30/04/2015 02:22

Người truyền bức điện ‘Thần tốc...’ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đó là cựu chiến binh Nguyễn Bá Lứu, trú tại thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Khi truyền bức điện của Đại tướng, ông Nguyễn Bá Lứu là chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc.

Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện khẩn được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.

Người truyền bức điện ấy chính là chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Lứu. Ông đã chuyển mệnh lệnh đặc biệt quan trọng của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh cho các cánh quân đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến, kịp thời chớp thời cơ quý báu tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 


Chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Lứu. Ảnh: HL


Ông Lứu kể, vào tháng 12/1971, ông cùng đồng đội rời quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện, Nguyễn Bá Lứu được cử đi học để chuyển sang Binh chủng Thông tin liên lạc. Tháng 9/1972, ông được điều về Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Cũng từ đây, ông gắn bó gần 12 năm với công việc của người báo vụ, chuyển điện đi, nhận điện về. Đến nay, bản thân ông Lứu cũng không thể nhớ mình đã nhận và chuyển đi bao nhiêu bức điện. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm quân ngũ của ông chính là việc đã nhận và chuyển bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong không khí sôi nổi cả nước kỷ niệm 40 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Cự chiến binh Nguyễn Bá Lứu xúc động nhớ lại: Vào sáng ngày 7/4/1975, ngay đầu ca trực, ông được Tiểu đoàn trưởng quán triệt: phải bảo đảm liên tục giữ vững liên lạc thông suốt, yêu cầu nhận điện đến, chuyển điện đi nhanh, gọn, chính xác tuyệt đối. Khi bức điện lịch sử này đến tay ông, cũng giống như các bức điện khác đều được mã hóa nên ông không hiểu nội dung. Lúc bấy giờ, ông chỉ biết xác định mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Do tín hiệu tốt, thao tác nhanh, chính xác nên ông cùng đồng đội chỉ mất khoảng 15 phút là chuyển xong. Ông Lứu cho biết, là người báo vụ, nhận điện về hay chuyển điện đi đều không biết nội dung. Mãi sau này, ông mới biết được bức điện đó là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng rất tự hào vì đã hoàn thành trọng trách lịch sử quân đội đã giao.

Theo hồi tưởng của người báo vụ năm xưa, vào những ngày tháng 4/1975, là thời kỳ rất sôi động, miền Nam chiến thắng ròn rã. “Chúng tôi là những người báo vụ cũng vui lây, hào hứng, trách nhiệm nặng nề, đồng thời cũng phải xác định là quyết tâm không để xảy ra sai sót. Bởi nếu sai sót chỉ một chữ thôi là ảnh hưởng đến độ tiến công của toàn miền Nam, không được phép sai. Sai xin lại thì coi như là bị chậm. Vậy nên, chúng tôi cố gắng phân tích tín hiệu như thế nào để đúng nội dung của nó, phân theo nhóm, giao cho cơ yếu dịch. Cơ yếu sau khi dịch xong chuyển trở lại và phát vào trong miền Nam” – Ông Lứu bồi hồi nhớ lại.

Vào ngày 30/4/1975, ông cùng đồng đội trực suốt từ đầu giờ sáng đến 2 giờ chiều. Cùng với cập nhật thông tin chiến thắng từ mọi ngả chiến trường, ông cùng đồng đội còn mở đài nghe Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Ai nấy vô cùng vui sướng đến quên cả ăn cơm. Ông Lứu cho biết, thời điểm đó không ăn cũng không thấy đói, bởi cả ông và đồng đội đều quá vui mừng trước tin chiến thắng.

Sau giải phóng, chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Lứu trở về với đời thường. Mỗi khi rảnh rỗi ông lại mang chiếc cần ma-níp đã hỏng xin được của đơn vị làm kỷ niệm ra khoe mọi người, như để nhắc lại một thời hoa lửa hào hùng.

Nguồn: ĐCSVN/ Huy Lê