12/03/2014 15:26

Ngày mới ở bản Bua 2

Để nói được lời chia tay với cái đói, cái nghèo, 114 hộ dân của bản Bua 2 (xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên) đã trải qua cả một chuỗi dài khổ cực triền miên. Trưởng bản Quàng Văn Nhật cười rất tươi khi nghe tôi nhắc chuyện cũ: "Con ma đói nghèo đã được đồng bào "đuổi" vào rừng rồi. Bản mình năm nay ăn Tết vừa to, vừa vui…".

 

Những mái nhà no ấm.

 

Hương ước xóa nghèo


Lớp người như Trưởng bản Quàng Văn Nhật chẳng bao giờ quên những năm tháng cơ cực của người dân bản mình. Mà đâu có xa, mới chỉ cách đây 5 mùa nương, ở Ảng Tở, cứ nhắc đến bản Bua 2, ai cũng hình dung ra nơi có nhiều cái nhất: Thiếu đói nhất xã, nghèo nhất ở huyện Mường Ảng, nhiều nhà tranh nhất. Mỗi kỳ giáp hạt, ở bản Bua 2 có nhiều hộ được nhận gạo cứu đói nhất... Cho mãi đến năm 2004, khi chi bộ Đảng của bản ra nghị quyết chuyên đề mà nội dung chỉ nhằm tìm ra cách thức làm ăn cụ thể để thoát nghèo, sau đó được "thể chế hóa" bởi một bản hương ước đặc biệt, theo đó, mọi người dân của bản đều phải thực hiện các quy định về xây dựng cuộc sống mới, cùng nhau vượt qua đói nghèo, thì bản Bua 2 mới bừng tỉnh sau những ngày dài ngủ vùi trong nghèo khổ.


Chuyện bắt đầu từ cái chuồng nhốt trâu, bò của người bản Bua 2. Ông Quàng Văn Nhật kể, đồng bào Thái ở đây vốn có tập quán ở nhà sàn, phía dưới sàn là đủ các loại gia súc, gia cầm. Chúng cứ "vô tư" thải ra những gì không thể ở được trong người chúng. Trong khi đó, ăn, ngủ và mọi thứ sinh hoạt khác của con người đều diễn ra trên sàn nhà, mùi phân trâu, phân lợn luôn thường trực trong từng bữa ăn. Ốm đau, bệnh tật cũng theo đó mà "có mặt" thường xuyên với từng thành viên của gia đình. "Ai cũng thấy việc ăn ở như thế là bất tiện, là không văn minh, nhưng chẳng ai chịu thay đổi, bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bản Bua 2" - Trưởng bản Nhật bảo vậy. Thế rồi nghị quyết của chi bộ bản, sau đó là hương ước của bản ra đời. Ông Nhật nhớ lại cái ngày hết sức trọng đại ấy đối với bản Bua 2: "Khi nghe các đảng viên và những cán bộ cốt cán của bản phổ biến chủ trương về việc cho gia súc, gia cầm ra "ở riêng", mỗi nhà đều phải làm chuồng trại để nhốt gia súc, tuyệt đối không được để heo, gà tự do "đi chơi" như trước nữa, cả bản như mở hội. Những cụ lớn tuổi có đôi chút băn khoăn thì những người trẻ giơ cả hai tay lên ủng hộ chủ trương này. Chỉ trong vòng gần một năm, nhà nào cũng có khu chuồng, trại chăn nuôi xây dựng biệt lập...".


Cũng theo Trưởng bản Quàng Văn Nhật, việc cải tạo lại nơi ăn chốn ở không chỉ đơn thuần là để "văn minh" mà cái chính là tạo ra một mô hình vườn - chuồng cho dân bản. Cùng với việc xây dựng chuồng trại, cán bộ khuyến nông của huyện, của xã hướng dẫn cho bà con cách trồng các loại cây ăn quả, rau xanh để cải thiện bữa ăn ngay trong vườn nhà mình, chấm dứt tình trạng "hái lượm" trên nương như lâu nay. Để cho rau được lên xanh tốt, lại phải hướng dẫn cho dân làng cách chăm bón khoa học. Cứ như vậy, từng bước một, với sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, vườn rau, ao cá, chuồng gà, ruộng lúa nước của các hộ trong bản liên tiếp được "chỉnh đốn" đã tạo ra bước phát triển mới. Cũng ruộng vườn ấy, nhưng nay khác hẳn với ngày trước. Từ chỗ ruộng chỉ làm một vụ, nay mỗi năm bản Bua 2 gieo cấy 2 vụ giống mới chắc ăn, năng suất trung bình đạt 6 tấn/ha. Cùng với lúa ruộng, người dân tận dụng, khai thác triệt để diện tích nương ngô, nương lúa trồng thêm hoa màu như lạc, sắn, dong riềng và đậu đỗ các loại với tổng diện tích hơn 20ha. Đặc biệt, người dân bản Bua 2 đã được tiếp cận với kỹ thuật mới, trồng gần 70ha cây cà phê và hơn 10ha cây cao su...


