30/09/2016 06:03

Tích cực hưởng ứng thông điệp của Liên Hợp quốc về “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác”

                                                                                               TS. Đàm Hữu Đắc

                                                         Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam

 

Cách đây đúng 34 năm (1982) Liên Hợp quốc đã tổ chức Hội nghị thế giới về NCT đầu tiên tại Thủ đô Vienna, nước Cộng hòa Áo. Hội nghị đã thông qua các nghị quyết quan trọng và Chương trình hành động quốc tế dài hạn 50 năm về NCT, gồm 50 điều với 6 nội dung cơ bản liên quan đến NCT. Đồng thời Liên Hợp quốc cũng quyết định lấy năm 1982 là năm Quốc tế NCT đầu tiên, để các quốc gia quan tâm đến NCT và các vấn đề già hóa dân số. Năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 1/10 hằng năm là Ngày Quốc tế NCT bắt đầu từ năm 1991. Liên Hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ ràng hơn một thực tế về NCT, thấy rõ khả năng to lớn của NCT đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội; đồng thời cũng mong muốn lưu ý mọi người về một hiện tượng mới mẻ đó là sự già hóa dân số, trong tương lai không xa sẽ là kỷ nguyên NCT.

Năm 1991, Liên Hợp quốc thông qua những nguyên tắc đạo lý về NCT gồm 18 điểm thuộc 5 vấn đề: Quyền độc lập của NCT; Quyền được tham gia; Quyền được chăm sóc; Quyền được phát triển bản sắc riêng và Quyền được tôn trọng nhân phẩm. Những năm tiếp theo Liên Hợp quốc ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hướng về lớp NCT. Đặc biệt,  năm 2002, tại Thủ đô Ma-đrit (Tây Ban Nha) Hội nghị Quốc tế về NCT lần thứ hai đã thông qua Chương trình hành động quốc tế về NCT 2002, đã chú ý đến thách thức của quá trình già hóa dân số ở các nước đang phát triển, nơi mà tỷ lệ NCT sẽ tăng đến 20% dân số vào năm 2050. Chương trình được xây dựng theo ba hướng ưu tiên: Hướng ưu tiên thứ nhất: NCT và sự phát triển, trong đó nhấn mạnh đến việc điều chỉnh các chính sách và thể chế xã hội; Hướng ưu tiên thứ hai: Tăng cường sức khỏe và chất lượng sống của NCT, trong đó nhấn mạnh nhu cầu về các chính sách nhằm tăng cường sức khỏe ngay từ khi còn trẻ và trong suốt cuộc đời để đạt được một tuổi già khỏe mạnh; Hướng ưu tiên thứ ba: Đảm bảo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho NCT. Nhiều vấn đề đặt ra trong các chương trình hành động quốc tế, các nghị quyết của Liên Hợp quốc liên quan đến NCT trong hơn 34 năm qua vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cho mọi quốc gia như: Hướng tới một xã hội cho mọi lứa tuổi; xã hội cần có nhận thức tích cực về NCT; sự phát triển của cá nhân trong suốt cuộc đời; về mối liên quan giữa các thế hệ; về sự phát triển già đi của dân số; cần chủ động chuẩn bị cho tuổi già; về ba hướng ưu tiên trong Chương trình hành động quốc tế NCT lần thứ hai năm 2002.

Thực hiện những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách đối với NCT; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc chăm sóc, phát huy vai trò của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Ngày 10 tháng 5 năm 1995, Chính phủ cho thành lập Hội NCT Việt Nam; Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị số 59/CT-TW về “Chăm sóc NCT”; năm 2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành “Pháp lệnh về NCT”; Năm 2004, Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam là Phó Chủ tịch và lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức đoàn thể làm thành viên. Ở các tỉnh, thành phố đều thành lập Ban Công tác NCT. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010.

