18/10/2016 08:10

Ông Chiến thoát nghèo với mô hình nuôi chim bồ câu lồng tre

Ông Chiến (áo xám) đang giới thiệu về mô hình nuôi chim bồ câu ta

bằng lồng tre cho khách tham quan


Ông Chiến và bà Tình không có lương, giờ đã ở tuổi 66, con cháu cũng không khá giả nên ông bà tự xoay xở cuộc sống hàng ngày. Trước đây ông cũng chăn nuôi gà đẻ, lợn nái, lợn thịt…chẳng qua cũng chỉ là bỏ công làm lời, mà công sức bỏ ra lại khá nhiều. Giờ đây phần vì thị trường bấp bênh, phần vì sức khỏe không đáp ứng được nên ông Chiến không tập trung vào những vật nuôi ấy nữa. Học hỏi qua sách báo và đi thực tế, cộng thêm sự sáng tạo trong quá trình lao động, ông đã thành công trong việc nuôi chim bồ câu ta trong lồng tre với chi phí đầu tư vốn thấp, thu nhập ổn định lại phù hợp với sức khỏe tuổi già.

Sinh hoạt tại CLB Liên thế hệ tự giúp nhau số 2, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 2014 ông Chiến được CLB cho vay vốn với số tiền 5 triệu đồng, ông đầu tư làm chuồng, mua hơn 20 đôi chim giống và thức ăn cho chúng. Cách làm chuồng chim của ông Chiến khá đơn giản, chi phí lại thấp, thậm chí có thể tận dụng được nguyên liệu ngay tại nhà mình. Ngôi nhà của những chú chim là những chiếc lồng, mỗi lồng rộng 5-7 m2 và được ngăn thành nhiều ô lồng, mỗi ô lồng có thể tích 0,25 khối và dành cho 1 cặp chim bố mẹ. Những chiếc lồng này được làm bằng tre, nứa luồng hoặc bằng gỗ tạp nên rất dễ làm. Lồng nuôi bồ câu được ông Chiến để ở nơi khô ráo, thoáng mát; còn nguồn thức ăn chủ yếu là lúa, gạo, bột ngô. Ông chia sẻ: “Cho bồ câu ăn từ 1 - 2 lần/ngày, không cho ăn nhiều vì sẽ không tiêu hóa kịp, dễ sinh bệnh, các cặp chim không nên cùng chung sống với nhau, bởi sẽ làm giảm hiệu quả sinh sản. Đó là lý do mà chuồng bồ câu cần phải chia thành những ô lồng cho mỗi cặp. Ngoài ra, việc phân chia này cũng giúp người nuôi dễ theo dõi xem chú chim nào sinh sản tốt, chú nào bị bệnh để có biện pháp chăm sóc hợp lý”.

 

Khách tham quan mô hình nuôi chim bồ câu của vợ chồng ông Chiến


Bà Tình cho biết thêm: “Vì có 2 ông bà nên chúng tôi chỉ nuôi khoảng 200 con cộng thêm nuôi gà, trồng rau để cải thiện và làm 5 sào ruộng vừa lấy gạo ăn vừa cung cấp thức chăn cho bồ câu. 2 ông bà làm bấy nhiêu là vừa sức, khỏe người lại đỡ gánh nặng cho con cháu. Tôi nghĩ mô hình này mà các bạn trẻ làm với quy mô lớn thì kinh tế sẽ rất khá”

Hiện nay, với mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm trong lồng tre, mỗi tháng ông Chiến bán được 70-80 đôi, thu lãi từ 4 -5 triệu đồng. Ngoài ra, nếu bà con trong vùng ai có nhu cầu muốn mua chim bồ câu làm giống, ông bà cũng chọn cho những đôi khỏe đẹp; đồng thời ông bà còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi và làm chuồng sao cho hiệu quả.