Không chỉ giỏi làm giàu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, ông còn là người có uy tín tiêu biểu nhiều năm liền; là tấm gương sáng trong thôn xã, chỗ dựa tinh thần cho con cháu, niềm tin cho những gia đình khác vượt khó vươn lên. Đó là ông Trương Thiết Ly, 68 tuổi, người dân tộc Mường, sinh hoạt tại Chi hội NCT thôn Đạo, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Trương Thiết Ly
Thôn Đạo cách trung tâm huyện gần hai chục cây số, có đến 97% người Mường, trình độ dân trí không đồng đều, thì sự phát triển kinh tế xã hội đều rất hạn chế. Những người già trong thôn kể lại, trước đây, cư dân Lương Ngoại nghèo lắm. Thôn Đạo thuộc vùng cao của xã, đường sá đi lại vô cùng gian nan. Cái đói cái rét cứ bám riết, đeo đẳng, ám ảnh đồng bào hết đời này qua đời khác, cuộc sống trầm lặng trôi nơi thâm sơn cùng cốc. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong xã, trong thôn đồng lòng chung sức, vượt lên gian khó. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện; thôn Đạo được công nhận là Làng Văn hóa; Chi bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh; các đoàn thể, Chi hội NCT luôn dẫn đầu ở địa phương…
Là hội viên NCT, ông Ly luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, sống mẫu mực để con cháu và thế hệ trẻ noi theo. Khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát động, Hội NCT hưởng ứng, triển khai đến hội viên. Nhận thấy đây là việc hợp lòng dân bởi đề cập đến mọi mặt của đời sống ở cơ sở, ông tiên phong và vận động người thân, bà con xóm giềng tích cực tham gia. Ông bảo ban con cháu chăm chỉ lao động sản xuất, truyền đạt kinh nghiệm làm ăn, từng bước nâng dần thu nhập, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo. Tranh thủ lợi thế đất đai, ông bàn với vợ con xây dựng trang trại chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và đào ao thả cá. Hiện gia đình ông có 14 con trâu; gần 500 con gia cầm, mỗi ngày thu từ 350 – 400 quả trứng; hơn 1.000m2 ao, thu 200 – 250kg cá thịt/năm. Áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, ông thực hiện cơ giới hóa và dồn điền đổi thửa; quy hoạch từng khu: 1ha đất trồng ngô lạc; 6ha trồng mía tím và mía nguyên liệu cho nhà máy đường; 10ha đất rừng trồng keo, lát, luồng; doanh thu từ các loại cây trồng hơn 50 triệu đồng; nhận chăm sóc và bảo vệ 10ha rừng tự nhiên. Với việc tổ chức sản xuất khoa học, hiệu quả, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 20 lao động thời vụ. Mỗi năm trừ chi phí, vợ chồng ông thu lãi 250 – 300 triệu đồng, từ đói nghèo, nay đã có của ăn của để.
Buổi sinh hoạt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Không chỉ giỏi làm kinh tế, “ông già Mường họ Trương” còn vận động gia đình chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện; giáo dục con cháu, dòng họ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; sống nghĩa tình, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa. Gương mẫu bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, tai nạn, tệ nạn xã hội. Nhận thức học tập tốt để xây dựng tương lai tốt, thấm thía nỗi nhọc nhằn của việc học hành dang dở, ông quyết đầu tư cho con cháu. Bản thân ông đứng ra chủ trì lập quỹ khuyến học gia đình 10 triệu đồng, quỹ dòng họ hơn 20 triệu đồng; hằng năm, thưởng cho con cháu học giỏi từ 200 – 500 nghìn đồng/cháu. Do vậy, các con ông đều học hành đến nơi đến chốn, thành đạt, luôn ngoan hiền hiếu thảo, biết ơn cha mẹ.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, ông Trương Thiết Ly được các cấp, các ngành nhiều lần khen thưởng. Đặc biệt, ông trở thành một trong những hội viên tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị NCT tiêu biểu cơ sở khu vực Tây Bắc vào cuối tháng 10 tại Tuyên Quang, được Trung ương Hội NCT tặng Bằng khen. Ông phấn khởi chia sẻ: “Thành tích còn khiêm tốn lắm! Tôi sẽ tiếp tục phát huy để góp phần nhỏ bé xây dựng khu dân cư, thôn sớm đạt tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thôn vững mạnh, gia đình ấm no hạnh phúc.