một mô hình trợ giúp học đường ra đời ngay tại đội công tác địa bàn với tên gọi thật bình dị "Bếp ăn tình thương". Mô hình trợ giúp này có qui mô tuy chưa lớn lắm, chỉ mới thu hút được khoảng 15 học sinh, nhưng đây chính là cách làm đầy tính thực tế mà ở bất kỳ địa bàn nào, đơn vị nào cũng có thể duy trì được. Hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày qua ngày đưa đón học sinh đến trường, lặng lẽ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu tại đội công tác địa bàn chính là nét đẹp mộc mạc mà sâu lắng của tình người nơi vùng biên giới… Để giúp bà con nhân dân từng bước chuyển đổi cây trồng, xóa bỏ tình trạng "nhà đông, vườn trống", Đồn trưởng Phan Đình Thành cùng với cấp ủy chỉ huy đơn vị lựa chọn xây dựng mô hình "Vườn tiêu Biên phòng" ngay tại hộ gia đình đồng bào DTTS để trồng trình diễn, chuyển giao kỹ thuật đến với mọi người dân. Sau 4 năm triển khai xây dựng, mô hình "Vườn tiêu Biên phòng" đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.

Thành tích của Đồn trưởng Phan Đình Thành và sự cống hiến của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Quốc tế Lệ Thanh đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng vùng nông thôn biên giới xã Ia Dom bình yên và phát triển.

Nguồn: bienphong.com.vn/23/2/2014/Thái Kim Nga.