04/04/2017 08:04

Ông Nhung: Thoát nghèo trên đất khó nhờ khoai tây

Là người đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng, ông Lâm Ngọc Nhung,  sinh năm 1948  (chi hội trưởng Hội NCT thôn Phú Đa, xã Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) là tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm trong việc phát triển mô hình trồng cây khoai tây tại xã Công Bình.

Năm 2013, cây bí xanh được đưa vào thay thế cho cây vụ đông truyền thống tại xã Công Bình, ban đầu mô hình được bà con nông dân hồ hởi đón nhận và áp dụng ngay trên diện tích vụ đông xuân. Tuy nhiên, sau 2 năm mô hình này đã bộc lộ những điểm yếu nên người dân dần quay lại với cây vụ đông xuân truyền thống là ngô và lạc. Năm 2015, sau khi tìm hiểu, tham khảo qua sách vở, học tập những nơi có quỹ đất đặc điểm giống xã nhà, UBND và hợp tác xã nông nghiệp xã Công Bình  đã chọn giống khoai tây vào thay thế cây bí xanh và cây vụ đông truyền thống. Hợp tác xã cung cấp giống, hướng dẫn kĩ thuật, bao tiêu đầu ra thông qua một công ty, nhưng đa số bà con nông dân có tâm lý e dè, ngại thay đổi, nên ban đầu ít người tham gia trồng loại giống mới này.

 

Ông Nhung bên ruộng khoai tây đang thu hoạch

Nhận thấy cây khoai tây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ông Nhung đã mạnh dạn trồng 6 sào khoai tây thay thế cho cây ngô, lạc và trở thành người tiên phong, thử nghiệm giống cây mới này. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm và bản thân mắc bệnh cao huyết áp, thoái hóa cột sống nhưng ông Nhung vẫn hăng say lao động với suy nghĩ giản đơn: Mình làm trước cho con cháu thấy hay, hiệu quả và làm theo.

Ông tâm sự: “Là người đầu tiên trồng giống khoai tây trong xã, dù được hướng dẫn kĩ thuật, nhưng ông không tránh khỏi bỡ ngỡ, gặp những khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Bắt đầu xuống giống, ngày nào ông bà cũng ra đồng theo dõi, chăm sóc sao cho cây mọc đều, lượng nước trong đất phải đảm bảo, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, khi thu hoạch củ phải đáp ứng yêu cầu của nhà máy…”. Đất, cây chẳng phụ công người chăm sóc, sau 3 tháng, ông thu hoạch được gần 5 tấn khoai tây”. Theo cách tính của ông Nhung, cứ trung bình một sào trồng khoai tây cho thu hoạch 8 đến 9 tạ đạt chất lượng cao, giá thu mua của nhà máy là 6,5 triệu/tấn. Như vậy trừ chi phí ông còn lãi 2.5 đến 3 triệu đồng/sào. Hiệu quả kinh tế từ cây khoai tây gấp đôi so với  cây lạc, ngô, bí xanh và công chăm sóc cũng ít hơn. “Mắt thấy, tai nghe”, từ kết quả đáng mừng của 6 sào khoai tây do ông Nhung tiên phong trồng; vụ đông xuân 2016, bà con nông dân trong xã đã tin và bắt đầu thay thế giống cây mới đầy tiềm năng này cho  20 ha cây vụ đông truyền thống.

Ý chí vươn lên từ nội lực bản thân cùng sự động viên, khích lệ của hội viên Hội NCT xã Công Bình, là nền tảng vững chắc về tư tưởng để ông Nhung tiếp tục đi đầu trong các phong trào của địa phương. Về với Công Bình thời điểm này, không khó để bắt gặp những thửa ruộng trải khắp màu vàng tươi mới của những củ khoai tây tròn trịa đang nằm phơi mình trên đất, xe thu mua  khoai tây của nhà máy tấp nập ra vào.