Đó là ấn tượng chung của nhiều cán bộ, hội viên NCT khi tham dự cuộc giao lưu văn nghệ của Cụm thi đua số 3, Hội NCT Việt Nam ngày 26/10, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Cụm thi đua số 3 có 6 đơn vị, gồm các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, năm nay tỉnh Quảng Ninh đảm nhiệm vai trò Cụm trưởng. Để có được cuộc giao lưu văn nghệ này, đồng chí Hà Đăng Hạnh, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban tổ chức cuộc giao lưu cho biết, thực hiện Công văn số 525 của Hội NCT Việt Nam, Cụm đã nhanh chóng họp bàn, thống nhất nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện và được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hội NCT các tỉnh trong Cụm ủng hộ. Sau một thời gian chuẩn bị, cuộc giao lưu được tổ chức nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc tế NCT và Tháng hành động vì NCT Việt Nam, thu hút hơn 30 tiết mục, với hàng trăm diễn viên NCT của các tỉnh trong Cụm tham gia. Tới dự và chỉ đạo cuộc giao lưu có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam; đồng chí Phạm Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh và đại diện các ban, ngành trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình và đồng chí Hà Đăng Hạnh Cụm trưởng Cụm thi đua số 3
trao Cờ Lưu niệm và Bằng chứng nhận cho các Đoàn tham gia Giao lưu
Trong hơn 3 giờ biểu diễn liên tục, các đoàn đã mang đến cuộc giao lưu nhiều tiết mục đặc sắc, được dàn dựng, luyện tập công phu. Đoàn NCT Quảng Ninh chủ nhà với hơn 100 diễn viên mở màn Chương trình với những tiết mục ca múa nhạc hoành tráng. Đặc biệt, các hợp ca: "Dấu chân phía trước", "Khi Tổ quốc gọi tên mình" và độc tấu sáo trúc được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.
Đoàn Bắc Ninh qua những giọng hát “vang, rền, nền, nẩy” giới thiệu những làn điệu truyền thống như: "Gọi đò", hoặc những bài hát mang âm hưởng dân ca quan họ như: "Làng Quan họ quê tôi", "Người ơi đến hẹn lại về"…
Đoàn Hải Phòng khỏe khoắn với nhiều tiết mục sôi động của các cựu chiến binh cao tuổi như bài "Đồng đội”, “Hà Nội - Viên Chăn" và cũng không kém phần mềm mại, sâu lắng như bài hát "Một đời người, một rừng cây",…
Một số hình ảnh và các tiết mục trong cuộc Giao lưu văn nghệ Cụm thi đua số 3
Đoàn Hải Dương mang theo dàn nhạc cụ dân tộc cùng những làn điệu chèo, hát văn ngọt ngào, đằm thắm. Điều đáng khâm phục là toàn bộ tiết mục này là của một Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được tỉnh cử đi tham gia giao lưu.
Đoàn Hà Nội lại thể hiện nét hào hoa và chuyên nghiệp qua màn hợp xướng "Người Hà Nội", hoặc bài hát múa "Tiếng chày trên sóc Bom Bo".
Đoàn Vĩnh Phúc dù ở xa nhất nhưng lại có một lực lượng diễn viên đông đảo hơn 80 người cùng nhiều pa nô, đạo cụ. Các tiết mục được dàn dựng với rất đông diễn viên tham gia như: "Vĩnh Phúc quê em", "Yêu dân tộc Việt Nam", "Dòng máu Lạc Hồng", khiến người xem không ngờ rằng, đây chỉ là lực lượng văn nghệ NCT của huyện Yên Lạc.
Mỗi đoàn một vẻ, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, nhiều màu sắc cho cuộc giao lưu. Song, chủ đề được các đoàn chú trọng và mang lại sự xúc động sâu sắc cho người xem là hình tượng Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước như các bài hát "Dấu chân phía trước" (Đoàn Quảng Ninh), "Người là niềm tin tất thắng” (Đoàn Hải Phòng), hát then “Non xa xa, nước xa xa" (Đoàn Vĩnh Phúc), hát chèo "Nhớ công ơn Bác trọn đời" (Đoàn Hải Dương)…
Các đoàn cũng rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin qua sử dụng các video minh họa làm tăng hiệu ứng cho các tiết mục và giới thiệu được nhiều hình ảnh của quê hương. Có lẽ đây là hướng tiếp cận mới mẻ cần tiếp tục phát huy trong hoạt động văn nghệ quần chúng, thay vì sử dụng hệ thống pa nô, đạo cụ theo truyền thống.
Về tổ chức lực lượng tham gia giao lưu mỗi đoàn cũng có một cách thức riêng. TP Hà Nội đưa một CLB nghệ thuật NCT thành phố, Hải Dương chọn đội văn nghệ của một CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, Vĩnh Phúc chọn lực lượng văn nghệ của một huyện, Hải Phòng chọn đội ngũ văn nghệ CCB, còn Quảng Ninh, Bắc Ninh thì tập hợp hạt nhân từ nhiều CLB văn nghệ NCT… Tuy vậy, sự chênh lệch về chất lượng nghệ thuật giữa các đoàn không lớn, nhiều đoàn thể hiện khá chuyên nghiệp từ kết cấu chương trình, hòa âm, phối khí đến trang trí sân khấu… nên người xem không có cảm giác chán, mặc dù tổng thời gian biểu diễn của buổi giao lưu lên đến hơn 3 giờ.
Nhìn chung, các thành viên tham gia giao lưu rất phấn khởi, đánh giá cao vai trò tổ chức và sự mến khách của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh Quảng Ninh. Ông Lương Anh Thế, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Hải Dương cho rằng: “Hình thức giao lưu này nên tổ chức luân phiên ở các tỉnh hằng năm. Như vậy, sẽ tạo cho NCT các tỉnh có điều kiện học hỏi lẫn nhau và thể hiện bản sắc địa phương của mình”. Còn ông Nguyễn Hoài Nam, diễn viên đoàn Quảng Ninh thì nhắn nhủ: “Đây là sân chơi rất bổ ích, đề nghị Trung ương Hội nhân rộng”. Ông Đào Quang Vinh, đoàn Hải Phòng thì bộc bạch: “Mỗi đoàn dù chỉ có quà 2 triệu đồng thôi, nhưng rất vui vì được gặp gỡ, giao lưu và thể hiện mình. Qua đây mới thấy, các cụ còn mạnh lắm”.
Đánh giá về cuộc giao lưu, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam khẳng định: “Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đăng cai, tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các tỉnh trong Cụm và đã thành công tốt đẹp. Từ cuộc giao lưu này Trung ương Hội sẽ rút ra nhiều điều bổ ích để có thể nghiên cứu nhân rộng ra các cụm thi đua khác”.