Ông Lâm Anh Lữ tuổi cao gương sáng

Chăm sóc cây trái hàng ngày ngoài mang lại giá trị kinh tế còn là thú vui của ông Lữ

 

Sức hút mạnh mẽ từ phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” thời gian qua luôn được hội viên NCT thành phố Cà Mau tích cực hưởng ứng. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và giúp ích cho xã hội. Ông Lâm Anh Lữ, hội viên Hội NCT khóm 6, phường 1 là một điển hình như thế.

70 tuổi, ở vào lớp tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lâm Anh Lữ luôn được mọi người ở địa phương kính nể bởi đức tính cần cù, siêng năng trong phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Tuy không xuất thân trong gia đình nông dân nhưng những tháng ngày thoát ly theo cách mạng, ông Lữ và đồng đội có dịp cùng ăn cùng ở với người dân. Từ đó, ông càng hiểu và trân trọng từng hạt gạo, bó rau mà người dân làm ra. Vì vậy, sau khi về hưu ông quyết tâm cải tạo mảnh vườn thành mô hình V.A.C khép kín. Trên diện tích gần 4.000 mét vuông đất, ông cải tạo thành từng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loài thủy sinh.

Thành công trong các mô hình phát triển kinh tế của ông Lữ phải kể đến mô hình nuôi heo rừng. Từ một vài con heo giống nuôi thử nghiệm ban đầu, sau 4 năm, đàn heo rừng trong chuồng của gia đình ông có trên 20 con, trong đó, có nhiều heo rừng sinh sản. Với cách  lấy ngắn nuôi dài, ông Lữ tận dụng toàn bộ diện tích mặt nước để trồng rau muống làm thức ăn cho heo rừng. Theo chia sẻ của ông Lữ, heo rừng nuôi rất dễ, ít bệnh, ít tốn công chăm sóc mà lợi nhuận lại cao. Khoảng 6 tháng, ông xuất bán khoảng 10 con heo rừng, trừ chi phí ông Lữ lãi trên 10 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Lữ rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường bằng cách thả hàng ngàn con cá trê phi để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi. Ông Lữ chia sẻ: Người nông dân mà trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều vật nuôi thì nó hỗ trợ lẫn nhau nữa. Ví dụ như nuôi heo rừng, nuôi ếch thì phân của chúng làm thức ăn cho cá. Do đó, môi trường không bị ô nhiễm mà người nuôi còn tiết kiệm được chi phí rất lớn. Song song với nuôi heo rừng, ông còn đầu tư nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi cá tra. Để tiết kiệm tối đa chi phí chăn nuôi, hàng ngày ông Lữ đến các điểm chợ thu gom phụ phẩm đầu, ruột cá về cho cá tra ăn. Ông cũng tận dụng nguồn cá phi trong vuông làm thức ăn cho ba ba và ếch. Bằng cách lấy công làm lời nên hàng năm ông Lữ thu về huê lợi từ mô hình đa cây đa con hàng trăm triệu đồng.

Cùng với việc phát triển kinh tế, ông Lữ còn góp phần gìn giữ và phát triển tiếng nói, chữ viết của người Hoa. Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Hoa Văn, nhiều năm nay, mỗi buổi tối, ông đều đặn đến trung tâm để theo dõi, quản lý hoạt động dạy và học. Ông Lê Minh Thăng, Phó Chủ tịch Hội NCT phường 1, tấm tắc mỗi khi nhắc đến hội viên Lâm Anh Lữ: Trong thời chiến, ông Lữ là người lính cụ Hồ kiên trung với Đảng với dân và giữ nhiều cương vị quan trọng trong đơn vị. Trong thời bình ông lại hăng hái cống hiến cho xã hội, tích cực lao động sản xuất.

Trong kháng chiến là vậy, còn trong gia đình, ông Lữ là người chồng, người cha, người ông gương mẫu, luôn nhắc nhở con cháu làm giàu bằng sức lao động, sống có nghĩa có tình...Ông Lữ cho biết: Với vai trò NCT thì tui dự tính tới đây sẽ đóng góp nhiều công sức cho các hoạt động an sinh xã hội, công ích xã hội, an sinh xã hội, cũng như tiếp tục giáo dục con cháu sống có ích cho xã hội.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến nay, đời sống của gia đình ông Lữ có của ăn của để, các con có việc làm ổn định. Bản thân ông được trao tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen quý giá. Ông Lâm Anh Lữ xứng đáng là tấm gương “Tuổi cao - Gương sáng” để mọi người cùng học hỏi, làm theo.