Người nông dân thoát nghèo từ cây lúa đã khó, vậy mà hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Mạnh Hồng, 65 tuổi ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã nghĩ đến làm giàu từ cây mạ. Cơ sở sản xuất mạ khay tiên tiến của ông phát triển thành công, ghi dấu ấn cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Sinh ra và lớn lên ở làng Di Thành, xã Hợp Lý, năm 1978, sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế Nông nghiệp - Trường Đại học Nông Nghiệp I, ông Hồng nhận công tác tại Ban Cải tạo nông nghiệp Trung ương (bộ phận phía Nam). Năm 1986 ông làm Giám đốc Công ty Cơ khí - Cơ điện tỉnh Vĩnh Long. Trong quá trình công tác, ông may mắn được sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, khi về vùng nông thôn thấy nông dân cấy mạ khay có nhiều tiện ích. Từ đó, ông tìm hiểu phương pháp gieo mạ khay trong nhà phủ ni-lông để mang về nước và ấp ủ mơ ước làm giàu từ cách làm này.
Năm 1997, sau khi nghỉ chế độ, trước áp lực về kinh tế gia đình, cộng với niềm đam mê ruộng vườn từ nhỏ, ông chuyển gia đình từ Vĩnh Long về quê, mang theo những chiếc khay gieo mạ bằng nhựa mua từ Đài Loan. Sau đó, ông mạnh dạn dành toàn bộ vốn liếng, vay thêm ngân hàng, bạn bè, để mua đất và máy móc, thiết bị sản xuất mạ khay. Nhiều người thân can ngăn, cho rằng từ xưa chưa ai làm giàu từ cây mạ, nhưng với sự quyết tâm cháy bỏng, ông quyết tâm khởi nghiệp.
Ông Hồng đầu tư một chiếc máy cấy hiện đại
Ban đầu, mỗi năm ông sản xuất được 5.000 - 6.000 khay mạ, chủ yếu cung cấp cho bà con địa phương, nhiều khi vừa bán vừa cho, mục đích để người nông dân làm quen và thấy những ưu điểm của loại mạ này. Sau một vụ, thấy mạ khay cho gạo chất lượng tốt, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, bộ rễ khỏe, khả năng đẻ nhánh mạnh..., bà con bắt đầu quan tâm và tìm mua. Vì vậy, nhu cầu sử dụng mạ khay ngày càng tăng. Hiện ông đã mở thêm 2 cơ sở sản xuất mạ khay tại Triệu Sơn và Quảng Xương.
Vụ đông Xuân 2011 - 2012, khi những chiếc máy cấy đầu tiên xuất hiện trên đất Thanh Hóa, một số mô hình mạ khay kết hợp máy cấy được triển khai ở hai huyện Triệu Sơn và Yên Định. Cùng với việc đưa máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, việc áp dụng mạ khay, máy cấy đã khép kín quy trình sản xuất lúa, giải phóng sức lao động cho nông dân. Nhu cầu về mạ khay ngày càng lớn minh chứng cho khả năng đi trước đón đầu, hướng đi làm giàu từ mạ của ông Hồng là hoàn toàn đúng đắn. Ông cho biết: “Chỉ chưa tới 10 lao động, mỗi năm chúng tôi sản xuất được 60.000 - 70.000 khay mạ, phục vụ gieo trồng gần 300ha, doanh thu đạt 1,2 - 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi 350 - 400 triệu đồng/năm. Hiện, tôi đã mở rộng sản xuất mạ khay bảo đảm cho trồng cấy 8.000m2”.
Song song với sản xuất mạ khay, ông Hồng còn kinh doanh trang thiết bị nông nghiệp, làm thêm dịch vụ máy cấy mỗi năm được 40 - 50ha. Tận dụng thời gian đất trống ngoài vụ gieo mạ, ông phát triển trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập lên 500 - 600 triệu/năm.
Ông Lê Xuân Tiến, nguyên Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội NCT xã cho biết: Ông Hồng là tấm gương sáng về bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ trong làm kinh tế. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây lúa. Người dân cấy mạ khay tiết kiệm được 100 - 150.000 đồng/sào, năng suất tăng 10 - 15%. So với gieo mạ truyền thống, giá thành mạ khay tương đương nhưng người nông dân không phải chuẩn bị đất và mất công gieo nhổ mạ, lại hạn chế sâu bệnh, vận chuyển đơn giản, tiện lợi.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hồng còn tích cực tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng làm 100m đường bê tông, xây đài tượng niệm anh hùng liệt sĩ và các chương trình thiện nguyện tại địa phương.