12/12/2016 09:01

Người lính phát triển kinh tế giỏi trong thời bình

Là một người lính trở về với cuộc sống đời thường, trước những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền của cuộc sống, ông Lê Đình Kháng ở thôn Đại Đồng, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua những khó khăn, thách thức để từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại, vươn lên ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước làm giàu trên chính quê hương của mình.

Tìm về trang trại nuôi lợn nái của ông Lê Đình Kháng, trò chuyện với chúng tôi, ông không ngần ngại chia sẻ những thành công cũng như những khó khăn trên con đường đầu tư chăn nuôi của mình: Sau khi xuất ngũ trở về với cuộc sống thời bình, ông luôn trăn trở, mình phải làm gì để vượt qua khó khăn, đói nghèo, làm sao để xứng danh với danh hiệu là anh bộ đội cụ Hồ?. Từ những trăn trở đó, đầu năm 2004 ông Kháng quyết định thuê 1,5 ha ao tại thôn Đại Đồng, xã Tế Thắng. Bước đầu ông mạnh dạn mang hết số vốn của gia đình dành dụm, tiết kiệm bao năm để đánh đổi lấy 200 con vịt đẻ trứng. Sau một thời gian chăm sóc thì đàn vịt cũng đã cho “quả thơm”. Trừ hết chi phí lãi thu về được khoảng 200 triệu đồng, thế nhưng lúc bấy giờ thị trường buôn bán nghề nuôi vịt đẻ có sự rủi ro cao cho nên ông đã có quyết định cho hướng đi mới đầy chông gai và thử thách.

 

Trang trại 1,5 ha với số lượng 1.000 lợn thịt của gia đình ông Lê Đình Kháng


Sau hai năm chăn nuôi vịt đẻ có những thành công nhất định và cũng không ít khó khăn vất vả, người lính năm xưa đã có bước đi mới khiến gia đình cũng như mọi người bất ngờ. Ông Kháng mang hết số tiền đã tích góp được đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn nái theo hướng công nghiệp hóa. Với tinh thần là tiến lên chứ không lùi bước, bỏ qua những lời khuyên, góp ý từ gia đình, bạn bè, người thân, cũng như chưa từng trang bị cho mình kiến thức về chăn nuôi, ấy vậy mà ông Kháng vẫn có quyết định táo bạo đi mua về 10 con lợn nái lai ngoại ở trại Bích, tỉnh Ninh Bình. Sau một năm, ông Kháng đã có được thành công nhất định, lứa lợn con đầu tiên với 74 con đã được nuôi lớn và xuất thịt. Tuy nhiên, đến năm 2008, lứa lợn con thứ hai của ông hoàn toàn trắng tay, mặc dù đã được tiêm phòng đủ tiêu chuẩn cũng như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nhưng dịch bệnh tai xanh đã càn quét hầu như khắp các tỉnh thành từ miền Bắc vào miền Nam và trang trại của ông Kháng cũng không ngoại lệ. Với chủ trương tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh thì trang trại nuôi lợn của ông đã trở về với con số không tròn trĩnh.

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, gia đình ông Kháng được Nhà nước hỗ trợ cho 140 triệu đồng. Cầm được số tiền hỗ trợ trên tay, ông lại tiếp tục đầu tư vào nuôi lợn nái và cũng bắt đầu mua 10 con giống nhưng lần này ông mua giống tại công ty CT Group Việt Nam. Năm 2011, ông được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng và số tiền này đủ để ông mua thêm trang thiết bị máy móc cũng như đi tham quan các mô hình chăn nuôi tương tự. Đồng thời, ông Kháng cũng trang bị thêm kiến thức chăn nuôi cho mình bằng việc tham gia lớp học quản lý trang trại do giáo viên trường Nông nghiệp I về giảng dạy tại xã.

Sau thất bại ở lần nuôi đầu tiên, ông Kháng đã có được nhiều kinh nghiệm cũng như có thêm được kiến thức trong chăn nuôi lợn nái và ông đã cẩn thận hơn trong tất cả các khâu chăn nuôi, với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì mỗi ngày trung bình lợn mẹ ăn hết 2,5 kg bột, chia làm 2 bữa sáng và chiều. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe của đàn lợn vẫn được chú trọng hơn, mỗi tuần chuồng trại được phun thuốc sát trùng một lần và mỗi con lợn thịt từ khi nhỏ đến khi xuất chuồng cũng được chăm sóc kỹ càng hơn (5 mũi tiêm vacxin/con).

Kể từ khi dịch bệnh tai xanh hoành hành đến giờ, trang trại gia đình ông Kháng vẫn chưa có thêm bệnh nào tương tự như vậy. Hiện nay, số lượng lợn nái của trang trại đã tăng lên 200 con và lợn thịt là 1000 con. Mỗi tháng gia đình ông xuất chuồng khoảng 20 tấn lợn thịt, thị trường chủ yếu là sang Trung Quốc. Trừ hết chi phí, mỗi năm số tiền lãi thu về là hơn 1 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông luôn được giữ sạch sẽ thoáng mát và đã được UBND huyện Nông Cống, UBND tỉnh Thanh Hóa chứng nhận đảm bảo vệ sinh chăn nuôi. Đầu năm 2016, huyện Nông Cống đồng ý cho gia đình ông thuê diện tích trang trại trên với thời gian 50 năm. Ông Lê Đình Kháng chia sẻ:“ Trang trại hiện tại đang được chia làm 6 khu để tiện cho việc chăm sóc cũng như kiểm soát dịch bệnh, trong đó 3 khu dành cho lợn mẹ, 3 khu dành cho lợn con (lợn thịt), sắp tới nếu tìm được mặt bằng và được ngân hàng cho vay vốn, tôi sẽ tiếp tục mở thêm một trang trại quy mô và hiện đại hơn”.

 Với niềm đam mê chăn nuôi cùng với ý chí kiên định, ham học hỏi của mình giờ đây trang trại gia đình ông Kháng đang là mô hình của bao nhiêu hộ dân khác, ông đang tham gia nhiều lớp học để trang bị thêm kiến thức chăn nuôi cho mình. Ngoài ra, ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như bí quyết thành công của mình cho mọi người khi họ tìm đến trang trại của ông.

Bà Trần Thị Huế, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nông Cống cho biết: “Hiện tại toàn huyện có 348 trang trại, gia trại, trong đó gia đình ông Lê Đình Kháng thuộc top 1 về tốc độ phát cũng như về kinh tế, từ năm 2005 huyện đã đưa mô hình nuôi lợn nái vào xã Tế Thắng đầu tiên và gia đình ông Kháng là một trong những gia đình phát triển tốt nhất, định hướng của huyện cuối năm 2016 sẽ đưa trang trại của ông Kháng trở thành doanh nghiệp về chăn nuôi và là mô hình trang trại điểm của toàn huyện”.