Tại làng BơHôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam có một già làng luôn tâm huyết với văn hóa truyền thống của tổ tiên người Cơ Tu. Hằng ngày, ông đến nhà Gươl của làng để hướng dẫn cho lớp thanh niên trong làng từ cách đánh trống, đánh chiêng đến cách quấn từng tấm choàng, tấm khố và tận tâm bày cho lớp trẻ Cơ Tu biết đan lát.
Ông là già làng Bh'Nướch Bảo (77 tuổi), dân tộc Cơ Tu, là người đan lát đẹp nhất nhì huyện Đông Giang hiện nay.
|
Già làng Bh'Nướch Bảo (ngồi giữa) truyền nghề đan lát cho lớp trẻ Cơ Tu BơHôồng 1. |
Già làng Bh'Nướch Bảo cho biết: Người Cơ Tu luôn xem nghề đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống có tầm quan trọng trong đời sống hằng ngày, vì nó giúp người Cơ Tu giảm bớt sức lao động để vận chuyển lương thực, thực phẩm về nhà. Kỹ thuật đan lát của người Cơ Tu rất phức tạp, vì vậy, để đan được sản phẩm đòi hỏi sự chịu khó và kiên nhẫn. Tuy nhiên, không phải đàn ông Cơ Tu nào cũng biết đan lát. Tùy thuộc vào từng sản phẩm và công dụng của từng loại mà đan cho phù hợp. Gùi vận chuyển lúa, gùi gạo, gùi muối... thì thân gùi phải kín và được đan với nan long mốt bằng mây với dạng hình thang cân và lớn. Đối với gùi trẻ em (p'reng), gùi đựng đồ đựng trang sức và gùi thổ cẩm có nắp, gùi đựng vật dụng trong các lễ hội truyền thống thì được đan bằng mây vót mỏng với lối nan long mốt, kết hợp với kỹ thuật đan chéo phức tạp, dáng hình ống, vành miệng trên tròn và đáy hình vuông. Với gùi 3 ngăn của đàn ông Cơ Tu (tà lét) được đan nan long mốt kết hợp với nhiều kỹ thuật đan tinh xảo khác nhau, nguyên liệu chủ yếu là dây mây, tạo cho gùi này có nét riêng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng núi Quảng Nam, nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống, vốn có sẵn nhiều loại mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác..., đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề thủ công phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, săn bắn, hái lượm. Khi nguyên liệu được khai thác về, tùy từng loại sản phẩm mà họ có thể đem ngâm ở khe suối hoặc chẻ ra rồi vót thành nan, đặt trên giàn bếp để khỏi bị mọt, tạo cho sản phẩm có độ bền và màu sắc đẹp hơn. Mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: Thân gùi được đan bằng mây, xung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy trở lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Đồng bào Cơ Tu ở vùng cao huyện Tây Giang thường thiết kế thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to. Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song... vót mỏng hoặc vỏ cây lạch. Nếu đan bằng mây thì dây bền chắc hơn. Còn đồng bào Cơ Tu ở vùng Trung, huyện Nam Giang và Đông Giang thì thiết kế gùi có miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau và đế gùi bao giờ cũng được đan bằng mây (sợi lớn). Thông thường, tuổi thọ của một gùi từ 20-25 năm và phải dùng đến hai lần dây.
Những ngày cuối tháng 12-2013, có dịp lên Trường Sơn công tác, chúng tôi ghé lại Làng văn hoá BơHôồng 1, xã Sông Kôn để thăm già làng Bh'Nướch Bảo. Trong căn nhà nhỏ nằm núp mình bên con suối Mơ Tua, trưng bày hàng chục cái gùi lớn nhỏ và nhiều loại sản phẩm khác được đan bằng mây như dụng cụ để bắt cá, giỏ dựng cá, nia sẩy lúa, mâm ăn cơm, mâm dùng trong cúng lễ, các loại gùi to nhỏ, thưa, dày... Những sản phẩm này cho thấy nét tinh xảo, độc đáo và gắn liền với truyền thống sinh hoạt, văn hóa bao đời của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn cũng như sự dày công của các nghệ nhân đan lát.
Già làng Bh'Nướch Bảo kể rằng, ngày trước, muốn có một cái gùi ba ngăn của đàn ông Cơ Tu (ta lét) đẹp và chắc, người Cơ Tu phải vào rừng sâu để tìm những loại mây chắc như mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám... Thời gian để hoàn thành cho loại gùi này từ 2 - 3 tháng. Đối với những cái gùi củi, gùi sắn, gùi khoai... đan bằng mây nước, chỉ đan hai, ba ngày là xong; những cái đẹp hơn thì phải đan vài tháng mới hoàn thành. Một cái gùi đan công phu bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng khoảng 30 năm. Khi không dùng, bà con treo gùi trên giàn bếp, vì thế, những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền vì không bị mối mọt hay ẩm mốc. Hiện nay, trong thôn này chỉ còn vài người đan được loại gùi đẹp như già Bh'ríu Prâm, Bh'ríu Thiện, Alăng Bảy... Tuy nhiên, mắt của các già ngày càng kém đi, tay chân đã yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Vì vậy, bản thân các già phải dạy cho lớp trẻ BơHôồng 1 biết đan gùi và quý trọng văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
Anh Bh'ríu Tình, Trưởng thôn BơHôồng 1, cho biết: "Bh'Nướch Bảo với tác phong miệng nói tay làm và lòng nhiệt tình, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của mình, một già làng luôn tâm huyết với văn hóa truyền thống của tổ tiên người Cơ Tu. Ông đang cùng với Hội đồng già làng không những tận tâm dạy bảo cho lớp thanh niên trong làng từ cách đánh trống, đánh chiêng đến cách quấn từng tấm choàng, tấm khố, mà còn bày cho lớp trẻ BơHôồng 1 biết đan lát. Hằng năm, làng này làm ra nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ du lịch và giải quyết được một số lao động dư thừa đáng kể. Chính nhờ vậy mà lớp trẻ của BơHôồng 1 hôm nay không bỏ nghề đan lát truyền thống của tổ tiên. Có thể nói, già làng Bh'Nướch Bảo là một trong những tấm gương sáng của bà con Cơ Tu BơHôồng 1 chúng tôi".
Nguyễn Văn Sơn (bienphong*com*vn, 1/2/2014).