04/02/2015 07:46

"Già làng văn hóa" Cơ Tu

CCB Alăng Bảy, 85 tuổi, trú tại thôn BhHôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có bề dày thành tích đáng nể. Trên vách căn nhà cấp 4 treo trang trọng hơn 50 Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen các loại.

 

Alăng Bảy sinh ra ở gia đình Cơ Tu nghèo. Lớn lên trong sự ác liệt của chiến tranh, bao lần chứng kiến quân địch sát hại đồng bào, đốt phá bản làng mình, năm 1958 Alăng Bảy thoát li theo cách mạng, tham gia hàng trăm trận đánh, đã 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ chỉ với khẩu súng trường. Năm 1962, Alăng Bảy được kết nạp Đảng; năm 1963 được điều về tăng cường cho Huyện đội Tây Giang làm trợ lí tác chiến. Khi đó khu vực 3 xã: Lăng, Atiêng, Anông là ngã ba trung tâm Nam Bắc Việt Nam – Lào trên tuyến đường Trường Sơn, là khu vực trọng yếu của chiến trường Khu V. Sau đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang điều Alăng Bảy về xã Atiêng với chức vụ Chính trị viên (cấp bậc Đại úy) kiêm Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Atiêng. Năm 1995 cụ về hưu vẫn còn mang trên người 4 vết thương chiến tranh, một mảnh lựu đạn còn nằm trong đùi phải.

 


Cụ Alăng Bảy thổi khèn truyền thống người Cơ Tu.

 

Được nghỉ hưu, nhưng CCB Alăng Bảy vẫn được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Sông Kôn. Vừa làm công tác đoàn thể địa phương, vừa làm kinh tế với hơn 5ha rừng trồng, kết hợp chăn nuôi bò, gia đình CCB Alăng Bảy đã trở thành hộ dân kinh tế khá giả. Alăng Bảy còn vận động, tuyên truyền, giảng dạy các điệu hát lí, các khúc dân ca, cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc cho thanh niên trong làng, cụ chơi được 7 loại nhạc cụ truyền thống. Tại Đại hội Văn hóa – Thể thao huyện Đông Giang lần thứ V vừa qua, già làng Alăng Bảy nhận giải Nhất biểu diễn nhạc cụ dân tộc. CCB Alăng Bảy vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, bãi bỏ hủ tục về ma chay, cưới xin tốn kém, phát động phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; phối hợp với các thành viên Mặt trận vận động bà con hưởng ứng tốt công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, chính sách hậu phương Quân đội, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng nông thôn mới, bản làng không còn cảnh rượu chè bê tha, không trông chờ ỷ lại cấp trên…

 

“Người Cơ Tu, qua hai cuộc kháng chiến, dù gian khổ, hi sinh, mất mát… nhưng vẫn một lòng đi theo Bác Hồ, đi theo Cách mạng, rất đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, trình độ… có hạn nên hiểu biết còn hạn chế, mình phải tranh thủ đọc báo, nghe thêm đài, tiếp thu các kiến thức để nói lại cho bà con mình nghe…”, cụ Alăng Bảy cho biết.

 

Mỗi lần trong làng có lễ hội, cụ Alăng Bảy lại hăng say tập luyện cho trai tráng trong làng đánh trống chiêng. Đêm đêm bên bếp lửa nhà Gươl, dân làng lại được nghe tiếng sáo Areeng hay tiếng đàn Arưl của cụ. Người dân xã Sông Kôn “phong” cụ là “Già làng văn hóa” Cơ Tu.

 

Nguồn: Báo Người cao tuổi/ Tiên Sa