19/11/2015 04:12

Bu tôi

                                                                                                        Ghi chép của Nguyễn Hữu Chiển


Trước kia, ở làng tôi, ai cũng gọi mẹ bằng bu, gọi cha bằng thầy. Tôi mồ côi cha từ lúc 8 tháng tuổi nên không biết gọi tiếng thầy. Dần dần, dân làng tôi, người đi công tác, người đi học nơi xa, hoặc đi làm ăn buôn bán ở ngoài nên sự giao lưu đã làm thay đổi cách xưng hô với cha mẹ của hầu hết những người con quê tôi. Từ “bu” chuyển sang “u” cho bớt vẻ nhà quê. Thậm chí có người lại gọi cha mẹ bằng cậu và mợ giống như người thành phố. Giờ thì đại đa số con cái gọi những người sinh thành ra mình là bố và mẹ. Khi đã có con rồi thì người ta lại gọi cha mẹ bằng ông và bà rồi chuyển sang cụ khi bản thân mình đã trở thành bà, thành ông. Đó là cách gọi thay con, thay cháu .Ở đâu cũng vậy, nhà quê cũng như thành phố.
Chỉ có tôi ở làng Cổ Điển này và có lẽ ở cả vùng này, vẫn gọi mẹ bằng bu mặc dù giờ tôi đã gần bẩy mươi và đã có mười cháu nội, ngoại. Tôi không muốn thay đổi cách gọi này vì lúc nào tôi cũng cảm thấy mình còn bé bỏng bên cạnh mẹ và mỗi lần cất gọi “bu ơi”, tôi thấy trào lên trong tôi một tình cảm ấm áp khó tả. Tôi biết lúc ấy bu tôi cũng rất vui.

 

