Lâu nay, thôn Từ Đại (xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam) vẫn được người ta gọi với cái tên ví von là “làng trường thọ”. Bởi ở đây, rất nhiều cụ đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Có cụ 100 tuổi vẫn đọc chữ Nôm vanh vách mà không cần dùng kính, nhiều cụ U80 – U90 băng băng vác cây chuối, đốn tre, đan rổ… như thanh niên. Tới “làng trường thọ” trong dịp cận Tết cổ truyền dân tộc, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bí quyết sống lâu, sống khỏe cũng như cách đối nhân xử thế, dạy dỗ con cháu của một cặp đôi bách niên giai lão.
Như chuẩn bị đám cưới
Trong năm 2013, thôn Từ Đài đã tổ chức “đám cưới vàng” cho 11 cặp vợ chồng. Theo những người dân nơi đây thì những người được tổ chức “đám cưới vàng” phải có những tiêu chuẩn nhất định. Đó phải là các cụ sống trên 80 tuổi, đã lấy và sống với nhau trên 60 năm. Gia đình vui vẻ, hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, chăm chỉ lao động, không gây điều tiếng gì. Là một trong số 11cặp đôi nhận được vinh dự trên, vợ chồng cụ Phạm Văn Thái (88 tuổi) và cụ Lê Thị Chuyên (86 tuổi) rất hào hứng khi kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình mình. Còn cụ ông vẫn đọc sách báo vanh vách, xem ti vi mà không cần tới kính, khiến mọi người ai cũng nể phục. Cả hai da dẻ vẫn rất hồng hào, trí tuệ minh mẫn. Hai cụ kết hôn năm 1950, sống với nhau đến nay đã 64 năm.
Vợ chồng cụ Thái mạnh khỏe ở tuổi “gần đất xa trời”.
Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, vợ chồng cụ Thái cho rằng đó là “phúc trời ban”. Cụ Thái cho biết: “Chúng tôi cũng như những người cao tuổi khác trong thôn thôi, chẳng có bí quyết gì gọi là bí mật cả. Người dân quê tôi vốn thuần nông, trước đây cuộc sống khốn khó, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Có lẽ do chúng tôi quen lao động nên mới có sức khỏe dẻo dai. Riêng vợ chồng tôi giữ thói quen uống 2 - 3 chén rượu vào mỗi bữa ăn. Tuy nhiên chỉ uống có chừng mực như vậy thôi vì uống nhiều cũng không tốt”.
Ngồi cạnh nghe bố mẹ trò chuyện, ông Phạm Văn Tự (65 tuổi, người con trai sống cùng vợ chồng cụ Thái - PV) cho biết: “Bây giờ hai cụ còn khỏe lắm, bún có thể ăn hết 2 tô, không bỏ bữa bao giờ. Tuy bây giờ tuổi già, các cụ ngủ ít nhưng ăn uống vẫn đều đặn lắm. Thời gian gần đây, bố tôi sức khỏe có giảm sút nên gia đình hạn chế ông uống rượu. Có mẹ tôi vẫn uống rượu đều, nhưng mỗi bữa cũng chỉ một hai chén thôi”. Ông Tự cho biết thêm: “Bố mẹ giờ già rồi nên nhạy cảm lắm, dễ buồn, dễ tủi thân. Cứ ngày giỗ, Tết mà các con, các cháu chắt không về là ông bà buồn lắm. Vậy nên những dịp đó, dù có sống ở đâu, đi làm phương xa bận rộn thế nào, mọi người cũng cố gắng tụ họp đầy đủ, cho ông bà vui lòng”.
Ông Phạm Văn Đình (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại) cho biết: “Theo thống kê của Hội Người cao tuổi, hiện xã có 1.381 cụ thuộc Hội, trong đó có đến 577 cụ ở độ tuổi 80 - 99 và có 4 cụ trên 100 tuổi, còn lại là các cụ dưới tuổi 79. Riêng thôn Từ Đài có 11 cặp đôi mới được tổ chức “đám cưới vàng” trong sự chúc mừng của mọi người trong thôn. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh hạnh phúc gia đình, ca ngợi sức sống dẻo dai, cuộc sống hòa thuận, đầm ấm, giúp lưu truyền giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Một hiệu ứng tích cực sau hoạt động này, chúng tôi nhận thấy các cụ và con cháu trong gia đình sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy hiệu quả tích cực nhất là con cái đã quan tâm và chăm sóc bố mẹ nhiều hơn”.
Chia sẻ về việc chuẩn bị cho mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc đến, cụ Thái cho biết đó là khoảng thời gian đại gia đình mình tấp nập và vui vẻ hơn bao giờ hết. “Quê tôi các cụ có câu: “Đói tháng ba, lo 3 ngày Tết”. Vậy nên dù có nghèo khó tới đâu thì từ nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn chuẩn bị một cái Tết tươm tất và ấm cúng. Phần để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà. Phần để con cháu đỡ tủi và có dịp quây quần bên nhau. Nói thật bây giờ, điều vợ chồng tôi móng ngóng nhất chính là dịp Tết đến xuân về. Bởi những ngày đó, con cháu sẽ về chúc thọ và tề tựu đông đủ nhất. Vợ chồng tôi sinh 5 con, 2 gái 3 trai. Hiện tại, chúng tôi đang có 20 cháu, 15 chắt. Con cháu đề huề, hòa thuận, vui vẻ nên không còn mong muốn gì hơn nữa”, cụ Thái chia sẻ.
