01/12/2014 09:08

Người hành nghề thuốc Nam hơn 40 năm không nghỉ

Ông Triệu Tiến Phúc, 65 tuổi, dân tộc Dao ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cười tươi “khoe”: Trước đây, tôi làm nghề thầy giáo tiểu học trong xã nhiều năm. Sau này, được người cha nuôi dân tộc Mường là cụ Trần Minh Giai truyền cho nghề thuốc Đông y gia truyền. Từ đó, tôi ham mê gắn bó với nghề thuốc hơn 40 năm nay. Khoảng 4 – 5 năm lại đây, tôi chữa cho hơn 10 nghìn người, nhiều trường hợp viện trả về, họ tìm đến tôi chỉ vài tuần thuốc là đỡ hẳn hoặc khỏi bệnh. Trong cuộc đời tôi sướng nhất là được họ nhớ đến mình…

1
Ông Triệu Tiến Phúc.

Vào ngày thứ bảy, chúng tôi tìm đến nhà thầy lang Triệu Tiến Phúc, đi hết thị trấn huyện Thanh Sơn, rồi đi tiếp theo con đường nhựa lớn độ 50 cây số nữa mới đến nhà thầy Phúc ở xã Võ Miếu. Đến nơi, thấy ngoài hiên nhà, có khoảng 5 – 6 người vừa uống nước, vừa nói chuyện vui vẻ. Tôi cất tiếng: “Xin chào các bác”. Mọi người cùng quay ra nhìn chúng tôi, chào đáp lời. Hóa ra họ là khách đến kể bệnh và lấy thuốc. Người đàn ông tầm thước, dáng nhanh nhẹn bước ra, miệng tươi cười: “Mời các chị vào uống nước, hai chị là nhà báo? Trời mưa rả rích suốt từ tối qua đến nay, vậy mà nhà báo vẫn lên được, quý hóa quá”.

Trong câu chuyện, biết ông Triệu Tiến Phúc, hồi còn nhỏ đã sáng trí, tâm tốt, lại nhanh nhẹn, khỏe khoắn, nên được cha nuôi truyền bí quyết, kinh nghiệm bao đời làm thuốc. Cụ bảo: “Làm nghề thuốc, trước hết phải nghĩ để cứu người, không có lòng tham mới làm được. “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”, nếu chữa bệnh chỉ cốt kiếm nhiều tiền thì cái thuốc tự nhiên nó mất hiệu nghiệm”. Từ đó, ông Triệu Tiến Phúc chuyên tâm học nghề thuốc, vào rừng, lên núi hái lá rừng, nhân giống cây thuốc quanh đồi, vườn nhà. Khi cụ Giai về cõi vĩnh hằng, cụ đã kịp truyền được nghề thuốc cao quý cho ông.

Ông Triệu Tiến Phúc chữa bệnh cho nhiều người thoát khỏi tử thần. Ông càng say mê, càng tâm huyết rồi trở thành một thầy lang nổi tiếng khắp vùng, nhiều người bệnh chỉ cần người nhà kể thật chính xác về bệnh tình, ông vẫn lấy đúng thuốc cho uống và xoa bóp để phục hồi chức năng, nhanh khỏi, chỉ dùng trong một tuần, đã có hiệu quả. Những bệnh ông Phúc chữa có hiệu quả như: Tai biến mạch máu não, rối loạn tâm thần, động kinh, u não, méo mồm, lác mắt; vôi hóa cột sống, sảy thai, đẻ non, ỉa chảy, kiết lị, lao phổi, huyết áp, thấp khớp, sỏi thận, sỏi bàng quang, gan, thận, viêm đường tiết niệu, trĩ nội, trĩ ngoại, v.v…

Hơn 40 năm qua, ông Triệu Tiến Phúc vừa kết hợp chữa bệnh theo những bài học kinh nghiệm của cha nuôi, vừa tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo kết hợp với kinh nghiệm mới, ông đúc kết được rất nhiều bài học quý giá cốt sao cho người bệnh nhanh chóng hồi phục, khỏi hẳn vừa để làm cho người mắc bệnh không bị đau đớn, gia đình không tốn kém nhiều tiền, đi lại… Ông thổ lộ: “Trong lòng tôi lúc nào cũng hồi hộp khi chữa bệnh, chỉ mong cho họ khỏi, mỗi tuần qua đi được nghe nói bệnh đỡ là tôi phấn chấn hẳn lên. Khi một người bệnh được tôi chữa khỏi, tôi thấy mình hạnh phúc”.

Tôi hỏi: – Chữa bệnh hiệu quả như vậy, ông lấy tiền cao không?

- Chưa khi nào tôi nghĩ chữa bệnh cốt để lấy tiền, đó không phải là cách sống của tôi, lương tâm không cho phép làm điều đó. Những người nghèo, khó khăn tôi mong họ khỏi nhanh chẳng lấy đồng nào, còn những người khác, nếu có lấy tiền chỉ gọi là chút ít. Tôi nhớ cha nuôi khi còn sống từng dạy bảo: “Cứu người là làm cho cái tâm mình trong sáng hơn, đừng bao giờ để cho đồng tiền cám dỗ mất lương tâm”. Chính mình thực hiện được điều cha nuôi dạy, tôi lại bày cho con tôi cách tìm cây thuốc, hái lá trong rừng, mỗi loại cây, mỗi thứ lá có tác dụng chữa từng loại bệnh khác nhau, có nhiều cây tôi đào trong rừng đem về trồng ngay trong vườn nhà. Tôi nói với các con: “Làm nghề chữa bệnh có y đức cao khó lắm chứ không dễ”. Mấy đứa con trai lớn chịu nghe lời, cũng say mê nghề này lắm và chúng cũng tự hào về tôi. Tôi phải làm được mới dạy được các con theo nghề “làm phúc” này chị ạ”. Ông vui vẻ tâm sự: “Hơn nữa, tôi luôn nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sống trọn đời vì dân, vì nước. Tôi phải học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Vì thế mà tôi không thấy vất vả, tôi càng phải cố gắng hơn nữa”.

Cây thuốc quý ngày càng ít hiếm dần. Ông Triệu Tiến Phúc càng vất vả, phải đi xa hơn, lặn lội hàng buổi trong rừng, nhất là hôm nào trời mưa, đường trơn, lầy lội muỗi, vắt, sâu bọ bám vào người, làm cho ông ngứa ngáy khó chịu, nhưng nghĩ đến người bệnh, ông lại quên hết mệt nhọc tìm bằng đủ thuốc mới về. Ông chỉ mong các ngành quan tâm đến nghề thuốc Nam gia truyền, bởi xung quanh ta, ở đồng bằng, trung du hay miền núi, vùng biển xa xôi đều có cây thuốc quý giá trong thiên nhiên, mọi người cần có ý thức bảo vệ rừng cây, hoa lá… bởi trong mỗi loại cây, mỗi thứ lá đều có thể có chất liệu thuốc quý có thể chữa bệnh cho người và muôn loài động vật, nếu không có ý thức bảo vệ môi trường, e rằng một lúc nào đó, nguồn thuốc Nam sẽ mai một dần và cạn kiệt…

Với phẩm chất cao quý của người tự nguyện làm thầy thuốc Đông y của dân tộc Dao, ông Triệu Tiến Phúc, được vinh danh, được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỉ niệm chương… ông vinh dự được chọn báo cáo điển hình người có nhiều sáng kiến cho sự kế thừa, phát triển nền Đông y Việt Nam vào đầu tháng 12/2014 do Trung ương Hội Đông Y Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bài và ảnh Phan Thanh Hương
(Nguồn: Báo Người cao tuổi).