Tình cảm tôi dành cho bu lây sang cả bè bạn gần xa và bu tôi trở thành bu của  cả các bạn tôi. Mỗi lần đến nhà hoặc hỏi thăm qua điện thoại, các bạn tôi đều không quên hỏi “Độ này bu có khỏe không?”. Tôi cảm động.
                                             Một người bạn tôi đã làm thơ tặng bu:
                                             Bu ơi, tiếng gọi nhà quê
                                             Là bầu sữa ngọt tràn trề môi con
                                             Một thời xuân trẻ héo hon
                                             Nuôi con tần tảo mỏi mòn tháng năm
                                             Đêm mưa chỗ ướt bu nằm
                                             Dành con chỗ ráo, nhường chăn rét về
                                             Đói nghèo mùa úng chiêm khê
                                             Theo bu riu tép nẻo quê xứ đồng
                                             Đói lòng con trẻ chờ trông
                                             Tôm riu bu bán để đong gạo về
                                             Thầy hy sinh chống giặc tề
                                             Giếng trong gương sáng người quê anh hùng
                                             Đời bu nhân hậu kiên trung
                                             Trọn đời giữ đạo thờ chồng nuôi con
                                             Con đi khắp trái đất tròn
                                             Tóc xanh đã bạc vẫn còn gọi bu.
Bu tôi xuất thân từ một gia đình khá giả họ Đỗ. Ông ngoại làm nghề thầy lang nên bu cũng học được một vài phương thuốc chữa bệnh bằng cây tầm gửi. Bu tôi lấy thầy tôi và ở với thầy tôi được ít năm thì thầy tôi hy sinh trong một trận giặc càn. Bắt đầu từ đó, cuộc sống của gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng nghèo túng. Ở vậy nuôi các con, bu phải làm rất nhiều công việc, từ việc đồng áng đến chạy chợ, nhưng nghề chính là nghề riu tôm và chao tôm. Cái nghề này lam lũ và vất vả lắm. Rét cắt da, cắt thịt mà bu vẫn phải đầm mình xuống nước, đầy cái riu to gần bằng cái thuyền gỗ, tay nhún nhịp nhàng, khéo léo để tôm dồn vào đõ. Đàn ông làng tôi không ai chịu làm cái nghề này. Thương bu vất vả, tôi đi theo rồi cuối cùng cũng học được nghề, cái nghề mà bu theo đuổi suốt mấy chục năm với bao nhọc nhằn vất vả đến còng cả lưng để các con được ăn, được học cho bằng anh, bằng em như bu tôi vẫn thường bảo thế.
Quê tôi thay đổi nhiều quá. Nhìn từ xa cứ ngỡ là một thị trấn nhỏ với những ngôi nhà mới xây và những biệt thự sang trọng. Thế mà trước đây, đó là làng nghèo nhất trong huyện được bao quanh bởi những cánh đồng chiêm nước trũng. Vào đầu mùa mưa, sau mối mẻ riu, chân bu đỉa con bám đầy. Bu đã chuẩn bị sẵn cái que, ở đầu que buộc kín một nắm vôi bằng vải rồi gạt một cái, lũ đỉa tuột khỏi chân, để lộ ra những vệt máu đang còn chẩy xuống bàn chân bu. Hình ảnh đó cứ bám chặt vào tâm trí của tôi, đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ mối khi nghĩ đến bu. Những năm sống ở nước ngoài, xa bu, xa gia đình, cuộc sống đầy đủ nơi phồn hoa lại càng làm cho hình ảnh ấy in đậm hơn trong tâm trí của tôi.  
Sau khi thầy tôi mất, vừa phải vật lộn với cuộc sống lao động vất vả hàng ngày, bu còn tiếp tục làm giao liên, chuyển tài liệu mật cho một vài cơ sở cách mạng trong nội thành, bất chấp hiểm nguy. Bu kể: Mấy lần bị địch nghi ngờ trong quang thúng của bu có tài liệu mật của Việt Minh. Chúng lật tung lớp bèo tây ngụy trang bên trên, nhìn thấy lũ cua bò lổm ngổm ở đưới, chúng sợ cua cắp, rụt tay lại rồi để bu đi. Chúng có ngờ đâu tài liệu được cuộn cho vào ống sậy rồi được buộc chặt ở dưới đáy thúng. Mỗi lần nhắc lại chuyện ấy, bu cười hả hê. Sau này, có người bảo bu tôi khai lại những thành tích hoạt động cách mạng thời kháng chiến chống Pháp để nhận huy chương, huân chương gì đó nhưng bu cười,  rồi bảo: “Mấy ông ấy quên hết rồi, tìm lại làm gì…”.
Tôi không biết gì về thầy tôi, chỉ được nghe kể lại rằng thầy tôi là người đàn ông giỏi giang và nhân hậu. Người vợ đầu tiên của thầy mà sau này chúng tôi gọi là mẹ già qua đời rất sớm để lại anh tôi lúc đó vẫn còn ẵm ngửa. Thông cảm trước hoàn cảnh gà trống nuôi con của thầy tôi, bu đã đến với thầy và sinh hạ cho thầy tôi ba người con nữa: Chị tôi, anh trai tôi và tôi.  Sau bu tôi, thầy tôi còn có thêm bà ba và người con trai thứ tư của thầy tôi ra đời. Vào thời đó, chuyện một ông hai, ba bà cũng là chuyện thường tình. Có lần, kể cho chúng tôi nghe về thầy tôi, bu tôi cười rất đôn hậu và bảo: “Nhờ có ông ấy giỏi cầm trịch nên gia đình rất hòa thuận”. Trong thực tế, bu cũng  thương anh cả và chú em tôi như con mình đẻ ra. Mẹ ba chúng tôi mất năm 1994, ở tuổi 81. Có lần trong giấc mơ, bu tôi òa khóc: “Tôi thương bà ba quá !”.
Thầy tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, bị giặc bắt, bị tra tấn dã man rồi anh dũng hy sinh ngày 15 tháng 9 năm Kỷ sửu, ở nơi mà hiện giờ đặt tượng đài liệt sĩ của thôn với hai vần thơ ca ngợi người xã đội trưởng du kích năm xưa:
                                               “Giêng nước trong sáng như gương,
                                                Tắm người bất khuất lại càng sáng trong”
Một lần, có người đến nhà vận động gia đình làm đơn để trên xem xét việc truy tặng thầy tôi danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Nhưng rồi,  sự đáp lại thiếu mặn mà của bu và của chúng tôi đã để chuyện đó đi vào quên lãng.  