Theo cụ Thái, mặc dù hiện nay cuộc sống hiện đại nhiều thay đổi, đôi khi những giá trị văn hóa xưa bị xem nhẹ nhưng đối trong gia đình cụ vẫn luôn đề cao nếp sống, lễ nghi và phong tục của cha ông từ xưa. Đặc biệt là Tết Nguyên đán. Chia sẻ về việc chuẩn bị cho Tết Ất Mùi 2015 sắp tới, cụ Thái vui vẻ: “Nhà tôi đông con cháu nên chuẩn bị Tết cũng giống như chuẩn bị một đám cưới nhỏ vậy. Trong đó, một việc quan trọng là gói bánh chưng. Các cụ xưa vẫn nói: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Thiếu gì thì thiếu chứ thiếu bánh chưng là mất hương vị Tết, đi mua cũng được nhưng ý nghĩa của nó cũng bị giảm đi ít nhiều. Vậy nên trước nay, vợ chồng tôi vẫn khuyên con cháu dù bận rộn tới đâu cũng không nên mua bánh ngoài chợ. Việc gói rồi cả nhà ngồi trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng sẽ giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết và con trẻ thêm yêu Tết truyền thống”. Vì rất chú trọng nên việc chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng của gia đình cụ Thái đã được rục rịch chuẩn bị. “Nếu những gia đình bình thường, Tết chỉ 3 đấu gạo là đủ gói bánh chưng thì gia đình tôi phải chuẩn bị những 20 đấu gạo. Năm nào cũng phải hai nồi bánh chưng to mới đủ cho con cháu về chúc Tết. Đỗ xanh, gạo nếp của con cháu tự cấy trồng mang tới biếu nên chiếc bánh nấu lên cũng dẻo thơm hơn”, cụ Chuyên chia sẻ. Được biết suốt nhiều năm nay, mặc dù sống cùng con cháu nhưng Tết năm nào, cụ Thái cũng giữ vị trí “chủ trò” gói bánh. “Chồng tôi rất khéo tay, gói bánh chưng dài hình trụ hay hình vuông đều đẹp. Biết tiếng nên nhiều nhà trong thôn còn nhờ ông ấy tới gói họ”, bà cụ tự hào nói về người chồng hơn 60 năn gắn bó.
Giữ hương vị Tết cổ truyền
Cụ Chuyên cho biết thêm, ngoài gói bánh chưng thì ngày Tết còn rất nhiều phong tục truyền thống cần phải lưu giữ. Điển hình như mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết. Cụ cho biết: “Mâm cỗ Tết nhà tôi thường là những món truyền thống từ xưa. Ngoài bánh chưng ra còn có thêm món thịt đông, giò thủ, măng khô hầm xương, thịt gà… và không thể thiếu món củ hành muối mà gia đình tôi ai cũng thích. Mâm cỗ Tết mỗi nhà, mỗi địa phương có thể khác nhau về hình thức nhưng vẫn hướng về một điểm chung là thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên, để con cháu nhớ đến nguồn cội”. Hay việc chuẩn bị mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ, gia đình cụ cũng rất coi trọng. “Mâm ngũ quả phải đầy đủ và mỗi trái đều phải có ý nghĩa cầu may. Ngoài quả bưởi, nải chuối còn có đu đủ để quanh năm no đủ, trái sung để mong sung túc, dưa hấu để quanh năm đỏ như son. Và đã mua là phải mua cả cặp đều nhau, nếu nhà ít người thì cúng một trái cũng được, sao cho đủ nghĩa “Cầu – Vừa – Đủ – Xài”, mặt trước trái dưa được dán chữ Phúc hay Đại cát, Đại lợi hoặc 3 chữ Phúc Lộc Thọ bằng chữ Nho lồng vào nhau. Nhìn lên bàn thờ sẽ thấy đầy ắp ngôn ngữ tâm linh”, cụ bà cho hay.
Ảnh chụp ngày tổ chức “đám cưới vàng” của hai cụ.
Theo vợ chồng cụ Thái, các lễ nghi trên sẽ góp phần làm cho ngày Tết thêm ý nghĩa. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là sự đoàn tụ gia đình. “Ngày Tết sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có con cháu về quây quần. Tết là ngày đoàn viên nên ở cái tuổi “gần đất xa trời” này, con cháu về chúc Tết còn hơn ngàn lời chúc tụng đối với chúng tôi”, cụ Chuyên tâm sự. Sau đó, cụ bà vui vẻ chỉ những bức ảnh chụp cùng con cháu trong những năm Tết trước đó với ánh mắt đầy mãn nguyện. Từng bức ảnh, cụ đều nhớ rõ năm chụp, ngày chụp. Cặp vợ chồng bách niên giai lão cho biết thêm, Tết là nét văn hóa tốt đẹp và ý nghĩa nhất của người Việt. Và đối với hai cụ, việc truyền bá những giá trị truyền thống tốt đẹp đó cho con cháu, giống như một trách nhiệm cao cả đối với tổ tiên, đất nước.
Nguồn: Minh Khuê/giadinh.net