17/02/2014 13:51

Ông Đỗ Đình Ngô và mô hình ấp trứng

Cựu chiến binh Đỗ Đình Ngô tâm sự: Ông và Công ty gia cầm Thắng Lợi của ông phải trải qua một chặng đường dài đến cùng cực. Có những lúc tưởng như đang đi trên bờ vực thẳm. Chỉ cần chao đảo một chút là cả cuộc đời và sự nghiệp đổ sụp. Vậy mà, ông đã vượt qua.

Chẳng tiếc đời xanh…

Người nông dân, thương binh Đỗ Đình Ngô thường được người dân Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội gọi trìu mến “ông Ngô ấp trứng”. Ông sinh năm 1950, lam lũ từ nhỏ, sống giản dị như bao người dân quê ông. Mấy ai ngờ, trong cái bình dị của người thương binh ấy, lại ẩn chứa một tấm lòng yêu nước thiết tha, một ý chí vươn lên làm giàu đến thế!

Bây giờ, sau mấy chục năm, có dịp kể về những kí ức chiến tranh, giọng ông vẫn hào sảng “tiếng súng đạn”: Những năm đầu kháng chiến,  xót xa, uất hận chứng kiến cảnh bà con cô bác bị giặc chém giết, sát hại dã man, Ngô tình nguyện ông gia nhập Quân đội đánh giặc cứu nước, cứu dân khi mới 17 tuổi. Trải qua 2 tháng huấn luyện ở Sư đoàn 320, đóng tại tỉnh Hòa Bình, ông vào Nam, cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh. Năm 1973, trong một trận chiến đấu ông bị thương vào tay phải.

Ông tâm sự: “Sống sót trở về, lấy vợ, sinh con là niềm hạnh phúc. Tôi may mắn hơn bao đồng đội khác. Vì thế, lúc nào tôi cũng tâm niệm phải sống trọn tình, vẹn nghĩa, cho cả những người đã nằm xuống vì sự bình yên của Tổ quốc”.

Thành công nối tiếp thành công

Sau gần 8 năm tham gia kháng chiến, phục vụ Quân đội, tháng 6/1975 ông Đỗ Đình Ngô xuất ngũ. Trở về địa phương chỉ còn một cánh tay, song ông đã vượt lên thương tật, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Ông bảo, đó cũng là “cuộc chiến” không đơn giản. “Mặt trận kinh tế” luôn tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ, chỉ chút sơ sểnh cũng phải trả giá. Với ông, trước đây cuộc chiến nơi chiến trường là để bảo vệ chân lí thiêng liêng của Tổ quốc. Giờ đây, ông lại “chiến đấu” trên “mặt trận kinh tế” để sinh tồn và xây dựng quê hương trên con đường đổi mới.




Ông Đỗ Đình Ngô giữa trang trại gà tại Công ty Thắng Lợi.

Ban đầu công ty gặp không ít khó khăn: Nào vốn, mặt bằng xây dựng, thuê nhân công; cả sự phản đối từ gia đình, bạn bè. Sau bao nỗ lực ông đã thuyết phục được mọi người. Ông mạnh dạn đón thầy về dạy cách ấp trứng bằng dầu và 3 tháng sau ông có thể tự ấp được. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên mẻ ấp đầu tiên thất bại. Hết vốn, đêm nằm dằn vặt không ngủ được, chợt nhớ những ngày quân ngũ, dưới “mưa bom bão đạn”, biết bao nguy hiểm còn không chết, nay cớ sao phải chịu đầu hàng số phận? Ông tiếp tục vay vốn, bắt đầu lại kiểu như người dò đường.

Sau nhiều năm vất vả, sóng gió cũng trôi qua, bình minh của sự ấm no dần hé lộ đối với ông. Giờ, 64 tuổi, với 33 năm kinh nghiệm làm nghề ấp trứng, từ chỗ 3-4 trăm quả, nay tăng thêm vài triệu quả. Để mở rộng sản xuất, ông chuyển đổi gần 4.000 m2 đất phát triển trang trại, đầu tư nuôi 10.000 con gà đẻ trứng và gần 1.000 con ngan đẻ; mua sắm trang thiết bị phục vụ ấp trứng và 3 ô-tô vận chuyển giao hàng. Hiện gia đình ông có 20 máy ấp trứng, công suất 50.000 quả/đợt. Gà giống nở ra được bán ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc và khu vực miền Trung.

Bà Chu Thị Chính, vợ ông Ngô cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, hoàn cảnh khó khăn, con đàn nheo nhóc, nhưng ông luôn nghĩ mình sẽ chiến thắng cái đói, cái nghèo, vượt lên số phận. Nghe chồng bàn tính chuyện làm ăn, tôi rất lo, làm kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngộ nhỡ thua lỗ… Nay thấy thành quả đạt được hiển hiện, nhiều lúc tôi không tin nổi”.

Khi kinh tế gia đình phát triển, ông Đỗ Đình Ngô mới có điều kiện giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt là các hội viên và con em cựu chiến binh. Ông hỗ trợ con giống, truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh gia cầm cho nhiều hộ gia đình khác. Nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn được gia đình ông giúp đỡ đã vươn lên ổn định cuộc sống. Bây giờ, Công ty Giống gia cầm Thắng Lợi của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 20 lao động. Công ty có chế độ đãi ngộ khá tốt với người lao động: Nhân viên được cấp bảo hộ lao động; người ở xa được bố trí ăn, ở tại công ty. Mỗi năm ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo của địa phương hơn 20 triệu đồng.

Công nhân Bùi Thị Hoài, 20 tuổi, Hà Nội, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi làm ở công ty của chú Ngô. Công việc không vất vả lắm, lương hai vợ chồng được 6 triệu đồng/tháng, so với cuộc sống ở quê là ổn định. Không những được học việc, vợ chồng tôi thường xuyên được chú Ngô quan tâm, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ nhiều”.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm qua, hộ ông Đỗ Đình Ngô được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2011, ông được Chính phủ tặng Bằng khen về phát triển kinh tế. Cơ sở chăn nuôi gà, ngan đẻ trứng và ấp trứng của gia đình ông là một trong số các mô hình điểm để mọi người đến tham quan, học tập.

Hồ Phương Phúc/ ĐCSVN, 14/2/2014.