Đặc biệt, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã thông qua Luật NCT, Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến NCT tại Khoản 3, Điều 37 và Khoản 2, Điều 59. Hiến pháp, Luật NCT đã thể chế hóa chính sách của Nhà nước về NCT một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện. Đây là niềm vui lớn đối với NCT nước ta và là niềm tự hào của Việt Nam, bởi vì nhiều nước có nền kinh tế phát triển, thu nhập, đời sống cao hơn nước ta nhưng cũng chưa ban hành được Pháp lệnh và Luật NCT, chưa có những chính sách đối với NCT như ở nước ta. Thông qua Luật NCT và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đến nay cả nước đã có hơn 1,585 triệu NCT được hưởng chính sách BTXH của Nhà nước và hàng triệu NCT được hưởng các chính sách miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi NCT tham gia các hoạt động giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tham quan du lịch. Từ năm 2010 đến nay trung bình hàng năm có hơn 1 triệu NCT được các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức chúc thọ, mừng thọ; gần 900 ngàn NCT được thăm hỏi khi ốm đau, bệnh tật, được tặng quà trong dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc. Có thể nói hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách đối với NCT nói riêng ở nước ta khá đầy đủ. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã ba lần giảm độ tuổi hưởng chính sách BTXH từ 90 tuổi xuống 80 tuổi đồng thời nâng mức trợ cấp từ 60 ngàn đồng/người/tháng lên 270  ngàn đồng/người/tháng. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, mức độ khó khăn có người được nâng gấp rưỡi, gấp đôi mức trợ cấp. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NCT; quan tâm tạo điều kiện cho những NCT còn sức khỏe, có kinh nghiệm, trí tuệ, trình độ chuyên môn khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội NCT Việt Nam cũng như Hội NCT ở địa phương, cơ sở đã phấn đấu không ngừng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. 21 năm qua, Hội NCT Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống Hội Phụ lão cứu quốc do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo. Hội đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể; với sự đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên NCT cả nước và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, Hội NCT Việt Nam ngày một trưởng thành nhanh chóng cả về tổ chức và các mặt hoạt động về chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Các phong trào, chương trình do Hội phát động đều nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội như phong trào “Một triệu áo ấm” cho NCT nghèo khó; Phong trào xóa nhà dột nát cho NCT. Đặc biệt hai Chương trình: “Mắt sáng cho NCT” giai đoạn 2012 – 2015 và  “NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”. Sau gần ba năm triển khai thực hiện đã đạt kết quả to lớn, mang lại những lợi ích thiết thực với NCT và cộng đồng xã hội. Kết quả thực hiện Chương trình “Mắt sáng cho NCT” đã có hơn 3,6 triệu NCT được tư vấn, khám miễn phí các bệnh về mắt; hơn 541 ngàn NCT được chữa các bệnh về mắt như mổ quặm, mổ mộng, mổ thay thủy tinh thể đem lại ánh sáng cho đôi mắt NCT với tổng kinh phí đạt hơn 513 tỉ đồng; Chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, NCT cả nước đã tích cực vận động con cháu, gia đình, dòng họ đóng góp cho chương trình hàng ngàn tỉ đồng, hiến hơn 15 triệu m2 đất và đóng góp trên 6 triệu ngày công làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi ở nông thôn.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển sôi nỗi rộng khắp ở các địa phương, cơ sở. Cả nước có hơn 70 ngàn các loại hình câu lạc bộ khác nhau, thu hút gần 3 triệu người tham gia. Những NCT tích cực tham các hoạt động cộng đồng, các CLB sức khỏe được nâng cao rõ rệt, bệnh tật thuyên giảm và quan trọng hơn góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Một trong những mô hình CLB hoạt động có hiệu quả nhất, thích hợp nhất với NCT thuộc diện nghèo khó ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép nhân rộng ra cả nước thông qua Quyết định số 1533 QĐ-TTg, ngày 2 tháng 8 năm 2016.

Từ năm 2001 đến nay, hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT (1/10) Liên Hợp quốc có chủ đề để kêu gọi các quốc gia hưởng ứng thực hiện. Năm nay Liên Hợp quốc đưa ra chủ đề “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác”. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tiến hành một chiến dịch toàn cầu về chống phân biệt tuổi tác, để hỗ trợ các quốc gia, khu vực và quốc tế trong nỗ lực nhằm thay đổi chính sách và thực tiễn hưởng ứng chủ đề “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác”. Mặc dù vị trí, vai trò và ảnh hưởng của NCT đối với thế giới ngày càng được khẳng định song việc phân biệt đối xử và chăm sóc nhóm người này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và thực trạng này ảnh hưởng đến tất cả các mặt thể chất, tinh thần của NCT. Các vấn đề phải kể đến đó là: NCT phải đối mặt với các khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị ảnh hưởng bởi sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, trong cộng đồng và toàn xã hội, trong đó định kiến về tuổi tác là một vấn đề nan giải.

