29/02/2016 00:32

Những kinh nghiệm hay từ một cán bộ hội năng động

Nghe cán bộ các địa phương kháo nhau về ông: "Từ ngày ông làm trưởng ban, phong trào NCT cứ như diều gặp gió" tôi đã tò mò. Đến khi được tiếp xúc, làm việc với ông, tôi càng khẳng định ông nói được, làm được. Việc gì ông triển khai đều đã được cân nhắc, suy tính kĩ lưỡng. Mỗi khi chợt nảy sinh ý tưởng, ông đều gọi điện chia sẻ với những người liên quan, để cùng tìm cách sao cho công việc trôi chảy, hiệu quả nhất. Ông là Nguyễn Văn Xuất, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Phú Thọ, người luôn đau đáu, tâm huyết với công tác hội và hội viên…

 

 

Ông Nguyễn Văn Xuất

 

Ông Xuất đã trải qua các cương vị cán bộ Ty Nông nghiệp, Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu; từng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Là người biết chọn việc làm, sắp xếp khoa học, bài bản việc cần xử lí trước sau, ông đã khiến cán bộ hội dưới quyền phải "tâm phục khẩu phục". Ông quan niệm, làm đến đâu căn cơ đến đấy, không chạy theo thành tích, không ào ào phong trào mà vững chắc từng bước, từng việc. Khi triển khai phải tìm cách sao cho hiệu quả nhất, làm điểm rồi nhân ra diện rộng. Chỉ nhìn cách ông hướng dẫn tổ chức đại hội điểm ở cơ sở và tổ chức phát động "Tháng hành động vì NCT" cũng thấy vai trò của một cán bộ hội năng động, tâm huyết.

Ông đích thân về tận địa phương, trao đổi với lãnh đạo huyện, thống nhất về chủ trương, rồi cùng cán bộ Hội xuống xã, làm việc với cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan chuẩn bị chu đáo từ trang trí khánh tiết, cơ sở vật chất, đến các bài diễn văn, tham luận, nhân sự... Cách tổ chức bài bản này không chỉ kéo được cấp ủy, chính quyền vào cuộc; mà còn tạo ấn tượng tốt đẹp trong Nhân dân và cán bộ cơ sở, được lãnh đạo các cấp đánh giá cao. Với quan điểm đó, cách làm đó, ông chỉ đạo làm điểm phát động "Tháng hành động vì NCT" ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, chỉ trong một ngày thu 165 triệu đồng vào Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT; trong tháng 10, xã này tiếp tục thu 40 triệu đồng. Từ chỗ không có quỹ, Phú Lộc đã có hơn 200 triệu đồng chi cho các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Tới đây, tỉnh Phú Thọ sẽ tổng kết đưa mô hình này vào tổ chức hội thảo rồi nhân rộng ra toàn tỉnh. 

Phải bằng nhiều cách xây dựng nguồn quỹ mạnh, có vậy mới chủ động chi tiêu các công việc của Hội. Trong khi điều kiện kinh tế, xã hội nhiều khó khăn, dân còn nghèo, nhận thức hạn chế; doanh nghiệp đang phải bươn chải trên thương trường thì việc xã hội hóa các nguồn quỹ thật không đơn giản. Đặc biệt, Chân quỹ ở các chi hội mới thực sự là nguồn chăm lo sát sườn cho hội viên. Xác định tầm quan trọng đó, khi thấy một hội viên xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa tự nguyện đăng kí đóng góp Chân quỹ 10 triệu đồng, ông Xuất nắm bắt ngay. Ông khuyến khích: "Nếu một doanh nghiệp góp 5 hay 10 triệu đồng cho chi hội thì đơn giản đó là làm từ thiện. Nhưng việc hội viên đóng Chân quỹ cùng mức thì mỗi năm theo lãi suất ngân hàng không chỉ góp thêm cho chi hội hàng trăm nghìn đồng, mà quan trọng hơn cả chính là động cơ, ý thức xây dựng Hội". Ông quyết định đề nghị Trung ương Hội tặng Bằng khen cho hội viên đó. Ban đầu, hội viên này định đóng góp 10 triệu đồng, nhưng nhiều người khác đề nghị rút xuống để còn phấn đấu theo, trong số đó có người đã đóng 3 - 4 triệu đồng. Đến nay, 20% số hội viên chi hội đóng từ 1 triệu đồng trở lên. Cũng từ nguồn quỹ này, Hội NCT xã Vụ Cầu bố trí được phụ cấp cho các chi hội phó.

"Khi có cán bộ tốt, nguồn lực tốt, cộng thêm tổ chức tham mưu, phối hợp tốt thì làm việc gì cũng dễ", ông Xuất chia sẻ. Theo ông, cán bộ hội phải có uy tín, sức khỏe, tâm huyết với công việc; đồng thời có năng lực vận động thuyết phục quần chúng và cả lãnh đạo, cơ quan hữu quan; hoàn cảnh gia đình thuận lợi về kinh tế, thời gian, được con cháu, người thân ủng hộ. Để làm tốt công tác, phải thường xuyên bám sát, có mặt ở cơ sở, ăn ngủ với đồng bào. NCT sức khỏe, quỹ thời gian không nhiều, nên việc gì không làm được thì thôi, nhưng đã làm phải đến nơi đến chốn, làm chuẩn mực cho thế hệ trẻ noi theo.

Trong khi ở nhiều nơi, một số doanh nghiệp lạm dụng làm dịch vụ gây phiền hà cho NCT thì ông Xuất vẫn "bắt tay" với họ; song ông soạn thảo một bản quy định quyền lợi, trách nhiệm, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp và các cấp Hội trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, có giám sát. Một "mũi tên" của ông trúng hai đích, doanh nghiệp vừa có thể kinh doanh thu lợi nhuận, vừa tích cực tham gia vào hoạt động xã hội hóa của Hội cơ sở, hỗ trợ không nhỏ đẩy mạnh các phong trào NCT. 

Được biết, tỉnh Phú Thọ đang chuẩn bị cho chiến dịch rà soát, tổng điều tra lại cơ cấu hội viên, NCT... để có biện pháp chăm sóc, phát huy phù hợp và ông Nguyễn Văn Xuất cũng hé lộ đã có kịch bản cho việc tự chủ về tài chính của Hội trong tương lai.

Nguồn: Báo Người cao tuổi