Năm nay, bu tôi đã ngoài một trăm rồi nhưng vấn khỏe mạnh và minh mẫn. Một phần do được các con chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo nhưng có lẽ chủ yếu là do bu tôi thấy sung sướng về mặt tinh thần khi nhìn các con đều trưởng thành, cuộc sống đầy đủ, cháu chắt đông đàn dài lũ như người ta vẫn nói. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, bu tôi hay vận câu ví:
                                              “Mặn này bõ nhạt khi xưa,
                                              Nắng này bõ lúc trời mưa trơn đường”.   
                                              Nhìn bu cười rạng rỡ, tôi vui sướng vô cùng!                                             
Thiệt cho anh cả tôi. Anh xây dựng gia đình, sinh được hai con, một trai, một gái rồi đi bộ đội vào Nam chiến đấu, hy sinh anh dũng trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Chắc là thầy tôi đã chỉ đường chỉ lối cho  con cháu  tìm được hài cốt của anh  từ chiến trường miền Tây Nam bộ đưa ra sau hơn bốn mươi năm cách biệt để rồi đặt mộ anh cùng dãy hàng với thầy tôi ở nghĩa trang liệt sĩ xã… Giống bu tôi, chị dâu cả cũng ở vậy nuôi con và được bù đắp bằng sự thành đạt của các cháu tôi.
Tôi có một chị gái. Cho đến giờ, tự đáy lòng, tôi vẫn biết ơn chị vì sự hy sinh của chị - chấp nhận ở nhà giúp mẹ để cho các em đi học. Nhìn cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc của gia đình chị bây giờ, chắc bu tôi cũng hài lòng và tôi thì quên đi nỗi áy náy.                                               
Anh trên tôi và tôi, bu cho đi học vỡ lòng cùng ngày rồi tốt nghiếp đại học cùng năm. Anh nhập ngũ vào Nam công tác rồi về hưu với quân hàm Trung tá. Cuộc sống của gia đình anh mỗi ngày một khá hơn nhiều. Người ta bảo thế là có hậu. Còn tôi theo nghề ngoại giao.
Chú em tôi tốt nghiệp đại học ngành giao thông vận tải. Hoàn cảnh gia đình cũng thuộc hạng bậc trung trong làng, nhà cửa khang trang.
Nhin các con, các cháu như vậy, bu tôi hài lòng lắm. Vào những dịp đặc biệt trong năm như ngày giỗ thầy tôi, ngày Tết hay cưới hỏi các cháu, gia đình đông vui, bu tôi thấy khỏe hơn, ăn ngon miệng hơn rồi ngồi chơi với các con, các cháu, chắt, mời nhiều lần bu mới chịu vào trong giường nằm nghỉ.


Tôi rất mừng là đã đưa được bu đi thăm hầu hết những nơi danh lam thắng cảnh của đất nước, từ Đồ Sơn đến Hạ Long, đảo Cát Bà đến Tam Đảo, Sa Pa rồi vào Cửa Lò, Sầm Sơn, dọc theo bờ biển đến Quảng Bình, Huế để vào Nha Trang, Đà Lạt. Ở vào tuổi hơn 90 mà bu vẫn bước  những bước đi thoăn thoắt.
Bu tôi mất một tuổi so với tuổi trong hộ khẩu nên đến Tết Ất Mùi 2015 bu mới được mừng thọ 100 và nhận quà của Chủ tịch Nước. Vào ngày 4 Tết hàng năm, làng  tưng bừng mở hội - hội chúc thọ các cụ từ tuổi 70. Bu tôi là người đầu tiên trong làng vượt qua mốc 100 - tuổi đại hồng thọ theo cách dùng từ mới của Hội Người cao tuổi Việt Nam.                                             
Đó là một ngày đặc biệt, một niềm tự hào, một niềm hạnh phúc to lớn đối với con, cháu, chắt của bu. Họ hàng nội ngoại,  bầu bạn gần xa, chính quyền, đoàn thể của thôn, xã và huyện….đên chúc mừng, chia vui. Nhà đầy ắp tiếng cười.
Xúc động trước hình ảnh cụ già hơn 100 tuổi với đàn con cháu quây quần, bạn tôi đã làm mấy vần thơ:
                                            “Đông vui con cháu quây quần
                                             Nhớ ơn mình mẹ tảo tần nuôi con
                                             Bẹ mèn ôm ấp cau non
                                             Tằm trong nong kén mỏi mòn nhả tơ
                                             Thỏa lòng vui mẹ mong chờ
                                             Đàn con thơ bé bây giờ lớn khôn
                                             Công cha cao tựa Thái Sơn
                                             Bao la lòng mẹ lớn hơn biển trời
                                             Cầu mong mẹ khỏe, vui tươi  
                                             Trường sinh phúc lộc muôn đời cháu con”.
Cám ơn bạn đã nói thay lời chúng tôi, những người con, người cháu và chắt của bu!. Có phải dễ đâu khi muốn diễn đạt bằng lời những tình cảm sâu lắng từ đáy lòng mình! Tôi không nói được. Và tôi, một người đã trở thành ông và chuẩn bị lên chức cụ, vẫn thỉnh thoảng nằm rúc vào nách mẹ và sờ “ti” bu như ngày nào vẫn còn bé thơ. Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và bu tôi - tôi cảm nhận rõ điều đó - chắc cũng rất hạnh phúc bên con trai bé bỏng của mình!
Đã từ  lâu rồi, tôi  đau đáu cái ý tưởng làm cách nào đó để ghi lại những hình ảnh về bu tôi, một người mẹ bình thường như bao bà mẹ khác, nhưng  sẵn sàng chấp nhận sự mất mát và hy sinh quên mình vì nền độc lập dân tộc và tương lai cùa đất nước và  của con cháu mai sau. Mặc dù không được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nhưng trong suy nghĩ và từ sâu thẳm tình cảm của các con cháu bu, bu tôi thực sự là một bà mẹ anh hùng và vĩ đại như những bà mẹ Việt Nam anh hùng khác.