Phân biệt tuổi tác là biểu hiện đang diễn ra hàng ngày và ở khắp mọi nơi là nỗi buồn của NCT. Bên cạnh việc không còn làm việc, các dịch vụ xã hội hạn chế và cách tuyên truyền rập khuôn về NCT của các phương tiện truyền thông, sự phân biệt tuổi tác đang khiến NCT bị đào thải ra khỏi cộng đồng của họ vào thời điểm họ rất cần được quan tâm. Phân biệt tuổi tác diễn ra ở khắp cả mọi nơi, nhưng điều trớ trêu là nó lại được coi là điều hoàn toàn bình thường trong xã hội. Nó bắt đầu khi các phương tiện truyền thông luôn mặc định miêu tả NCT với hình ảnh “già nua, lụ khụ và dáng vẻ run rẩy, lập cập” trên truyền hình. Nó xảy ra khi các bác sĩ thăm khám bệnh cho NCT một cách hờ hững, thiếu nhiệt tình đối với tình trạng bệnh tật của NCT, hoặc sử dụng các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe dành cho những người trẻ tuổi. Nó biểu hiện khi các nhà hoạch định chính sách, hoặc vô tình hay cố ý phản đối danh mục ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các trung tâm dành cho NCT. Những thái độ phổ biến này vô hình chung đưa NCT đến bên lề của cộng đồng và điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Điều đáng quan tâm là NCT sống ở nơi có sự phân biệt tuổi tác nặng nề thường chết sớm hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi có thái độ tiêu cực đối với lão hóa có thể giảm tuổi thọ đến 7,8 năm so với những người có thái độ tích cực, vô tư, thân thiện với mọi người trong cộng đồng. Một khi NCT cảm thấy họ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, sẽ nghĩ rằng cuộc sống của họ ít có giá trị, đặt họ vào nguy cơ trầm cảm và cô lập xã hội.

Với chủ đề năm nay “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác”, Liên Hợp quốc đặt ra trách nhiệm cho mọi người trên thế giới ý thức được thế nào là phân biệt tuổi tác và tác động tiêu cực nghiêm trọng của nó gây ra đối với NCT. Thông điệp này rất cần thiết với nước ta vì trên thực tế  nơi này nơi kia vẫn còn tình trạng bạo hành, ngược đãi đối với NCT, vẫn còn phân biệt đối xử với NCT; nơi này nơi kia vẫn còn tình trạng từ mái ấm gia đình đến cộng đồng chưa thật sự tôn kính NCT; vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự lắng nghe những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của NCT…

Hưởng ứng thông điệp của Liên Hợp quốc, Hội NCT Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã và đang đẩy mạnh các phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; nêu gương sáng tham gia phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo; nêu gương sáng tham gia xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình hiếu học; ông ba cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo; nêu gương sáng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể vững mạnh; nêu gương sáng trong xây dựng Hội NCT vững mạnh, tập hợp, đoàn kết đông đảo NCT tham gia Hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Hội. Với 5 triệu NCT đang ở độ tuổi từ 60-65; 70-75, hàng triệu người còn sức khỏe, nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác xã hội, có trình độ đại học, sau đại học trong đó có nhiều người là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành, nhiều người có kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các chương trình dự án trong nước và quốc tế; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân; kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và giám sát, phản biện các chính sách về phát triển kinh tế xã hội ... Đây thật sự là những tiềm năng thế mạnh của NCT, nếu được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để họ có cơ hội tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước.

Nhân ngày Quốc tế NCT năm nay chủ đề “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác” , Hội NCT Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng “ phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IV Hội NCT Việt Nam và Chương trình hành động toàn khóa của Hội; thực hiện tốt hai Chương trình trọng tâm: “Mắt sáng cho NCT” và “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”; củng cố kiện toàn tổ chức Hội ngày càng vững mạnh làm nòng cốt trong phong trào trào toàn dân phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ V Hội NCT Việt Nam, Đại hội thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” toàn quốc lần thứ tư và kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6).