<!--[endif]--> Ông Lê Khắc Dự - Ảnh: Đặng Tài Tính |
Sinh ra ở làng Ninh Xá, Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ, gia đình có nhiều khó khăn nên hàng ngày ông không được đi học như các bạn cùng trang lứa. Ông chỉ có thời gian đi học bổ túc văn hóa cấp II và cấp III vào ban đêm. Với quyết tâm vươn lên để đạt được ước mơ về nghiên cứu khoa học, ông đã vượt qua mọi khó khăn giành thời gian ôn luyện để thi vào đại học với mác “thí sinh tự do” lúc bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu ngành Thủy sản, Trường Đại học Nông nghiệp I, Kỹ sư Thủy sản Lê Khắc Dự, chàng sinh viên trẻ đã dời Hà Nội lên Hà Giang công tác theo sự phân công của tổ chức. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, việc phân công đó là rất “trái khoáy”. Thế rồi, cơ quan có trách nhiệm đã hiểu ra cái sự “trái khoáy” ấy nên đã điều ông trở về xuôi và đúng lúc UBND tỉnh Thái Bình sau khi tìm hiểu đã lên tận Tổng cục Thủy sản lúc đó xin ông về. Ty Thủy sản Thái Bình đã cử ông phụ trách kỹ thuật ở Trại Nghiên cứu cá Hòa Bình (đóng ở huyện Kiến Xương)…
Lúc đầu, ai cũng cho ông là kẻ liều mạng vì Tổng cục và Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông nghiệp I cũng chỉ dám nghiên cứu cá mè hoa nhập từ Trung Quốc về, còn ông chỉ là lính mới, cả Ty Thủy sản đều không tin ông sẽ thành công. Ông biết rằng, cá mè là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, nhanh lớn, thịt ngon, hàm lượng đạm cao nhưng lại không sinh sản được ở trong ao mà chỉ sinh sản ở sông với những điều kiện nhất định. Trước đây, Thái Bình phải lên Hà Nội hay sang Hưng Yên để mua cá giống, đường xa xấu nên cá con chết nhiều, rất tốn kém.
Năm 1965 - 1966, ông chỉ có trong tay 4 con cá mè đực và 4 con cá mè cái. Sau thời gian say sưa nghiên cứu, ngày 6/5/1966 lứa cá đầu tiên đã đẻ vào lúc 05:30 phút sáng. Lãnh đạo và nhiều cán bộ trong Ty đã xuống tận nơi chứng kiến cá mè đẻ nhân tạo. Lãnh đạo Ty còn đạp xe 10 km lên nơi sơ tán báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh về kết quả này. Nghe tin vui, các ông: Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND tỉnh;… cũng đã xuống xem thành quả bất ngờ này. Bởi lẽ, từ bao đời nay, cá mè không đẻ được ở trong ao, nay nhờ có kỹ thuật mới đã làm cho cá mè đẻ nhân tạo. Từ 4 cặp cá ban đầu đến năm 1967, ông cùng anh em Công ty đã hoàn thành khu bể đẻ, bể ấp cải tiến phù hợp với sự phát triển phôi giúp Ty nhân rộng ra 4 trạm và 27 HTX nông nghiệp trong tỉnh. Ngày 15/9/1967, sau quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, công phu, ông còn cho 8 cặp cá mè trắng và hoa đẻ tái phát dục mà trước đó chưa có tài liệu nào nói đến hiện tượng này và chỉ biết cá mè chỉ đẻ mỗi năm một lần. Viện Nghiên cứu Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản đã đánh giá: “Thành công cá mè tái phát dục của Thái Bình là vấn đề mới của Việt Nam và thế giới cần tập trung nghiên cứu nâng lên thành lý luận”. Sau hơn 10 năm công tác ở Thái Bình, ông đã có 9 công trình khoa học có giá trị ứng dụng hiệu quả trong thực tế được UBND tỉnh cấp Bằng sáng tạo và khen thưởng; trong đó có các đề tài như: Cá mè đẻ nhân tạo và tái phát dục, chiết xuất nội tiết Proland, cá trôi đẻ nhân tạo, cá trắm trắng tái phát dục,...
Với thành tích của mình, ông đã giúp Thái Bình không những có đủ cá giống mà còn giúp một số địa phương khác và tạo việc làm cho người lao động quanh năm, năng suất đạt 200%, giảm một nửa chi phí so với trước đây. Tháng 4 năm 1976, ông vinh dự được cử đi dự Hội nghị “Những người, đơn vị có sáng kiến” và được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại Hội nghị này với 215 gương mặt tiêu biểu toàn quốc, ông là một trong số 13 đại biểu được Thủ tướng tặng hiện vật cao nhất là xe mô tô Vespa và xe máy Simson.
Sau khi nghỉ hưu, ông đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số tổ chức quốc tế mời cộng tác. Từ năm 2003 - 2005, nước Cộng hòa Công-gô đã mời ông sang làm chuyên gia về thủy sản và ông đã giúp cho nước bạn những kinh nghiệm nuôi cá thành công. Rất may là năm 60 tuổi, ông đã quyết tâm học tiếng Pháp để giúp việc nghiên cứu tài liệu được thuận lợi nên khi được mời sang làm chuyên gia thì đã có một số vốn tiếng Pháp. Trong số 50 chuyên gia đi cùng, chỉ riêng ông giành thời gian thu thập, viết tài liệu về nuôi cá phù hợp với điều kiện ở Công-gô làm tư liệu cho nước bạn. Có người còn bảo ông là “dở hơi”, nhưng ông bảo rằng: Nước bạn còn rất nghèo, bạn đã nhờ giúp thì phải làm với kết quả tốt nhất. Năm ông 70 tuổi, ông Bộ trưởng Bộ Thủy sản Công-gô nhân dịp sang công tác ở Việt Nam đã đích thân mời ông sang Công-gô một tháng rưỡi giúp đỡ kinh nghiệm nuôi cá một lần nữa sau khi đọc tập tài liệu của “ông dở hơi”.
Hơn chục năm nay, ông đã cùng vợ và một số NCT làm nòng cốt xây dựng, duy trì CLB sức khỏe ngoài trời phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, trở thành một trong 3 CLB hoạt động tốt nhất của quận Ba Đình. Ông còn làm chủ nhiệm CLB dưỡng sinh tâm thể gần chục năm. Nhờ có CLB này mà nhiều NCT đã khỏi bệnh về cơ xương khớp, sa sút trí nhớ,… Năm nay đã 76 tuổi nhưng ông vẫn thường vui vẻ nói với mọi người trong CLB rằng: Ở CLB chúng ta không có người già./.