Những năm qua, Hội NCT huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, gắn với phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”. Phong trào đã thu hút nhiều hội viên tham gia làm kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Các hội viên Hội NCT huyện Than Uyên nhận giấy khen có thành tích xuất sắc
trong phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” giai đoạn 2006 – 2011.
Hội NCT huyện Than Uyên có 3.234 hội viên tham gia sinh hoạt ở 138 chi hội. Những năm qua, Hội NCT huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tích cực thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng tổ dân phố tự quản, tham gia hòa giải các vụ việc trong nội bộ khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; tích cực xây dựng các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, khuyến học, khuyến tài, nuôi dạy con cháu chăm ngoan học tập...
Phong trào đã tạo nên khí thế hăng say, nhiệt tình hưởng ứng, tham gia của các hội viên, thể hiện được vai trò, vị thế của NCT trong gia đình và xã hội. Hưởng ứng phong trào thi đua “NCT làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội NCT Việt Namphát động, Hội NCT huyện tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia. Những hội viên còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia quá trình lao động sản xuất; những cụ hội viên sức khỏe yếu thì động viên, hướng dẫn con cháu về kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Qua phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” đã thu hút hàng trăm các cụ hội viên tham gia, trong đó nhiều hội viên được bình xét là NCT làm kinh tế giỏi. Ông Đặng Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội NCT huyện cho biết: “Nhằm phát huy vai trò và vị thế của NCT, chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền, vận động các hội viên tuy theo sức khỏe và điều kiện tích cực tham gia làm kinh tế, bản thân cũng như giúp con cháu vươn lên làm giàu chính đáng. Việc đưa phong trào làm kinh tế giỏi vào Hội NCT đã có tác dụng rõ rệt, là tấm gương sáng cho cho con cháu noi theo, nó thể hiện rõ người cao tuổi không chỉ giữ vai trò là tấm gương mẫu mực trong gia đình và xã hội, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng, mà còn chứng tỏ là những người biết làm kinh tế và làm kinh tế giỏi. Tuổi cao sức yếu song luôn là những người đi đầu góp công, hiến kế, động viên con cháu lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Đến thăm ông Hà Trung Phong – Ngã ba Mường Kim với mô hình trồng rừng phát triển kinh tế. Như bao bà con khác trong bản gia đình ông trồng lúa mà cuộc sống mãi cũng không đủ ăn, thấy đất rừng trong bản mình còn để hoang hoá, ông đã mạnh dạn đầu tư vào rừng để phát triển kinh tế mong thoát nghèo. Sau những năm tháng lao động miệt mài, bắt đất rừng nhả "vàng" cho sản phẩm. Đến nay, ông đã có 7,8 ha rừng keo, rừng quế xanh tốt, hàng năm từ nguồn thu phụ phẩm lâm sản, gia đình ông thu nhập hàng chục triệu đồng. Bên cạnh sản xuất, ông Phong còn tận dụng đồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và các loại gia cầm khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cũng từ mô hình sản xuất này ông đã tạo công ăn việc làm cho 4 – 5 lao động thường xuyên trên địa bàn với thu nhập 2 - 3 triệu đồng một tháng.
Thăm mô hình VAC của ông Đống Xuân Nhân - Khu 8 – Thị Trấn Than Uyên. Được biết, trước đây gia đình ông chỉ trông chờ vào vườn vải và ít chân ruộng lúa, nhưng mấy năm gần đây, vải thiều liên tục rớt giá, đất cấy lại không nhiều nên gia đình ông gặp không ít khó khăn. Ông nhận thấy cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây vải để cải thiện kinh tế gia đình. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông vận động một số bà con trong thị trấn cùng đi thăm quan, học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh như: Thái Bình, Nam Định. Sau nhiều lần đi thăm quan học hỏi, ông thấy cây ổi mỡ có giá trị hàng hoá cao, nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng đất đồi núi quê ông. Sau 1 năm, mạnh dạn đưa cây ổi vào trồng, những cây ổi đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho thu hoạch khả quan. Từ sự thành công bước đầu ông mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng ổi hứa hẹn một hướng đi đúng. Cùng với đó ông còn nuôi gà, lợn và các loại gia cầm khác để vừa có thu nhập và có nguồn phân bón cho cây trồng, cải tạo đất.
