Cụ ông 97 tuổi và bộ sưu tập 'Làm theo lời Bác'

Thôn Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội có cụ ông 97 tuổi, hằng ngày vẫn cần mẫn lao động bên khu vườn gia đình. Cụ là Nguyễn Văn Nhân, cựu tù chính trị Hỏa Lò, người từng trực tiếp lãnh đạo hơn 30 bạn tù tiến hành cuộc binh biến trên đất Cao Bằng… 

Năm 1946, cụ Nhân làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến khu Đông Dư (gồm 5 xã Đông Dư, Giang Cao, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức của huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sáng 15/6/1947, giặc Pháp mở cuộc càn quét lớn, bất ngờ xông vào xã Bát Tràng, nơi có trụ sở Ủy ban Kháng chiến, cụ Nhân cùng vài chục người khác bị địch bắt đưa về đồn. “Tối hôm ấy, địch không chỉ tra khảo, chúng còn hèn hạ lấy thuốc súng đổ vào người chúng tôi rồi châm lửa đốt”, cụ Nhân kể và chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo bỏng trên người.

alt
Cụ Nguyễn Văn Nhân

Vài ngày sau, địch đưa cụ Nhân về giam tại Hỏa Lò. Cuối năm 1947, khi giặc Pháp kéo lên đánh chiếm 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, chúng bắt khoảng 30 tù chính trị đi theo phục dịch. Để phân biệt với các tù thường phạm, địch lấy sơn đỏ in chữ “D” (viết tắt của từ Dangereux - Nguy hiểm) vào lưng áo của tù chính trị Hỏa Lò. Do phần lớn tù Hỏa Lò là trí thức, không làm được việc nặng nên đám cai thấy sau lưng áo tù có chữ “D” thì ra sức hành hạ, nhiều người bị chúng đánh cho đến chết. Cụ Nhân và các bạn tù chính trị bảo nhau tìm cách vứt bỏ những chiếc áo có chữ “D” để bảo toàn tính mạng…

Dừng chân tại thị xã Cao Bằng, từ thân phận “cu-li”, cụ Nhân và các bạn tù dần được “trưng dụng” vào làm những công việc của một trung đội lính công binh. Địch trang bị cho tù nhân đồng phục, súng trường và cử tên Bình (từng là tay sai của Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên) làm Trung đội trưởng. Tối đến, địch cho anh em tự do đi lại trong thị xã đến 21 giờ về tập trung.

Một hôm, cụ Nhân được bố trí gặp người đánh cá trên sông, đó là cán bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Sau nhiều cuộc bàn việc vận động ngụy binh về với kháng chiến, đầu tháng 6/1948 có 2/3 binh lính trong Trung đội Công binh sẵn sàng gia nhập Cách mạng. “Biết không thể kéo dài thời gian vận động do địch đang nghi ngờ theo dõi, chúng tôi báo cáo và được cấp trên nhất trí tiến hành một cuộc binh biến vào đêm 15/6/1948”, cụ Nhân nhớ lại.

Vị trí đóng quân của Trung đội chỉ cách bờ sông 150m, bên kia sông là rừng núi nên kế hoạch được thống nhất: Ta bố trí một tiểu đội du kích đến bờ sông đối diện yểm trợ cùng 6 chiếc bè, mỗi bè chở 8 người. Cụ Nhân được cử làm Trung đội trưởng, hai người tù tên Thiết và Yến được cử làm Trung đội phó và Chính trị viên. Đúng 24 giờ, Trung đội phó Thiết có nhiệm vụ khử tên Bình ngay trong doanh trại, sau đó từng người lần lượt xuống bè để du kích chở qua sông…

Đêm ấy, trời mưa rất to. Như thường lệ, tên Bình rủ mọi người trong Trung đội chơi xóc đĩa. Chơi bài xong, Bình và đồng bọn lăn ra ngủ. Khi nghe trinh sát báo cáo, các cụ Nhân và Yến có mặt kịp thời, lệnh cho anh em lẳng lặng thu hết súng mang đi trước. Đúng 24 giờ, bằng một mũi dao nhanh gọn, cụ Thiết đã kết liễu đời tên Bình. Cuộc hành quân diễn ra trật tự theo kế hoạch. 10 phút sau, địch mới biết và báo động khắp thị xã. Khi chúng ra tới bờ sông thì các cụ đã nhanh chóng sang đến bờ bên kia. Sớm hôm sau, địch lùa quân sang càn quét thì các cụ đã trở về căn cứ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh an toàn, cả người phụ nữ tên Liệu, cơ sở địch vận của ta, cũng nhanh chóng rút khỏi thị xã...

Tại Ủy ban Kháng chiến tỉnh Cao Bằng, 36 người vượt ngục được bố trí nơi ăn, ở và đặt tên mới là “Trung đội Tự động Cứu quốc”. Sau đó, hầu hết trong số này được biên chế vào các đơn vị của Liên khu I, riêng cụ Nhân được cử về Bắc Ninh làm Trưởng ban Huấn luyện Tỉnh bộ Việt Minh.

Ôn lại chuyện cũ, cụ Nhân không quên nhắc lại hai mốc thời gian thú vị là ngày 15/6/1947, cụ bị địch bắt tại Gia Lâm. Đúng một năm sau, đêm 15/6/1948, cụ lại cùng những cựu tù Hỏa Lò tiến hành thành công cuộc binh biến trên đất Cao Bằng. Sau này, khi lật giở những trang hồi kí của mình, cụ mới phát hiện ra sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy…

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ Nhân công tác tại Bộ Ngoại giao cho tới khi nghỉ hưu (năm 1973). Về địa phương, cụ tiếp tục tham gia hoạt động xã hội, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đông Dư đến năm 1993. Cụ duy trì thói quen đọc báo, tạp chí và sưu tập các bức ảnh trong thời kì tại chức và khi nghỉ hưu. Hơn 40 năm qua, cụ Nhân sưu tập được hơn 3.000 bức ảnh tư liệu cùng các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tấm ảnh và lời dạy của Bác đều được cụ tỉ mỉ cắt ra từ các loại báo, tạp chí rồi cẩn thận lưu giữ trong hơn 20 cuốn an-bum.

“Nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ làm thêm nhiều cuốn an-bum khác nữa. Sau này, những bộ sưu tập ấy tôi sẽ gửi tặng Nhà Văn hóa thôn, để đông đảo người dân quê hương có điều kiện tìm hiểu, tra cứu, học tập và làm theo những lời Bác dạy”, cụ Nhân chân thành bộc bạch.