14/07/2014 15:01

Cụ Vi nỗ lực với những óng tơ vàng

Về xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi khắp làng đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên thanh sào tre. Đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm dệt nhiễu nổi tiếng xứ Thanh. 

 


Cụ Lê Thị Vi, 81 tuổi

Vọng trong tiếng gió là âm thanh lạch cạch phát ra từ các xưởng kéo tơ thủ công. Hình ảnh ngôi làng gần như được nhuộm bởi màu vàng óng của những mẻ tơ đang “tắm” nắng cho khô mình khiến làng Hồng Đô thật nên thơ, thanh bình. Gặp và trò chuyện với cụ Lê Thị Vi, 81 tuổi, người tâm huyết, gắn bó với nghề dù bao dâu bể thăng trầm, chúng tôi mới thấy sự “say” nghề của những người con đất Thiệu Đô. Vừa thong thả dàn đều những bó tơ vàng ươm, óng ả quay sợi trên thanh sào, cụ vừa trải lòng về nghề ươm tơ có từ thuở ông cha. Không nhớ rõ nghề “ăn cơm đứng” này có tự bao giờ, chỉ biết, từ 12 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa còn đang mải mê với việc chăn trâu, cắt cỏ, với những trò chơi trên ruộng đồng, cụ đã mày mò theo mẹ học nghề.

 

Nghề trồng dâu, nuôi tằm không phải lấm lem bùn đất nhưng khá vất vả bởi thức khuya dậy sớm, chăm chút như nuôi “con mọn”. Tằm quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm tơ, kén, bởi thế để nuôi được tằm, đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian, quy trình chặt chẽ, lao động nhẹ nhàng nhưng có kĩ thuật cao. Sau 4 thời kì ngủ, tằm bắt đầu ăn rỗi, một ngày phải bảo đảm cứ 2 giờ cho tằm ăn một lần. Tằm được ăn no, kén sẽ tốt, không bị đứt, gãy. Nếu tằm ăn đói, nhả tơ không đều, hoặc chẳng may gặp thời tiết xấu, nhất là lúc mưa gió, sấm chớp, tằm đang nhả tơ sẽ giật mình dừng lại, tơ bị đứt gãy, kén bị thối. Khi tằm đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” sao cho kén khô, thơm để khi ươm không bị tan, sợi tơ vàng óng. Lúc tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để tằm không bị cay mắt.

 

Đòi hỏi nhiều công sức và vất vả nhất là khâu ươm tơ. Kén được cho vào nước sôi 100 độ C, sau đó có thể để kén trong nước với nhiệt độ giảm dần ở khoảng 90 độ C làm cho tơ bung ra, tay thợ bắt sợi tơ bắc lên gàng. Mỗi máy tơ có rất nhiều gàng. Tơ sau khi qua gàng sẽ được đưa qua hệ thống máy với guồng dạo để dạo thành các con tơ. Người quay phải trực tiếp chịu sức nóng của bếp than, vừa phải tập trung làm việc sao cho đều tay. Khi các con tơ đầy được mang lên sào phơi ít nhất từ một đến vài ngày dưới nắng, cho tới khi khô kiệt, sản phẩm mới không bị ẩm, mốc. Những hôm mưa hoặc trời không có nắng, phải sấy tơ bằng bếp than để bên dưới máy dạo, bên trên thợ vừa dạo vừa quay, vừa sấy sản phẩm.

 

Say sưa với chuyện nghề, cụ Vi tự hào cho biết: “Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ là sự gắn kết hài hòa không tách rời. Mỗi người ở làng nghề đều như một nghệ sĩ, phải đầy đủ sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo và đôi bàn tay tài hoa. Con cháu lớn lên, đi học, rồi kiếm ngành nghề khác nhiều, tuy nhiên chúng tôi vẫn nặng lòng với nghề của cha ông để lại. Nhìn sản phẩm làm ra từ tơ của chúng tôi được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi rất đỗi tự hào. Đó là niềm động viên để chúng tôi tiếp tục say nghề, cố gắng để “truyền lửa” cho thế hệ  mai sau”…

 

Từng trải qua thăng trầm, có lúc tưởng chừng như mai một, nhưng những người thợ yêu nghề như cụ Lê Thị Vi vẫn kiên trì bám nghề, không ngừng nỗ lực để nghề nhiễu Hồng Đô vươn xa hơn nữa, góp phần làm đẹp hơn, phong phú hơn cho làng nghề Xứ Thanh

Nguồn: Báo Người cao tuổi/ Nguyễn Trang