Cũng như các hội viên NCT làm kinh tế giỏi như ông Đống Xuân Nhân, ông Hà Trung Phong, các hội viên Hội NCT của huyện Than Uyên với vốn sống và kinh nghiệm của mình, các cụ đang tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Những việc làm của các cụ hội viên NCT, đã và đang làm gương cho thế hệ trẻ tinh thần hăng say lao động, sản xuất, giám nghĩ giám làm, sáng tạo trong lao động sản xuất. Cùng con cháu thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, công tác an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, hoà giải, khuyến học, khuyến tài...
Phong trào NCT làm kinh tế giỏi của huyện Than Uyên thời gian qua đã xứng đáng 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Hội NCT “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, phong trào cũng đã góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm hộ nghèo, thúc đẩy lực lượng sản xuất tại cơ sở phát triển.
Với những gì HộiNCT huyện Than uyên đã làm được càng khẳng định vai trò, và vị thế của người cao tuổi trong xã hội, từ đó con cháu và toàn xã hội có ý thức hơn trong việc chăm sóc NCT, giúp NCT "sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.
Theo Thu Hoài (Nguồn: Laichau.gov.vn).
Xem thêm:
Huyện Than Uyên
Nằm ở phía Nam của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên có tổng diện tích tự nhiên 792,52 km2. Phía Đông giáp huyện Sa Pa, huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); phía Tây giáp huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); phía nam giáp huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La); phía bắc giáp huyện Tân Uyên. Dân số có 59,78 nghìn người, gồm 10 dân tộc, trong đó: Dân tộc Thái, chiếm 71,23%; dân tộc Kinh, chiếm 13,62%; dân tộc Mông, chiếm 9,95%; dân tộc Dao, chiếm 0,60%; dân tộc Khơ Mú, chiếm 1,96%; dân tộc Tày, chiếm 0,30%; còn lại là các dân tộc khác.
Huyện Than Uyên có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm Thị trấn Than Uyên, các xã: Pha Mu, Mường Mít, Phúc Than, Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Tà Hừa, Tà Mung, Mường Kim, Ta Gia, Khoen On.
Than Uyên là huyện có bề dày truyền thống lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với địa danh lịch sử, Bản Lướt xã Mường Kim, nơi Ban cán sự Đảng Lai Châu thông qua Nghị quyết của Liên khu ủy 10 về thành lập Chi bộ Đảng Lai châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay). Tháng 10 năm 2003 huyện Than Uyên vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp, có cánh đồng Mường Than lớn thứ 3 vùng Tây Bắc với diện tích hơn 2.000 ha; có 2 thủy điện lớn là: Bản Chát có công suất 220 MW và Huổi Quảng có công suất 560 MW, đang được xây dựng. Nền kinh tế của huyện những năm qua tiếp tục được duy trì và có sự tăng trưởng khá, GDP năm 2012 đạt 16,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo đạt 8,57%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đã xác định, một số ngành, lĩnh vực bước đầu đã có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tập trung gắn với chế biến và phát huy lợi thế từng vùng. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước được đổi mới phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đến nay 100% các xã trong huyện có đường đến trung tâm xã; 83,33% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia (năm 2012). Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo có những chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có sự phát triển khá, chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng lên, 100% số xã, thị trấn được công nhận xóa mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2012).
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng. Các hoạt động văn hóa - xã hội có những bước chuyển mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh, đạt những kết quả quan trọng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước được củng cố. Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Than Uyên đang nỗ lực quyết tâm xây dựng Than Uyên ngày càng giàu đẹp.
(Nguồn: Laichau.gov.vn)