Những "con người mới" của bản làng


Chúng tôi theo Trưởng bản Quàng Văn Nhật đi một vòng quanh bản. Tây Bắc đang là đỉnh điểm của mùa khô, nhưng ở bản Bua 2, vườn nhà nào cũng xanh mượt những luống rau. Cạnh đó là những bụi dong riềng hay khóm chuối trĩu buồng. Theo cách nói của dân bản thì đó là "vườn chạy chợ", vì các hộ có thể đủ tiền sắm sanh phục vụ các nhu cầu tối thiểu hằng ngày từ những vườn rau xanh tốt này.
 
Theo chân Trưởng bản Nhật, chúng tôi ghé vào nhà cựu chiến binh Quàng Văn Tắm, một người được dân bản tôn vinh là "con người mới" của bản Bua 2. Trong ngôi nhà khang trang, ông Tắm vui vẻ kể cho khách nghe về hành trình thoát nghèo, khởi giàu của mình, sau đó "chốt" lại: "Nếu không có nghị quyết của chi bộ bản làm thay đổi nếp sống lâu nay, thì tôi không biết đến bao giờ mới hết khổ". Theo ông Tắm, sau khi thoát nghèo và tích lũy được vài trăm triệu đồng từ vườn, ruộng, cách đây 2 năm, gia đình ông đầu tư 400 triệu đồng để mua 2 ô tô làm dịch vụ vận tải, thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con trong bản rồi mang đi tiêu thụ. Hiện, hợp tác xã kiểu mới với 10 thành viên là các gia đình trong bản do ông làm Chủ nhiệm luôn tất bật với nhiều việc làm như: Sản xuất, vận tải vật liệu xây dựng; vật tư nông nghiệp cho các doanh nghiệp cà phê, doanh nghiệp cao su trên địa bàn Mường Ảng. Ngoài ra, hợp tác xã còn là đầu mối thu mua, vận tải và bao tiêu luôn sản phẩm từ 10ha dong riềng của chính bà con bản Bua 2. Đã 2 năm nay, 10 thành viên trong hợp tác xã có lãi trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm. "Không nên nói lý thuyết suông với bà con dân tộc mà phải làm để họ thấy. Tôi lấy điều tâm niệm đó để khuyên mình mỗi khi được cán bộ bản giao nhiệm vụ vận động, hướng dẫn bà con triển khai mô hình sản xuất mới..." - Ông Tắm kết luận khi được hỏi về vai trò của những "con người mới" ở bản Bua 2. Để nói được điều ấy, cựu chiến binh Quàng Văn Tắm đã phải lăn lộn với núi đồi, ruộng nương của bản mình và sẻ chia với bà con bao buồn vui sướng khổ suốt mấy năm qua, cũng bởi một lẽ giản đơn: Ông Tắm là đảng viên.


Không chỉ có ông Tắm, ở bản Bua 2 còn có cả một đội ngũ "con người mới", đặc biệt là lớp trẻ, do đã "ngấm" cách làm ăn hiện đại nên đã có của ăn của để với mức thu nhập từ 100-200 triệu đồng mỗi năm. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, nếu chỉ bám vào ruộng nương với lối canh tác cũ mà không chịu đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi thì không thể đảm bảo lương thực chứ nói gì đến rủng rỉnh tiền trong túi. Về chuyện này, cựu chiến binh Quàng Văn Tắm nói với chúng tôi đầy vẻ tự hào: "Nếu không dám nghĩ dám làm theo cách mới, khó mà thoát nghèo được. Cũng nhờ những "cái mới" mà đến nay, số hộ nghèo theo tiêu chí mới của bản Bua 2 giảm xuống còn 29 hộ trên tổng số 114 hộ. Có được kết quả này là do bên cạnh việc khai thác mạnh các điều kiện thuận lợi, tiềm năng về đất đai, sức lao động và được thừa hưởng các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ là sự vươn lên với ý chí thoát nghèo của nhân dân trong bản...". Còn Trưởng bản Quàng Văn Nhật thì làm phép so sánh rất hình ảnh: “Vào cữ nửa buổi như thế này rất khó gặp những thanh niên bản Bua 2. Họ đang lên rẫy đánh vật với chuối, với rau đậu, với cà phê. Họ đang nỗ lực làm giàu như cha anh họ từng vượt qua cái đói...".

Nguồn: bienphong.com.vn/Lưu Vân